Tôi đặc biệt ấn tượng trước thái độ “ta cũng đi!” của Saigo trong cuộc chiến Tây Nam. Trong thực tế, ông đã đi theo sau những thanh niên trẻ. Kirino Toshiaki, người đứng đầu nhóm thanh niên trong trường đã đứng đầu cuộc chiến, còn Saigo chưa một lần chỉ huy. Một samurai từ thời Mạc phủ cho đến Minh Trị duy tân, đã vận dụng bao trí tuệ để lập ra chiến lược xuất sắc vậy mà lần này chỉ hành động theo những người trẻ.
Ông còn từ chối sự giúp đỡ của nhiều sĩ tộc từ các tỉnh khác ở Kyushu vì ngưỡng mộ mình cũng như chán ngán chính phủ Minh Trị mà đến ủng hộ. Với thái độ ấy thì không có dấu vết gì cho thấy là ông muốn đánh thắng. Cho đến nay, mọi người vẫn chưa có luận chứng gì nhưng tôi thì tưởng tượng tình cảm sâu sắc của Saigo đã vượt quá lý trí.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Linkedln. |
Tôi đã được bảo ban rất kỹ về tầm quan trọng của cái tình này vào năm nhất trường trung học cũ (1) và cảm giác cho đến giờ nó vẫn thấm sâu trong tôi. Tôi còn nhớ rõ giáo viên dạy môn Tu thân thời ấy đã dạy về những người tư chất tệ nhất như sau: “Một tên trộm lẻn vào một nhà nọ để ăn trộm thì đúng lúc gia nhân nhà ấy về đến. Nếu đã định lẻn vào nhà vắng người để ăn trộm thì đương nhiên khi bị bắt gặp thường sẽ bỏ trốn. Nhưng có kẻ lại cầm con dao ở trên bếp, biến thành cướp. Những kẻ như thế này là người tồi tệ nhất”. Hoặc có khi thầy hỏi “giả sử nếu người bạn thân của mình vì lý do nào đó mà giết người rồi hốt hoảng chạy đến nói ‘tôi mới giết người, cứu tôi với’ thì các em sẽ làm sao?”
Vì là học sinh năm nhất trường trung học nên chúng tôi nghĩ rằng mình hiểu đạo lý nên trả lời: “Phân tích cho bạn thấy cái sai và khuyên đầu thú”. Nhưng thầy lại bác bỏ, cho rằng không được. Thầy nói: “Bạn đã cầu cứu như thế thì dù mình có rơi vào tội lỗi cũng phải che chở cho bạn, đó mới là bạn thân”.
Có thể đây là cách nghĩ không thể nào được chấp nhận ở thời nay. Nhưng thầy tôi khi ấy đã cho rằng đó mới là con đường của nghĩa và tình. Tôi cảm thấy cách sống của Saigo Takamori cũng hệt như vậy. Saigo là một người tràn đầy nghĩa và tình, là chỗ dựa tinh thần đối với tôi. Nhưng tôi không tiếp nhận người đem đến những câu chuyện kiểu ràng buộc tình cảm.
Có thể với nghĩa đó thì tôi lạnh lùng nhưng đó là vì sau khi sáng lập Kyocera không bao lâu, tôi nhận ra “cái tình như Saigo nằm ở cốt lõi con người của tôi nhưng tôi cần có lý tính và sự tỉnh táo của Okubo Toshimichi khi làm kinh doanh”.
Thời còn làm ở Shofu Kogyo, khoảng 25-26 tuổi, tôi đã phấn đấu trở thành người hoàn hảo với đúng nghĩa hoàn hảo, xuất sắc về nhân cách. Nhưng thực tế khi tự mình khởi nghiệp, tôi hiểu ra rằng “người hoàn hảo” mà tôi lấy làm lý tưởng là người đứng giữa, kết nối cái tình của Saigo và lý tính của Okubo. Thế rồi tôi bắt đầu tìm hiểu về Okubo.
