2018 là một năm đáng chú ý với những hãng điện thoại đến từ Trung Quốc khi các sản phẩm của họ liên tục được trang bị nhiều công nghệ phần cứng tiên tiến về máy ảnh, sạc nhanh, vân tay trong màn hình hay những thiết kế mới giúp tối ưu diện tích hiển thị mặt trước.
Các sản phẩm như Oppo Find X, Huawei P20 Pro hay Vivo Nex đang cho thấy sự sáng tạo, đổi mới liên tục của các hãng sản xuất này. Trong khi đó, một năm qua Apple, Samsung và gần đây nhất là Google chỉ đưa ra các bản cải tiến nhẹ, không có nhiều thay đổi về thiết kế trên những chiếc điện thoại cao cấp nhất của các hãng, dù vẫn cung cấp chất lượng hàng đầu.
Smartphone Trung Quốc liên tục chạy đua về phần cứng với nhiều công nghệ mới. Ảnh: The Verge. |
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa smartphone Trung Quốc là những thiết bị tốt khi sử dụng thực tế. Theo The Verge, dù được trang bị nhiều tính năng, công nghệ mới nhưng điểm yếu chung của tất cả smartphone Trung Quốc nằm ở phần mềm. Chúng thường được các hãng sản xuất tùy biến quá sâu, khác hoàn toàn so với những gì hệ điều hành Android gốc hay các hãng sản xuất lớn khác đang thực hiện.
Các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc đã có một chặng đường dài phát triển nền tảng phần mềm riêng của họ. Tuy nhiên, chúng luôn tồn tại một điểm chung lớn: giao diện tổng thể giống với iPhone, ngay cả trình điều khiển camera hay các cài đặt đều được thiết kế giống với các thiết bị nhà táo khuyết.
Các dịch vụ của Google bị cấm tại Trung Quốc
Hiện tại, tất cả smartphone Android bán ra trên thế giới (trừ Trung Quốc) đều được cài đặt sẵn các dịch vụ của Google bao gồm kho ứng dụng CH Play, bản đồ hay công cụ tìm kiếm,...
Tuy nhiên, những dịch vụ này đều bị chặn tại Trung Quốc, việc tích hợp chúng vào các điện thoại tại quốc gia này hoàn toàn không khả thi. Do đó, các hãng sản xuất khi bán sản phẩm tại thị trường nội địa sẽ phải thiết kế lại phần mềm dựa trên nền tảng mã nguồn mở AOSP mà Google phát hành và tích hợp những dịch vụ riêng phù hợp với quốc gia này.
Tuy nhiên, phần mềm trên những thiết bị này lại quá giống nhau và tương tự với nền tảng iOS. Ảnh: The Verge. |
Hay nói cách khác, smartphone Trung Quốc không chỉ khác biệt so với những thiết bị Android khác về giao diện phần mềm, chúng gần như chạy một phiên bản hệ điều hành độc lập với nhân bên trong hỗ trợ các ứng dụng Android. Công ty đầu tiên thực hiện điều này là Xiaomi.
Sự hiện diện của Xiaomi bắt đầu từ nền tảng hệ điều MIUI, phiên bản Android do hãng tự phát triển lần đầu ra mắt vào năm 2010. MIUI nhanh chóng thu hút được sự chú ý từ người dùng khi nó được xem là một trong số ít hệ điều hành dành cho di động có chất lượng tốt tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, giống iPhone là xu thế
Thay vì tập trung phát triển phần mềm, các hãng như Oppo, Vivo hiện tập trung chủ yếu vào việc chạy đua phần cứng. Trong thời gian gần đây, hãng liên tục cho ra mắt các thiết bị với nhiều công nghệ mới như vân tay dưới màn hình, cảm biến nhận diện khuôn mặt hay thiết kế tràn viền hoàn toàn.
