Sáng 31/3, Việt Nam ghi nhận thêm một trường hợp mắc mới, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 cả nước lên 204.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó chỉ đạo thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 30/3, Thủ tướng đã đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Theo quy định, việc công bố dịch được thực hiện khi nào?
Tính đến sáng 31/3, cả nước ghi nhận 204 trường hợp nhiễm Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trước tiên cần xác định virus SARS-CoV-2 (dịch Covid-19) thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền năm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nin; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng nên thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp theo Điều 42 luật này.
Khi đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước sẽ ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo Thủ tướng, dịch bệnh đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 72.000 người mắc, gần 3.500 người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày theo quyết định của Thủ tướng tuân theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cân đối nguồn lực, không để tình hình xấu rồi mới đặt vấn đề. Ông đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố.
Đồ họa: Như Ý. |