Bình luận
Thậm chí, có thông tin cho rằng ghế của Zidane sẽ được định đoạt dựa trên kết quả của 3 vòng đấu trước mắt, mà trong đó gian nan nhất là trận El Clasico ngày 24/10. Song, có thực tế không khi vội tin Perez sẽ hy sinh Zidane, bởi chính ông mới là hình ảnh đại diện của Real Madrid thế kỷ 21?
Real của tương lai sẽ như thế nào?
Chưa có đội bóng nào thành công như Real Madrid. Đó là khẳng định chắc chắn không chỉ lúc này, mà rất có thể còn tồn tại trong khoảng ít nhất 2-3 thập niên nữa. Cả lịch sử hào hùng ấy được gắn liền với câu chuyện xuyên suốt từ thập niên 50 cho tới nay: câu chuyện của những Galacticos.
Thế hệ Galacticos với Cristiano Ronaldo được coi là phiên bản Galacticos 3.0, và chính giới lãnh đạo Real đưa ra đánh giá phiên bản 3.0 này có dấu hiệu thoái trào từ năm 2015 dù thực tế, thế hệ ấy vẫn có 3 danh hiệu Champions League liên tiếp dưới sự dẫn dắt của Zidane.
Chính vì đánh giá về dấu hiệu thoái trào đó mà kế hoạch xây dựng thế hệ Galacticos 4.0 được sửa soạn từ trước năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này khác xa với các thời đại trước ở chỗ: Real định vị vị thế tương lai của CLB rộng hơn là xây dựng một đội hình kế tục đơn thuần.
Trong lịch sử, thực sự Real không khởi đầu bằng sự huy hoàng, giàu có và hùng mạnh ngay từ thủa ban đầu như chúng ta có thể nghĩ về họ bằng cái nhìn chủ quan dành cho một CLB gắn mác hoàng gia và đóng đô ở thủ đô của Tây Ban Nha (TBN).
Real thật ra bé nhỏ, thậm chí lép vế so với Barca và những đội bóng còn lại. Song, họ may mắn có một chủ tịch vĩ đại mang tên Santiago Bernabeu, người đưa ra quyết định liều lĩnh nhưng nhờ quyết định ấy, Real trở thành thế lực như hiện nay,
Santiago Bernabeu nhận thấy Real có một sân vận động (SVĐ) quá bé, và ông lập tức nghĩ ngay đến chuyện phải biến các trận đấu của Real trở thành tâm điểm thu hút dư luận nhằm khai thác tối đa doanh thu từ vé vào sân.
Và ông đưa ra quyết định táo bạo: phát hành trái phiếu để vay tiền xây dựng SVĐ hoành tráng, đưa về các ngôi sao quốc tế lẫy lừng. Dự án ấy chính là nền tảng cơ bản nhất của văn hóa Galacticos cho Real sau này. Nhờ đó, Real trở thành đội bóng số một hành tinh, là điểm đến ước mơ của bất kỳ ngôi sao bóng đá chuyên nghiệp nào.
Tính cho đến hôm nay, dù cho thời đại thay đổi và cách quản trị bóng đá như một doanh nghiệp cũng hiện đại hơn rất nhiều, cái lõi của mô hình kinh doanh của Real vẫn không thay đổi. Đó chính là lỗi vận hành dựa trên nền tảng "tự tài trợ" (self-funding).
Phòng truyền thống đầy ắp danh hiệu của Real Madrid. Ảnh: Getty. |
Real, cũng giống như Barca, là CLB hiếm hoi còn sót lại trên thế giới không phải là một doanh nghiệp, mà là một hội đoàn với 92.000 hội viên (socios). Nền tảng doanh thu của họ luôn dựa trên thứ tài nguyên mà họ đánh giá là số một: lực lượng cổ động viên cơ sở hùng hậu.
Với ước tính khoảng 500 triệu CĐV có đăng ký toàn cầu, Real thực sự là thế lực vĩ đại đúng nghĩa, và doanh thu của họ cũng đến từ con số CĐV hùng hậu ấy. CĐV có thể không mang lại tiền một cách trực tiếp cho họ giống như 92.000 socios với phí thường niên, nhưng CĐV mang lại cho họ điều bất kỳ nhãn hàng nào cũng thèm muốn: sự lôi kéo được đám đông.
