Thay vì than vãn các giải đấu không thể diễn ra, những nỗ lực tập luyện "đổ sông đổ bể", làng thể thao thế giới đang đứng lên sừng sững như chỗ dựa vững chắc trong cuộc chiến lịch sử chống lại dịch Covid-19.
Những sân vận động trở thành bệnh viện, nơi tích trữ thiết bị y tế, nghỉ ngơi của các bác sĩ. Những món tiền khổng lồ được quyên góp, chiến dịch đầy nhân văn được phát động, và trên hết là các vận động viên đỉnh cao cũng lăn xả vào trận chiến. Thể thao đang chứng minh sự tồn tại của nó không đơn thuần chỉ để phục vụ cho nhu cầu giải trí.
Ban tổ chức đang phát động nhiều chiến dịch có ý nghĩa. Ảnh: Premier League. |
Lá cờ đầu Premier League
Bằng việc tạo ra hashtag “Chúng ta là một đội”, Premier League đang huy đồng gần như toàn bộ nguồn lực để cùng nước Anh chống lại dịch. Trong cuộc họp trực tuyến mới đây, ban tổ chức Premier League công bố quyết định trao tặng số tiền lên tới 20 triệu bảng cho dịch vụ y tế quốc gia Anh.
Tuy nhiên, Premier League không chỉ dừng lại ở việc quyên góp một số tiền lớn - điều mà nhiều người sẽ cho rằng đó chỉ là việc làm thể hiện nghĩa vụ chứ chưa trọn vẹn trách nhiệm. Ban tổ chức Premier League đã liên lạc với từng câu lạc bộ có trụ sở trải khắp nước Anh để tạo ra các cơ sở lưu trú cho người bệnh trong đại dịch.
Với tinh thần “những đội bóng Premier League sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc và hỗ trợ cho ít nhất 10.000 người ở vùng mà câu lạc bộ đó đóng quân”, Premier League đang tạo ra mạng lưới liên kết cực kỳ vững chắc và bền chặt.
Đi đầu phong trào chính là Liên đoàn Bóng đá Anh (FA). FA đã biến sân tập St George’s Park thành nhà kho khổng lồ để tích trữ thiết bị y tế. St George’s Park đồng thời sẽ là nơi các bác sĩ nghỉ ngơi trong thời gian chống dịch.
Man City chủ động quyên góp sân Etihad làm nơi đào tạo các bác sĩ tuyến đầu. Ảnh: Football-addict. |
Tiếp nối hành động đẹp này là Man City. Sân Etihad vốn là nơi từng đặt trụ sở đào tạo của một trường đại học chuyên ngành thể thao. Ban lãnh đạo Man xanh đã đồng ý cho thành phố sử dụng sân Etihad làm nơi đào tạo, rèn luyện kỹ năng của đội ngũ bác sĩ tuyến đầu, dĩ nhiên là hoàn toàn miễn phí. Ở London, Chelsea là đội bóng đầu tiên bật tín hiệu. Sân tập của "The Blues" sẽ được trưng dụng làm nơi ở cho bác sĩ và y tá.
Ngoài việc cống hiến cơ sở vật chất cho đội ngũ y tế, các đội bóng Premier League sẽ cử nhân viên đi giúp đỡ một số công việc như: Chăm sóc người già, giao thức ăn cho những gia đình khó khăn hay thậm chí dạy học cho trẻ em phải ở nhà trong thời gian bố mẹ đi làm.
Từng có thời gian thành phố cảng Manchester phải đón một chuyến tàu mang mầm dịch cúm viêm phổi, và sân vận động của Man United đã được biến thành bệnh viện dã chiến để cách ly và điều trị cho các bệnh nhân. Các nhân viên Man United cũng tham gia vào việc phục vụ trong bệnh viện này.
Những niềm cảm hứng
Ngoài việc trực tiếp tham gia vào trận chiến chống dịch Covid-19, các đội bóng lớn ở Premier League cũng tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để tuyên truyền. Chính phủ Anh thậm chí đánh giá hiệu quả tuyên truyền của các cầu thủ bóng đá còn cao hơn cả truyền thông, bởi họ có số lượng fan lớn.
Ở Italy, các đội bóng Serie A cũng đang tích cực chống dịch. Câu lạc bộ Roma quyên góp cho thành phố 8.000 găng tay bảo hộ, 2.000 chai nước sát khuẩn, trong khi đó Inter Milan đóng góp 300.000 khẩu trang.
Về cá nhân, tiền đạo Zlatan Ibrahimovic tự khởi động chiến dịch của riêng mình mang tên “kick coronavirus away”. Anh tự nguyện đóng góp 100.000 euro và kêu gọi fan hỗ trợ. Hiện tại, quỹ của Ibra đóng góp 250.000 euro cho các bệnh viện. Đích thân Ibra mang số tiền này trao cho các bệnh viện.
Chiến dịch chống dịch Covid-19 của Zlatan Ibrahimovic. Ảnh: Gofundme. |
Ngoài bóng đá, vận động viên ở các môn thể thao khác cũng có hành động thiết thực. Nếu như tay vợt Katie Swan mở tiệm tạp hóa để giúp đỡ những người nghèo ở Mỹ, thì vận động viên huyền thoại của Tây Ban Nha Saul Craviotto lại tình nguyện trở lại lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Gijon để tham gia vào quá trình theo dõi việc cách ly xã hội.
Saul Craviotto là vận động viên chèo thuyền kayak nổi tiếng nhất xứ sở đấu bò với 4 huy chương vàng. Anh chính là người sẽ cầm lá cờ tổ quốc trong lễ diễu hành Olympic Tokyo. Bất chấp tên tuổi của mình, Saul vẫn hàng ngày đứng ở các ngã tư chỉ đạo giao thông và điều tra lịch sử dịch tễ của người dân. Anh trở thành niềm cảm hứng của làng thể thao Tây Ban Nha trong thời đại dịch.
Bằng những hành động vô cùng thiết thực, làng thể thao thế giới đang giúp một phần sức rất quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.