Trở về Kagoshima, khi nói đến việc “cần có lý tính và sự tỉnh táo của Okubo”, tôi đã chịu không ít sự khó chịu của người xung quanh. Nhưng tôi nghĩ: “Mình muốn trở thành một Inamori có sự kết hợp hài hòa giữa Okubo Toshimichi và Saigo Takamori” và đã nỗ lực đến ngày hôm nay.
Khi triển khai kinh doanh, nếu đánh giá, hành động bằng tình cảm, sẽ không kiểm soát được tình hình. Hoặc đánh giá bằng tình cảm, hành động theo lý trí cũng sẽ nhầm đường. Nhưng ngược lại, đánh giá bằng lý trí, hành động cũng theo lý trí thì chẳng ai theo mình cả.
Điều quan trọng là ở giai đoạn đầu tiên, cân nhắc bằng lý trí, và xử lý trong thực tế thì dùng cái tình. Tôi không tự nhận ra điều này mà khi nói chuyện với những người từng làm chung khi xưa, tôi được họ nhắc: “Khi ấy giám đốc đã nhẹ nhàng đến và nói thế này mà tôi đã được cứu đấy. Cho nên tôi mới có thể đi theo một giám đốc nghiêm khắc như anh”.
Tôi hoàn toàn không nhớ mình đã có nói như thế. Có lẽ, tôi đã nói trong vô thức. Dù có khen người khác chỉ với lý tính mà không toan tính gì, họ vẫn cảm nhận được rõ ràng. Dù không để ý nhưng khi có cả cái tình, nghĩ đến người khác thì người khác cũng lắng nghe và vui mừng đón nhận.
Nhưng người chỉ có tình cảm thì tốt trong các mối quan hệ cá nhân, còn nếu làm việc chung thì về sau sẽ dễ có lời qua tiếng lại.
Giả sử người ta nói với bạn: “Tôi kẹt tiền quá. Anh giúp tôi với”. Bạn trở thành người bảo lãnh cho người ấy vì nghĩ họ là người tốt. Khi ấy, bạn được xung quanh ca ngợi là tuyệt vời. Nhưng rồi theo tình hình, sự đánh giá thay đổi hoàn toàn. Ví dụ, công ty của người đó mắc nợ và phá sản, bạn phải gánh một khoản nợ lớn với tư cách là người bảo lãnh. Không ai nghĩ bạn là người tuyệt vời cả.
Hoặc có người đến vay tiền, ban đầu bạn thông cảm nên cho mượn. Lúc này người vay sẽ nói bạn là người tốt. Nhưng sau đó nếu bạn từ chối, không cho họ vay tiếp, đừng nói đến lòng biết ơn bạn đã cho vay lúc đầu, mà ngược lại họ còn tỏ ra căm ghét bạn. Đó là chuyện thường xảy ra trong thế giới con người. Chưa kể, về sau, người bị ghét còn bị tổn thương nhiều hơn.
Nếu lần sau từ chối thì tôi sẽ từ chối từ đầu. Rõ ràng phải tuân thủ thứ tự của lý và tình. Có lẽ cách nghĩ như thế này của tôi trước tiên là học trong gia đình, khi tôi còn nhỏ. Cha tôi là người ít nói, có lý tính, ngược lại với mẹ tôi, bà là người sống tình cảm.
Tôi thường chứng kiến cảnh khi mẹ tôi có cảm xúc thái quá, cha tôi thường trách bà. Chẳng hạn như mẹ nói “ông ơi, có người bà con đến nói chuyện này, tôi thấy rất tốt đấy, nên định làm thế này” là cha tôi sẽ nói “bà hượm đã” rồi yêu cầu mẹ giải thích kỹ hơn. Sau đó ông bình tĩnh phân tích rồi chỉ cho bà thấy “như vậy là không ổn”.
Với mẹ tôi, vì là bà con nên tình cảm đi trước lý trí. Còn cha tôi thì bình tĩnh phân tích, lập luận. Có thể nói mẹ tôi theo kiểu của Saigo và cha thì kiểu Okubo. Việc thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ nói chuyện như thế đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của tôi.
(1) Khoảng 12, 13 tuổi.
Bình luận