Bởi vậy, doanh thu của Real ngay cả ở giai đoạn của Galacticos 3.0 cũng chủ yếu đến từ 2 mảng chính: tiếp thị và bản quyền. Chính vì lẽ đó, Real luôn yêu cầu tất cả cầu thủ của mình phải chấp hành một điều khoản chung trong hợp đồng: 50% giá trị thương mại từ hình ảnh cầu thủ thuộc về CLB và nếu cầu thủ rời CLB khi vẫn còn hợp đồng với một nhãn hàng nào đó, số phần trăm cầu thủ nhận được cho tới hết hợp đồng ấy sẽ ít hơn so với khi cầu thủ còn khoác áo Real.
Và để bắt đầu xây dựng Galacticos 4.0, Real đặt trọng tâm vào 2 điểm lớn: hoạch định tương lai CLB một cách cụ thể và đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Trong hạng mục hoạch định tương lai CLB, có 3 thứ được coi là nhiệm vụ chủ chốt. Thứ nhất, đầu tư vào vị trí HLV. Thứ hai, đầu tư vào đội ngũ điều hành CLB. Và thứ ba, đầu tư vào thế hệ lãnh đạo tương lai bằng cách xây dựng đại học Real Madrid có tên Escuela Universitaria Real Madrid Universidad Europea.
Trường đại học này thực tế đã được Perez ấp ủ, xây dựng từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông ở Real, với Galacticos 2.0. Nhưng khi trường ra mắt năm 2006, Perez cũng phải rời cương vị chủ tịch để nhường ghế cho Calderon.
Bây giờ, khi ông đã trở lại và thành công hơn với Real, trường đại học ấy càng được chú trọng hơn, bởi Perez cho rằng đó phải là cái nôi để tạo ra những lãnh đạo có tầm vóc cho CLB có tầm vóc nhất hành tinh.
Ở tầm nhìn này, rõ ràng Perez xuất sắc không thua kém gì Santiago de Bernabeu. Nếu dự án của ông thành công, biết đâu chừng ở tương lai, khu học xá của Escuela Universitaria Real Madrid Universidad Europea sẽ được gắn tên Florentino Perez như SVĐ của Real cũng từng được gắn tên Santiago de Bernabeu?
Tình thế của Zidane
Như đã nói ở trên, trong hoạch định tương lai cho CLB từ trước năm 2015, một trong 3 nhiệm vụ chủ chốt là đầu tư vào vị trí HLV. Và nếu nhìn vào con đường phát triển của Zinedine Zidane, chúng ta sẽ nhận thấy ông chính là "hạng mục đầu tư” mà Perez đã chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đây có thể là bài học lớn và quý giá mà nhiều CLB lớn khác ở châu Âu sẽ phải lấy làm khuôn mẫu sau này, đặc biệt là khi có những CLB đã và đang gặp khủng hoảng sau khi người thủ lĩnh tinh thần của họ về hưu sau thời gian dài gầy dựng CLB.
Tháng 5/2009, khi Perez quay lại với ghế chủ tịch Real ở nhiệm kỳ thứ 2 của mình, người đầu tiên ông liên lạc là Zinedine Zidane. Perez mời Zidane vào cương vị cố vấn cao cấp của mình, vai trò mà ai cũng cảm thấy rất "chung chung". Nhưng thực tế, cái sự "chung chung" ấy chỉ là khi họ bắt đầu khởi sự mà thôi. Kế hoạch đã được vạch sẵn một cách chi tiết và cụ thể để từ đó có Zidane của sau này.
Một năm sau khi giữ cương vị cố vấn cho chủ tịch, Zidane được yêu cầu làm việc thật sâu sát hơn với Mourinho, thậm chí như một trợ lý HLV. Mourinho ra đi, Zidane được chọn lựa là trợ lý HLV của Ancelotti. Đây mới là khoảng thời gian giá trị nhất, thể hiện rõ rệt nhất tính chất "học việc" của huyền thoại người Pháp.
