Khi Covid-19 bùng lên đầu năm 2020, chính phủ nhiều quốc gia từng đánh cược vào "miễn dịch cộng đồng", hy vọng virus sẽ ngừng lây lan sau khi có đủ số người phát triển hệ miễn dịch trước virus. Sau 20 tháng, diễn biến dịch bệnh cho thấy miễn dịch cộng đồng vẫn chưa trong tầm với, theo Bloomberg.
Yêu cầu không tưởng
Nền tảng của ý tưởng miễn dịch cộng đồng đó là đại dịch sẽ hạ nhiệt và dần biến mất khi khoảng 60-70% người dân có kháng thể bảo vệ, thông qua tiêm chủng hoặc mắc Covid-19 tự nhiên.
Nhưng các biến chủng mới như Delta, với khả năng lây lan cực mạnh cũng như vượt qua hệ miễn dịch của cơ thể, đã nâng tỷ lệ tối thiểu người có kháng thể để đạt miễn dịch cộng đồng lên mức gần như bất khả thi.
Tại những nước như Mỹ và Anh, vốn đã bị virus nhấm chìm trong làn sóng dịch bệnh năm 2020 và đầu năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng cao trên 50% cộng với những người đã mắc Covid-19 trước đây hẳn phải giúp số người có kháng thể đạt một mức độ nào đó quanh ngưỡng 60-70%.
Nhưng giờ đây, Anh và Mỹ vẫn chứng kiến biến chủng Delta bùng lên mạnh mẽ, không khác gì những nước đã kiểm soát chặt sự lây lan của dịch bệnh như Australia hay Đông Nam Á.
Điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Seatles. Ảnh: AP. |
Mới đây, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ ước tính biến chủng Delta nâng yêu cầu tối thiểu cho miễn dịch cộng đồng lên trên 80% số người đã được bảo vệ, thậm chí là gần 90%.
Các quan chức y tế Mỹ, trong đó có Giám đốc Viện Dị ứng Quốc gia Anthony Fauci cũng nâng mục tiêu số người cần được bảo vệ để có thể đạt miễn dịch cộng đồng lên 85%.
Trong bối cảnh làn sóng chống vaccine vẫn âm ỉ, cùng những trở ngại trong nguồn cung vaccine, ngay cả Mỹ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể đạt mục tiêu này, chứ không nói đến đa phần các quốc gia thu nhập thấp trên thế giới.
"Liệu chúng ta có đạt được miễn dịch cộng đồng không ư? Không, rất có thể là không", giáo sư Greg Poland, giám đốc nhóm nghiên cứu vaccine thuộc tổ chức y tế toàn cầu Mayo Clinic, nhận xét.
Thậm chí khi đạt tỷ lệ tiêm chủng ở 95%, miễn dịch công đồng sẽ vẫn là ý tưởng xa vời.
"Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc đua giữa tỷ lệ tiêm chủng với sự phát triển của các biến chủng mới với khả năng qua mặt hệ miễn dịch do vaccine", ông Poland cảnh báo.
Đến nay, vaccine đã cho thấy nó không thể nhanh chóng dứt điểm Covid-19 như từng được kỳ vọng. Israel, một trong những nước đi đầu trong tiêm chủng, đã phải bắt đầu tiêm liều bổ sung thứ ba, sau khi có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả miễn dịch của vaccine không như kỳ vọng.
Những loại vaccine được cho là hữu hiệu nhất, gồm Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA, sẽ giúp nhanh chóng nâng cao tỷ lệ người dân đạt miễn dịch. Nhưng ngay cả khi đã tiêm vaccine, vẫn có rủi ro mắc Covid-19.
Covid-19 sẽ tồn tại trong hàng chục năm nữa?
Khi mà tiêm chủng không thể giúp con người đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đông, lây nhiễm tự nhiên cũng không khả quan hơn.
Hiện chưa rõ miễn dịch tự nhiên thông qua mắc Covid-19 sẽ tồn tại trong bao lâu và liệu nó có hiệu quả trước các biến chủng mới hay không.
Nguy cơ các biến chủng mới có khả năng kháng miễn dịch mạnh hơn cả Delta là có thật, vì thế đặt ra câu hỏi khi nào và làm thế nào đại dịch mới thực sự chấm dứt.
"Nếu đơn giản là lây nhiễm một lần rồi miễn dịch cả đời thì sẽ thật tốt. Nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ xảy ra. Và đây là vấn đề rắc rối chúng ta phải đối mặt", S.V. Mahadevan, chuyên gia thuộc Bệnh viện Đại học Standford, Mỹ, nhận định.
Đã có dấu hiệu cho thấy những người từng mắc Covid-19 có thể sẽ một lần nữa khốn đốn vì dịch bệnh khi biến chủng mới xuất hiện, đó là những gì đang xảy ra ở Brazil và các nước Nam Mỹ khác, khi hai biến chủng Delta và Lambda dần thay thế biến chủng Gamma.
Người dân ở Jakarta được kiểm tra thân nhiệt trước khi tiêm vaccine. Ảnh: Bloomberg. |
Nếu không thể đạt miễn dịch cộng đồng, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục hoành hành trong vài thập kỷ tới, dưới dạng thức của các biến chủng khác. Trong kịch bản ấy, các quốc gia giàu mạnh nhất sẽ phải điều chỉnh chính sách nhập cư cũng như nền kinh tế để có thể thích ứng.
Những nước như Trung Quốc, vốn theo đuổi chính sách xóa sổ Covid-19, có thể phải cân nhắc cách tiếp cận mềm dẻo hơn. Trong khi đó, những nước vội vã mở cửa như Anh và Mỹ có nguy cơ đối mặt những làn sóng dịch bệnh mới liên tiếp ập đến.
Miễn dịch cộng đồng là có thật, nó đã và đang giúp nhân loại vượt qua những căn bệnh nguy hiểm do virus như sởi hay bại liệt. Cũng chính miễn dịch cộng đồng đã giúp xóa sổ bệnh đậu mùa.
Đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng là một cách để giúp thế giới có niềm tin trong tuân thủ các biện pháp an toàn y tế, mà vốn không được hưởng ứng ở nhiều quốc gia, như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Nhưng sẽ là nói dối nếu cho rằng con người có thể sớm đạt miễn dịch cộng đồng và vượt qua đại dịch Covid-19.
"Việc quá tập trung vào miễn dịch cộng đồng đã gây ra đủ thiệt hại. Nó mang lại cho người ta một viễn cảnh không thực tế về cách đại dịch kết thúc, mà không tính tới sự tiến hóa của virus cũng như nguy cơ tái nhiễm", giáo sư T.H. Chan, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Harvard, cho biết.
Một số quốc gia đã sớm nhận hậu quả khi tin tưởng sai lầm vào miễn dịch cộng đồng. Thủ tướng Anh Boris Johnson ban đầu muốn dựa vào miễn dịch cộng đồng để sớm vượt qua dịch bệnh, thậm chí tuyên bố sẵn sàng để người dân lây nhiễm tự nhiên. Cuối cùng, thiệt hại nhân mạng quá lớn đã buộc London phải tính lại.
Sau Anh, hàng loạt quốc gia đã phải từ bỏ hy vọng miễn dịch cộng đồng như Thụy Điển, và mới nhất là Indonesia.
Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới xác định nước này sẽ không thể ngăn chặn virus ngay cả khi mọi người dân được chủng ngừa. Indonesia giờ chỉ có thể đẩy mạnh tuyên truyền người dân đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, trong khi tiếp tục nỗ lực tiêm chủng nhanh nhất có thể.