Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Chanathip Songkrasin thực hiện thành công quả phạt đền vào cuối trận? Thủ quân của Thái Lan có cú hat-trick và tỷ số sẽ là 3-0.
Đó không chỉ là kết quả thất bại toàn diện với tuyển Việt Nam mà còn bơm cho người Thái liều doping niềm tin. Với lợi thế 3 bàn cùng nhuệ khí ngút trời, quá khó để tin vào một cuộc lội ngược dòng ở trận lượt về cho thầy trò HLV Park Hang-seo dù chúng ta có lạc quan đến cỡ nào.
May mắn cho Việt Nam là Nguyên Mạnh đã cản được cú đá của Chanathip. Màn trình diễn hoàn hảo trước đó của số 18 phía Thái Lan bỗng có vết gợn. Và với bất lợi chỉ 2 bàn, mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước thầy trò HLV Park Hang-seo.
Nguyên Mạnh chơi tốt trước Thái Lan. Ảnh: Getty. |
Không khó để nhìn ra toan tính chơi đòn tâm lý của Chanathip khi chọn cú đá thẳng vào giữa khung thành. Thủ quân của Thái Lan đã chủ động sút bằng mu lệch má trong chân phải với lực không quá mạnh. Đây là kỹ thuật sút bóng đơn giản nhất với cầu thủ nhà nghề. Chỉ cần thủ môn đổ người sang hai bên, bóng chắc chắn bay vào lưới.
Đá phạt đền luôn là trò chơi mà tâm lý quan trọng hơn kỹ năng. Với lợi thế 2 bàn, sự thoải mái trong tinh thần thúc đẩy Chanathip thực hiện cú đá này. Toan tính của Chanathip rất rõ ràng: đánh gục tinh thần của các cầu thủ Việt Nam bằng một cú đá vào chính diện, bằng độ quái tư duy thay vì kỹ thuật đôi chân.
Trong quá khứ, Thái Lan luôn biết cách đánh gục tinh thần của tuyển Việt Nam bằng những ngón đòn kiểu này. Thế hệ lừng danh của bóng đá Việt Nam run sợ mỗi khi gặp "Voi chiến" cũng bởi không biết khi nào người Thái dùng đôi chân hay cái đầu để đá bóng.
Hơn 3 năm qua, Thái Lan bị Việt Nam vượt mặt. Chanathip hẳn rất muốn biến cú đá phạt đền ấy thành bước ngoặt trong tâm lý giữa hai bên. Trước đó, số 18 của Thái Lan đã chủ động khiêu khích lúc ăn mừng bàn thắng thứ hai khi lấy tay đặt lên vành tai.
Nếu Chanathip thành công với cú đá phạt đền vào chính giữa khung thành, Việt Nam sẽ bị đẩy về cửa dưới còn Thái Lan lại vươn mình làm anh cả khu vực.
Song Nguyên Mạnh nói không. Thủ thành của tuyển Việt Nam đã cực kỳ tỉnh táo khi đối mặt Chanathip. Ban đầu, Mạnh giơ tay sang phải để tạo áp lực tâm lý trước khi dậm nhảy tại chỗ và không vội đổ người. Toan tính của Nguyên Mạnh chính xác khi anh đẩy được cú đá đơn giản của Chanathip.
Trong bối cảnh chúng ta thua trước 2 bàn và liên tục chịu những quyết định tranh cãi từ trọng tài chính, việc Nguyên Mạnh vẫn bình tĩnh phân tích tình hình và đoán được chiêu trò của Chanathip là điều đáng khen ngợi.
Nguyên Mạnh tỉnh táo khi không đổ người trước. |
Không nhiều thủ môn đủ rắn để đứng vững trong tình huống đấu tâm lý kiểu này. Thậm chí có thể nói ở khu vực Đông Nam Á, không ít thủ môn sẽ buông xuôi, chọn bừa một bên để đổ người, mặc kệ xác suất cùng trò chơi tâm lý, từ đó bị đối thủ đánh gục tinh thần.
Ở một góc độ nào đó, sự vững vàng của Nguyên Mạnh đang tạo cho thầy trò HLV Park Hang-seo niềm tin nhất định trước trận lượt về. Hai bàn thua đều không có lỗi của anh. Một bàn tới sau sai lầm không thể tha thứ của Hồng Duy, bàn còn lại là pha phối hợp quá đẳng cấp từ người Thái.
Khoảng cách 2 bàn không phải không thể san lấp trong bóng đá hiện đại khi phẩm chất ngôi sao và sự ưu việt của hệ thống có thể là bàn đạp cho những kết quả không tưởng.
Không hiếm những cuộc lội ngược dòng trong lịch sử bóng đá thế giới bắt đầu bằng những pha bỏ lỡ cơ hội ngon ăn từ bên thắng trận lượt đi. Ousmane Dembele đã bỏ lỡ cơ hội vàng để giúp Barca thắng Liverpool 4-0 tại Camp Nou trước khi Lionel Messi và đồng đội lĩnh trọn hậu quả ở trận lượt về kỳ diệu tại Anfield.
AC Milan vứt đi cả tá cơ hội ngon ăn trước Deportivo La Coruna trong chiến thắng 4-1 tại San Siro và thua trắng 0-4 tại Riazor ở lượt về.
Pha cản phạt đền tỉnh táo của Nguyên Mạnh mang giá trị tương đương một bàn thắng với Việt Nam. Nếu có điều kỳ diệu nào đến vào ngày 26/12 tới, tất cả hãy nhớ điểm bắt đầu chính là từ quyết định đứng im không đổ người của Nguyên Mạnh trước Chanathip.