Sáng 27/4, tại Phú Thọ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía bắc. Đây là lần đầu tiên ông Hoan chủ trì hội nghị nằm ngoài khu vực Hà Nội, với cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết năm 2020, thiên tai xảy ra khắp thế giới với mức độ khốc liệt. Nhiều nước phát triển cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề do thảm họa thiên tai gây ra. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ rệt, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Bài toán lớn
Miền núi nước ta là một trong những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề từ các trận mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở, do đặc điểm người dân thường sống ở khe sông, khe suối.
Trong khi đó, nhiều người vẫn đang đề cao việc "chống thiên tai" chứ chưa "phòng". "Khi thiên tai xảy ra thì mình xúm lại, bàn bạc giải pháp, dồn sức ứng phó. Nhưng khi nó qua đi, chúng ta quên rất nhanh", ông Hoan nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía bắc. Ảnh: Mỹ Hà. |
Theo đó, tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng bài toán lớn nhất của phòng chống thiên tai không phải tìm các giải pháp cho 1-2 năm tới, mà phải tìm những giải pháp căn cơ hơn, tầm nhìn "5-10 năm, cả thế hệ sau này".
Để làm được việc đó, ông Hoan cho rằng các địa phương cần rà soát hạ tầng để khắc phục ngay những chỗ xung yếu. Ngoài ra, chiến lược ứng phó với thiên tai dài hạn cần dựa trên nền tảng công nghệ dự báo viễn thám.
"Nhưng việc ứng phó dài hạn không dễ. Kể cả khi có tầm nhìn xa, có sự đầu tư để xử lý các điểm nóng, rủi ro, nguy hiểm, thì thiệt hại do thiên tai vẫn chỉ giảm thiểu chứ không thể loại trừ. Đây là bài toán toàn cầu", ông Hoan nói.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, quan điểm của các bộ, ngành Trung ương là không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế, nhưng có địa phương vẫn muốn đáp ứng tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nếu không định hướng phát triển bền vững thì những hậu quả nặng nề sẽ xảy ra ngay trước mắt. Do đó, lãnh đạo các địa phương cần tính toán kỹ các lợi ích để đảm bảo cho chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.
"Làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu cho thế hệ hôm nay, nhưng không làm tổn hại đến nhu cầu của thế hệ sau", Bộ trưởng NN&PTNT nói thêm.
Sơn La, Lào Cai đề xuất hỗ trợ kinh phí
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tỉnh miền núi phía bắc đã báo cáo về tình hình thiên tai tại khu vực thời gian qua, đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai các phương án hỗ trợ, kinh phí để đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai.
Cụ thể, tỉnh Sơn La đề xuất Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, chế ngự lũ quét, sạt lở, nhằm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Lãnh đạo Sơn La mong muốn tỉnh được quan tâm, bố trí cho các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, nhiều dự án di dời dân ra khỏi vùng thiên tai. Tổng nhu cầu vốn tại tỉnh Sơn La cho giai đoạn 2021-2025 là hơn 2.100 tỷ đồng.
Miền núi phía bắc thường xuyên hứng chịu lũ quét và sạt lở đất từ tháng 6 đến tháng 9. Ảnh: Việt Linh. |
Tỉnh Hà Giang đề xuất được hỗ trợ trang thiết bị cho đội xung kích cấp xã, đặc biệt là phương tiện phục vụ công tác truyền tin, cảnh báo.
Những năm tới, trường hợp xảy ra thiệt hại do rét đậm, rét hại, địa phương này đề nghị được hỗ trợ giống và kinh phí kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng để sớm ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất.
Trong khi đó, tỉnh Lào Cai yêu cầu được hỗ trợ trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như xuồng máy, khoan bê tông, máy bơm và máy phát điện công suất lớn...
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng đề xuất được hỗ trợ kinh phí thực hiện Nghị quyết số 76 của Chính phủ và kinh phí khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020.
Mưa cực đoan ở Bắc Bộ
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định trong 4 tháng đầu năm 2021, tính biến động của thời tiết, khí hậu được biểu hiện rất rõ với các đợt mưa dông chuyển mùa trên cả nước, mưa đá xuất hiện nhiều nơi.
Tại Bắc Bộ, nắng nóng đã xuất hiện nhưng không theo thông lệ hàng năm. Thời gian qua, khu vực này liên tục hứng chịu các đợt mưa lớn, ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén do áp cao lạnh lục địa hoặc hội tụ gió trên cao.
Từ đó, ông Khiêm nhận định cùng với tính biến động của khí quyển và các hình thái giao mùa, từ nay đến tháng 7, mưa lớn tiếp diễn ở nhiều nơi kèm theo các hiện tượng cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trong tháng 9 năm nay, Bắc Bộ khả năng ghi nhận lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 20-25%. Đây là thời kỳ cuối mùa lũ tại khu vực. Số liệu dự báo ban đầu cho thấy miền Bắc có khả năng hứng chịu nhiều ảnh hưởng của 1-2 cơn bão trên Biển Đông gây ra mưa lớn, cực đoan.
Mùa mưa lũ năm nay, đỉnh lũ trên các lưu vực sông ở Bắc Bộ phổ biến ở báo động 1 và báo động 2, riêng thượng lưu sông Thao có khả năng xuất hiện lũ ở mức báo động 2 và báo động 3. Các đợt lũ vừa và lũ lớn sẽ tập trung trong tháng 8-9.
Chuyên gia cảnh báo khả năng lũ quét và lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.