Ở cương vị trợ lý này, đa phần thời gian làm việc của Zidane với cầu thủ, ban huấn luyện là giao tiếp trực tiếp một đối một. Đó chính là nền tảng để Zidane tạo ra được mạng lưới và vị thế của mình tại CLB. Bởi vậy, khi Benitez ngã ngựa, Zidane tiếp quản một cách uyển chuyển và tạo nên được những thành công vang dội cho Real ở đấu trường châu Âu.
Zidane đang gặp nhiều khó khăn ở Real. Ảnh: Getty. |
Nhưng lúc này, tình thế của Zidane đang khá hiểm nghèo. Perez dù yêu mến Zidane đến mấy cũng không thể bảo vệ ông tới cùng. Dễ hiểu, ở Real, Perez chỉ là chủ tịch được lựa chọn bởi 92.000 thành viên (socios) chứ không phải là ông chủ CLB.
Nếu Zidane thất bại, chắc chắn Perez cũng phải nói lời chia tay để đáp ứng đòi hỏi của số đông. Đó chính là văn hóa của Real, một văn hóa được xây dựng từ nền tảng với trọng tâm CLB tồn tại là để phục vụ cả một cộng đồng.
Thực sự, việc quay lại ghế huấn luyện Real ở năm 2019 là quyết định dũng cảm của Zidane. Đó là thời điểm thế hệ Glacticos 3.0 coi như chấm dứt mà thế hệ 4.0 vẫn chưa thấy khởi đầu. Và trong tay Zidane lúc này, thực sự chúng ta có thể nhận ra dễ dàng là không có siêu sao đúng nghĩa nào ở độ tuổi sung sức nữa.
Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến Real không thể mạnh tay chi tiêu để mang về những cầu thủ tiềm năng sẽ là siêu sao đẳng cấp thế giới mà điển hình là Mbappe. Có thể nói, thất bại của Zidane là điều khó tránh khỏi và nếu ông có bị sa thải, đó cũng sẽ là quyết định bình thường.
Nhiều người sẽ có thể quay lại chỉ trích Zidane vì để Gareth Bale ra đi trong hoàn cảnh này. Nhưng thực chất, Bale không phù hợp với Real bất chấp chuyên môn của anh là không thể phủ nhận, và những đóng góp của Bale trong suốt thời gian khoác áo CLB là đáng ghi nhận.
Cơ bản, văn hóa của Real luôn dựa trên tinh thần hướng tới cộng đồng. Thứ đẩy Bale rời xa Real chính là hành động của anh, khi ăn mừng cùng ĐTQG bên lá cờ "Wales - Golf - Madrid: đúng theo thứ tự này". Một khi Real bị đặt dưới cả môn golf yêu thích của Bale, bất kỳ lý do nào cũng không thể biện minh nổi cho anh nữa.
Cũng có những người chê trách Zidane về các quyết định chiến thuật ở 2 trận thua vừa rồi, đặc biệt là ở việc lựa chọn đội hình ra sân. Nhưng thực chất, nếu nhìn vào Real từ đầu mùa giải tới giờ, chúng ta sẽ nhận ra rất rõ rằng Zidane không có đội quân sung sức để có thể xác lập 11 cái tên chính thức của mình.
Chính vì sự eo hẹp nhân sự ấy mà Zidane cũng không thể hiện được ưu thế lớn nhất của ông khi cầm quân là tính linh hoạt, thứ vũ khí giúp ông có 3 lần liên tiếp đi vào lịch sử Champions League.
Trận thua trước Shakhtar khiến tình cảnh của Zidane trở nên bất ổn. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, Zidane không đổ lỗi cho ai cả. Sau trận thua Shakhtar, ông dành cả tiếng đồng hồ với cầu thủ của mình, một điều hiếm thấy. Tuy vậy, trước truyền thông, ông nhận toàn bộ trách nhiệm, đúng nghĩa một người đầu tàu.
Và nếu tình thế có đẩy ông tới mức phải nhận trách nhiệm cuối cùng là tuyên bố từ chức, ông cũng sẵn sàng. Vì ông hiểu, ở Real, đó là đòi hỏi mang tính danh dự và tại Bernabeu, luôn có những phương án dự phòng.
