Theo ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kido (KDC), doanh nghiệp đã trao đổi cùng Vinamilk và nghiên cứu một số sản phẩm như nước trái cây, trà, trà sữa trân châu... và dự định bán ra thị trường từ tháng 5-6.
"Tuy nhiên, dịch Covid-19 liên tục diễn biến căng thẳng, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi chưa thực hiện được. Hy vọng trong tháng 7 nếu dịch được kiểm soát thì sản phẩm của Vibev sẽ có mặt trên thị trường", ông nói.
Kido tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2021 sáng 22/6. Ảnh: KDC. |
Thực tế, thời điểm chính thức thành lập liên doanh Vibev, hai bên cho biết sản phẩm sẽ ra mắt vào tháng 4 năm nay. Kế hoạch này tiếp tục được dời sang quý II, theo chia sẻ của Kido khi công bố kết quả kinh doanh quý I, đặt mục tiêu quý II.
Vibev có vốn đầu tư ban đầu 400 tỷ đồng theo tỷ lệ góp vốn tương ứng giữa Kido và Vinamilk là 49-51, hoạt động chính trong mảng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không có gas, có lợi cho sức khỏe.
Trích dẫn số liệu từ Euromonitor, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cũng nói thêm, quy mô thị trường nước giải khát năm 2020 là 134.620 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) được dự báo ở mức 6%, do đó dư địa cho Vibev còn lớn.
Bên cạnh liên doanh với Vinamilk, Kido cũng đang nghiên cứu các sản phẩm cà phê hòa tan, dự kiến ra mắt trong thời gian tới để tham gia thị trường tiềm năng này.
Quý đầu năm nay, doanh nghiệp đạt 2.322 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng dầu ăn đóng góp đến 87%, còn lại là kem và các ngành hàng khác. Phó tổng giám đốc Bùi Thanh Tùng cho biết thời gian tới sẽ gia tăng tỷ trọng ngành thực phẩm lạnh, đồng thời cơ cấu lại mảng bánh kẹo và xây dựng mảng F&B.
Cụ thể, trong quý III, một số sản phẩm bánh kẹo mới, trong đó có bánh trung thu, sẽ được ra mắt. Chuỗi cửa hàng kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát Chuk Chuk cũng sẽ được đẩy mạnh mở rộng quy mô khi dịch bệnh được kiểm soát.
Năm nay, Kido đặt kế hoạch doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 38,2% và 92% so với năm 2020. Mặc dù mục tiêu này được đặt ra từ đầu năm, trước đợt dịch Covid-19 lần 4, nhưng ban lãnh đạo tập đoàn vẫn không điều chỉnh.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu cho biết bên cạnh việc tái cấu trúc toàn tập đoàn và chú trọng khai thác hiệu quả các kênh phân phối, doanh nghiệp đang quản lý tốt nguyên liệu đầu vào - vốn là một trong những khó khăn lớn nhất trong giai đoạn dịch bệnh.
Theo đó, từ đầu năm, Kido đã mua và dự trữ nguyên liệu cho ngành kem như đường, sữa, bột... đến tháng 9. Trong khi đó, ở ngành dầu ăn, giá nguyên liệu tăng hơn 60% trong năm 2020, riêng giá tháng 5 vừa qua tăng gấp 2,15 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang theo dõi sát biến động giá từng ngày, từng tuần và chủ động nguồn nguyên liệu.
"Riêng với ngành dầu ăn, chúng tôi tự tin nói rằng chúng tôi đang quản lý đầu vào tốt hơn đối thủ cạnh tranh theo tiêu chí không để bị mua nguyên liệu đầu vào với giá cao và bán ra với giá không tương ứng. Bởi lẽ biên lợi nhuận ngành này rất thấp, nếu thua ở đầu vào thì cầm chắc lỗ", bà khẳng định.