Các hãng cố gắng thu hút người dùng bằng giao diện sử dụng tương tự iPhone nhưng giá bán sản phẩm rẻ hơn. Ảnh: The Verge. |
“Khi tạo ra một chiếc điện thoại, chúng tôi luôn tìm cách để có thể tăng không gian hiển thị trên máy, giảm những phần không cần thiết như làm cho màn hình mỏng đi. Điều đó có thể dễ dàng nhận ra, tuy nhiên, phần mềm lại là vấn để thời gian. Chúng được đánh giá dựa trên những trải nghiệm và phản hồi từ người dùng", ông Robin, kỹ sư phần mềm thiết kế MIUI chia sẻ với The Verge.
Hệ điều hành sử dụng trên những chiếc điện thoại Trung Quốc thường được phối hợp nhiều màu sắc, loại bỏ app drawer, các ứng dụng sẽ được bày ra toàn màn hình tương tự cách sắp xếp trên nền tảng iOS.
Thậm chí, trên nền tảng Funtouch OS của Vivo, giao diện này còn mang hơi hướm đặc trưng từ thiết kế của iOS từ thanh thông báo, trung tâm điều khiển hay các thao tác chạm vuốt khác đều được tương tự với cách iPhone hoạt động.
Mọi thứ đều được làm giống iOS, ngay cả trình điều khiển camera. Ảnh: The Verge. |
Điều này được cho rằng do iPhone có sức hấp dẫn đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, các hãng cũng vì thế mà cố gắng mang lại trải nghiệm tương tự cho người dùng nhằm lôi kéo họ sang các sản phẩm có giá bán rẻ hơn.
Camera trên những chiếc điện thoại Trung Quốc thời gian gần đây cũng được đánh giá cao về khả năng xử lý ảnh tĩnh, đặc biệt khi người dùng chụp ảnh selfie. Chúng thường được tích hợp AI giúp thon gọn khuôn mặt, mịn da và làm đẹp một cách tự nhiên hơn.
Tuy nhiên một lần nữa, chúng lại sử dụng một giao diện trình điều khiển có thiết kế giống với nền tảng iOS.
Trên thực tế, không phải tất cả smartphone sản xuất tại thị trường Trung Quốc đều cố gắng bắt chước iPhone. OnePlus là một trong số ít công ty đang đi theo hướng ngược lại.
OnePlus là một công ty con thuộc Oppo, tuy nhiên, khi nhìn vào giao diện phần mềm, chúng hoàn toàn khác biệt. Các điện thoại của Oppo sử dụng giao diện ColorOS, và chúng trông không khác gì nhiều so với Funtouch OS của Vivo hay nói cách khác, nó cũng giống với iOS.
Vẫn còn một số ít smartphone đi theo hướng riêng. Ảnh: The Verge. |
OnePlus trang bị cho các sản phẩm của mình nền tảng Oxygen OS có giao diện gần giống với những chiếc máy chạy Android gốc. Điều này giúp mang lại một hiệu năng vượt trội, giao diện đơn giản cũng như khiến nó khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm khác tại Trung Quốc.
Ngoài Oxygen OS, hãng cũng có một nền tảng riêng dành cho thị trường Trung Quốc với tên gọi Hydrogen OS. Chúng có giao diện tương tự nhau nhưng sẽ được cài đặt sẵn các ứng dụng dành riêng cho thị trường Trung Quốc thay vì những dịch vụ của Google.
"Không thể biết khi nào phần mềm trên những chiếc điện thoại Trung Quốc sẽ thay đổi hay chúng thay đổi như thế nào nhưng để làm được điều này sẽ tốn không ít thời gian", ông Pete Lau, giám đốc điều hành của OnePlus nhận định
Thị trường điện thoại Trung Quốc là một thị trường khổng lồ và nó liên tục đổi mới. Hiện tại, các hãng đang chạy đua nhau về phần cứng và có thể trong tương lai không xa, phần mềm cũng sẽ được đầu tư nghiêm túc hơn, thoát khỏi cái bóng của Apple để đưa ra những trải nghiệm hoàn toàn mới thay vì sao chép rập khuôn.