Raul Gonzalez đã trở lại Real và làm việc ở đội trẻ, trong vai trò HLV trưởng, đúng như con đường Zidane đã đi qua. Đó có thể là bước chuẩn bị cho người kế tục Zidane, dù thiên hạ đồn đoán đến cả những cái tên khác, mà cụ thể là Pochettino.
Nếu Real thất bại ở El Clasico, đó có thể là đòn đau thực sự với HLV người Pháp và là lá bài cuối cùng để chốt hạ cuộc chơi của ông tại Bernabeu trên băng ghế huấn luyện. Nhưng liệu lá bài đó có phải là sự chấm hết đối với mối quan hệ Perez - Zidane nói riêng và mối quan hệ Real - Zidane nói chung hay không?
Perez sẽ không bao giờ ruồng bỏ Zidane
Zidane có thể từ chức, Zidane có thể bị sa thải, nhưng Perez sẽ không bao giờ ruồng bỏ Zidane. Cơ bản, ở Zidane hàm chứa mọi yếu tố Real Madrid thuần chất nhất, dù Zidane không lớn lên từ lò đào tạo của CLB như Raul, dù Zidane không phải là người Tây Ban Nha mà cụ thể hơn nữa, không phải là người Madrid.
Năm 2006, khi Zidane đi đến quyết định treo giày, Perez đã gặp riêng Zidane và đề nghị ông ở lại thêm một mùa bóng nữa thôi, chỉ cần ở lại đơn thuần, xuất hiện trong đội, ra sân hay không chẳng quan trọng và đổi lại Zidane sẽ nhận được khoản tiền không nhỏ, khoảng 10 triệu euro.
Tuy nhiên, Zidane đã từ chối món tiền đó. Ông nói với Perez rằng cần dành suất đăng ký ấy cho cầu thủ khác xứng đáng hơn, không thể phí phạm suất đăng ký một cách đầy vị kỷ như vậy.
Perez hiểu đó là quyết định đúng đắn. Nó hướng tới cộng đồng Real Madrid, tập thể, tôn trọng giá trị chung nhất và cơ bản nhất của CLB. Tuy nhiên, điều đáng nói là Zidane vẫn ở lại Madrid, như một cư dân của thành phố ấy và vẫn là đại diện tiêu biểu cho Real trong các chương trình xã hội khác.
Chính hình ảnh đó của Zidane đã thuyết phục các socios một cách tuyệt đối. Họ hiểu đó là ngôi sao truyền tải được hết tinh thần của Real Madrid một cách tinh tuyền nhất.
Zidane vốn là người ít nói, và đặc biệt ông rất tránh việc la mắng các cầu thủ của mình như nhiều HLV khác. "Với tôi, quan trọng là phải biết cách nói những điều mà các cầu thủ không muốn nghe. Tôi hiếm khi nào gào lên với cầu thủ. Tôi hiểu mình có thẩm quyền tự nhiên để làm điều đó, nhưng không có nghĩa là tôi dùng quyền ấy để mắng mỏ suốt ngày", Zidane đã nói như vậy về cách thức giao tiếp với cầu thủ. Nhưng làm thế nào để cầu thủ nể trọng khi HLV không xác lập uy quyền trước họ?
"Nếu mềm mỏng với cầu thủ, việc sẽ không xong được đâu", chính Zidane đã nói điều đó. Và ông thực hiện sự cứng rắn của mình bằng hành động, chứ không phải bằng ngôn từ. Ông luôn là người đến sân tập sớm nhất và cũng là người về muộn nhất.
Ông sử dụng trợ lý, cũng là người bạn thân của mình là David Bettoni, để truyền đạt thông điệp tới cầu thủ. Đơn giản, Bettoni dù cũng đầu trọc như Zidane, nhưng lại có khuôn mặt hay cười, tươi tỉnh hơn. Bởi thế, khi tiếp nhận thông điệp, cầu thủ cũng thấy dễ chịu hơn.
Zidane chú tâm vào xây dựng mối liên hệ giàu tình cảm với cầu thủ và ban huấn luyện, bởi ông hiểu giá trị của Real là không khí gia đình. Phong cách đòi hỏi ở Real cũng là sự lịch lãm quý ông chứ không phải là những gì thô ráp, nóng nảy hay giận dữ.
