Một trong những điều Nhật Bản trông đợi là Nga sẽ trả lại ít nhất 2 trong 4 đảo (Nhật gọi là “Lãnh thổ phương Bắc”, còn Nga gọi là "quần đảo Kuril"). Tokyo cáo buộc các đảo này bị Liên Xô lấy từ sau Thế chiến II.
Nhật Bản xây dựng chương trình đón tiếp Tổng thống Putin nồng hậu. Ảnh: WSJ. |
Theo chuyên gia chính trị Liubomir K. Topaloff của Đại học Minh Trị ở Tokyo, Nhật Bản không giấu diếm kỳ vọng của họ với 2 cuộc gặp gỡ hôm 15-16/12 này. Thủ tướng Shinzo Abe thậm chí sắp xếp để ngày đầu tiên diễn ra ở thị trấn quê nhà Nagato của ông, cùng với thời gian thưởng ngoạn và nghỉ dưỡng tại một suối nước nóng với ẩm thực đặc sản địa phương.
Nhật Bản thể hiện rằng họ là quốc gia duy nhất trong khối G7 vẫn còn quan hệ thân tình với tổng thống Nga giữa lúc Moscow bị bao vây, cấm vận. Những màn chào đón và thể hiện nồng ấm được cho là nhằm khiến đối tác Nga khó có thể mở lời từ chối trước các đề nghị.
Tuy nhiên, những gì phía Nga thể hiện lại không được nhiều như Nhật Bản trông đợi, nếu không muốn nói là có phần lạnh nhạt.
Putin thể hiện vị thế “chiếu trên"
Trước ngày chuyến thăm diễn ra, Tổng thống Putin đã gặp gỡ đoàn báo chí Nhật tại dinh thự riêng. Dịp này, nhà lãnh đạo Nga khẳng định rằng nước này không có tranh chấp lãnh thổ với Nhật.
Putin còn khiến Tokyo khó xử khi từ chối nhận món quà do Thủ tướng Abe gửi tặng: một chú chó đồng hành cho chú chó Yume mà tổng thống Nga đang nuôi (cũng là món quà Nhật từng tặng).
Kế đến, ông Putin đến Nhật trễ hơn 2 tiếng so với dự kiến mà không có lý do chính thức nào được đưa ra. Truyền hình quốc gia Nhật Bản phát sóng hình ảnh Thủ tướng Abe phải đợi chờ trong mưa, sau đó tranh thủ viếng mộ của người cha quá cố để giết thời gian trống.
Cuối cùng, ngay khi đã đặt chân đến Nhật, ông Putin vẫn tiếp tục tỏ ra nắm ưu thế khi từ chối thẳng thừng lời mời thưởng thức đặc sản và nghỉ ngơi thư giãn tại suối nước nóng. Nhưng ông Putin đã từ chối với lý do không thể rõ ràng hơn: “Tốt hơn là đừng để bị quá mệt”.
Trên thực tế, ngay từ trước chuyến thăm, cả Tokyo và Moscow đều ngầm hiểu rằng việc đạt được một thoả thuận toàn diện bao gồm 2 vấn đề gây tranh cãi dữ dội (hiệp ước hoà bình và quần đảo tranh chấp) là điều bất khả thi. Nhưng 2 nước vẫn tiến hành gặp gỡ nhằm đạt được những mục tiêu đối nội nhất định, đồng thời gửi tín hiệu đến các nước khác.
Kết thúc sự kiện, 2 nhà lãnh đạo tuyên bố đạt được những thành tựu quan trọng dù những kết quả thực sự được thông qua khá khiêm tốn. Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp như diễn ra giữa 2 võ sĩ judo trong một cuộc thi đấu giao hữu mà Nga là người chiến thắng.
Tổng thống Putin từ chối món quà của Thủ tướng Abe gửi tặng là một chú chó. Ảnh: Straits Times. |
Quan điểm của Nga
Là cường quốc hạt nhân trong khu vực, Nga không vội vã giải quyết các vấn đề tuy gây tranh cãi nhưng không phải quá cấp bách. Nước này đã tồn tại sau thế chiến mà không cần ký bút vào hiệp ước hoà bình trong 60 năm qua.
Thậm chí, Nga còn ngăn cản những triển vọng ký kết hiệp ước vì Nhật Bản khăng khăng đòi lại 4 đảo. Từ sau Chiến tranh Lạnh, Moscow đã bắn tín hiệu sẵn sàng trả lại 2 đảo nhỏ (Shikotan và Habomae theo cách gọi của Nhật Bản) với "giá cả hợp lý”, nhưng không thể là 2 đảo lớn (Etorifu và Kunashiri).
Hồi năm 2010, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đích thân thị sát 2 đảo lớn. Ông khiến giới chức Tokyo giận dữ khi khẳng định các đảo này là “vùng quan trọng của nước Nga”.
Nhật Bản đã phản đối gay gắt qua kênh ngoại giao. Nhưng các nhà hoạch định chính sách ở hai quốc gia đều nhìn nhận sự bất khả thi của việc Nga trả lại 2 đảo này cho Nhật do vị trí chiến lược của nó đối với Moscow. Thậm chí, 3 ngày trước khi ông Putin thăm Tokyo, Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm đến đảo Etorifu và Kunashiri.
Đối với Nga, các đảo này là điểm án ngữ để bảo vệ vào Biển Okhotsk, nơi rất nhiều tàu ngầm hạt nhân Nga đang neo đậu chờ sẵn sàng làm nhiệm vụ. Do các tàu ngầm Nga chưa đạt công nghệ hoạt động ít gây tiếng ồn như tàu ngầm Mỹ, Moscow lựa chọn việc bảo vệ chúng trong một vùng biển hạn chế tiếp cận như Biển Okhotsk.
Vị trí quần đảo Kuril đối với Nga vô cùng quan trọng. Ảnh: Russia-Insider. |
Hai đảo cũng nằm ở vị trí mà dòng chảy nóng và dòng chảy lạnh của đại dương giao thoa, khiến eo biển ở giữa chúng không bị đóng băng trong mùa đông Bắc cực. Điều này tạo thuận lợi cho Hạm đội Viễn Đông Nga có thể dễ dàng tiếp cận Thái Bình Dương quanh năm.
Điểm chiến lược cuối cùng là vùng biển dưới các đảo này là ngư trường dồi dào cá cùng với các mỏ dầu khí chưa khai thác. Hai đảo còn được cho là nhiều nguồn tài nguyên quý hiếm như rhenium (được dùng trong công nghệ sản xuất máy bay siêu thanh) và vàng.
Do tất cả những lợi ích kinh tế và chiến lược trên, việc Nga chấp nhận trả lại các đảo cho Nhật Bản là điều gần như bất khả thi.
Trong khi đó, Nhật Bản ở vị thế yếu hơn để mặc cả với Nga. Trong những năm qua, khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự mà Mỹ tỏ ra không chắc chắn bảo vệ Nhật Bản vô điều kiện thì Tokyo buộc phải tìm kiếm những nguồn lực khác để bảo đảm an ninh khu vực.
Sau chuyến thăm của ông Putin, Kyodo công bố khảo sát cho thấy chính sách “ngoại giao nghỉ dưỡng” của Thủ tướng Shinzo Abe không những chẳng giúp ích mà còn khiến ông mất điểm trong mắt công chúng (giảm còn 54,8%).
Người dân Nhật không bỏ qua lời từ chối của ông Putin với việc đi suối nước nóng, cho rằng đây là hành động khiến họ bị bẽ mặt.