Thất bại của Mourinho khi tạo nên Real xấu xí là bài học lớn nhất mà Zidane từng chứng kiến. Ở Real, chiến thắng phải có phong cách và đẳng cấp chứ không phải bằng mọi giá. Bởi chính phong cách và đẳng cấp ấy mới mang lại giá trị cho CLB trên thị trường chứ không chỉ những chiếc cúp đơn thuần.
Cách Zidane đối xử với David Bettoni cũng cho thấy ông là con người thế nào. Cùng là bạn tập bóng đá năng khiếu với nhau từ Cannes hồi năm 1988, Bettoni không có tài năng để chơi bóng chuyên nghiệp như Zidane.
Nhưng khi Zidane tới Juventus, ông liền xin một CLB bán chuyên nghiệp địa phương cho Bettoni được chơi bóng tại đây. Và Bettoni cũng gắn bó với Zidane trong cả công tác huấn luyện sau này, trong vai trò người trợ lý thân cận.
Hình ảnh đó thuyết phục các cầu thủ Real rất nhiều. Họ coi Zidane chính là hình mẫu của người Real Madrid chuẩn mực. Và đó chính là thứ sẽ khiến Perez không bao giờ buông bỏ Zidane nếu như ông còn tại vị.
Perez có bảo vệ được Zidane bằng mọi giá? Ảnh: Getty. |
Vì bóng đá là cuộc chơi sòng phẳng, làm không được việc thì phải nghỉ, nên có thể Zidane sẽ phải thất bại, bị sa thải như bất kỳ ai nhưng ông hình tượng Real Madrid trong ông là không nhạt nhòa. Chính vì vậy, nếu đặng chẳng đừng Perez phải thay ngựa giữa dòng, ông cũng sẽ tìm vị trí khác để Zidane thể hiện vai trò truyền tải thông điệp Real Madrid.
Đó gần như là sứ mệnh mà Zidane được giao phó kể từ ngày đầu tiên ông khoác lên mình màu áo trắng của CLB, sứ mệnh mà dù ở bất kỳ nơi nào, Zidane cũng thực hiện nó một cách vẹn toàn.
Nếu kết quả của Real trước mắt không thể cải thiện nổi, ngày chia tay băng ghế huấn luyện tại Bernabeu của Zidane là điều khó tránh khỏi. Ông có thể sẽ nghỉ ngơi một thời gian. Ông có thể nhận việc ở đội bóng nào khác, nhưng trái tim ông vẫn hướng về Madrid, nơi ông có một gia đình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Và công cuộc tạo dựng tương lai mới mẻ cho Real mà Perez theo đuổi vẫn còn dang dở với nhiều việc phải làm. Chắc chắn, Perez sẽ luôn tìm được một vị trí để trông cậy vào Zidane, người cầu thủ, người HLV mà ông gắn bó nhất kể từ khi nhậm chức chủ tịch CLB tới nay.
Khi Galacticos 4.0 vẫn chưa thành hình cũng là khi khó khăn chồng chất đến với bộ đôi ăn ý Perez - Zidane. Nhưng có lẽ, họ đã chuẩn bị cách để đối diện khó khăn để luôn sẵn sàng khi nó ập tới.
Cũng chính Zidane là một trong những người hối thúc Perez đưa Raul đến với cương vị HLV đội B của Real Madrid và biết đâu chừng, trong khi người ta đồn đoán về tương lai của ông, chính ông đã sửa soạn sẵn cho nó rồi.
Và nếu một ngày Zidane buộc phải nhường ghế cho Raul, giả sử như có thấy Zidane được đặt vào ghế GĐTT, thì chúng ta chắc cũng không nên ngạc nhiên quá mức. Bởi vì chính họ, Perez, Raul và Zidane, đã tạo ra Galacticos 2.0, thì họ cũng có thể sẽ là nền móng để xây dựng nên Galacticos 4.0 cho CLB.
Bởi vì ở đó, họ cùng hiểu nếu có một Galacticos thành công, đó sẽ là thành tựu của Real Madrid chứ không phải của cá nhân nào bất kỳ, dù rằng trên thực tế, chính những cá nhân xuất chúng mới có thể tạo ra được một tập thể xuất chúng.