Ngày 3/3, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và chuyên gia của các đơn vị liên quan kiểm tra dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia sẽ cho ý kiến đánh giá chất lượng công trình để chủ đầu tư thông xe kỹ thuật, đưa dự án vào khai thác khi đảm bảo các yêu cầu theo quy định.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đang đôn đốc nhà thầu thi công xong các hạng mục còn lại để đưa cao tốc La Sơn - Túy Loan vào khai thác trong quý II/2021.
Chuyển sang đầu tư công
Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự án La Sơn - Túy Loan có chiều dài 77,5 km, trong đó đoạn qua địa phận Đà Nẵng từ Km 36 đến Km 77+472.
Đến nay, các hạng mục chính của đoạn Km 36+66 (từ Thừa Thiên - Huế đến Hòa Liên) đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đoạn từ Hòa Liên đến Túy Loan vẫn còn một số công trình phụ trợ như đường gom, đường kết nối dân sinh và một số mương thoát nước… đi qua xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, chưa có mặt bằng để thi công.
Vì những vướng mắc trên, nhiều năm qua dự án chưa thể thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác như dự kiến (theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành tháng 12/2018).
Để khắc phục tình trạng này, mới đây Chính phủ đã chấp thuận chủ trương dừng triển khai đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan (thuộc dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan) theo hình thức hợp đồng BT.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cũng ban hành quyết định chuyển phương án đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan trùng với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, sang hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn ngân sách giai đoạn 2020-2025.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, với phương án đầu tư này, chủ đầu tư và UBND TP Đà Nẵng sẽ sớm cân đối được nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục còn lại để khớp nối dự án La Sơn - Túy Loan với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
"Các chuyên gia của bộ, ngành liên quan đang kiểm tra, nghiệm thu công trình. Sau khi có ý kiến từ các đoàn kiểm tra, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ bổ sung, hoàn thiện những khâu cuối cùng để thông xe theo đúng kế hoạch vào cuối quý II/2021", ông Quý thông tin.
Đếm ngược
Ông Quý cho biết dự án La Sơn - Túy Loan bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và kết thúc tại Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) với tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng. Công trình có quy mô nền đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang rộng 23-24 m.
Giai đoạn một đầu tư xây dựng 2 làn xe; giai đoạn hai sẽ hoàn thành quy mô đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang rộng 23-24 m, cho phép xe cộ chạy tốc độ tối đa 80 km/h.
Theo kỳ vọng của lãnh đạo Bộ GTVT, dự án này khớp nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giảm áp lực về giao thông với tuyến quốc lộ 1. Khi hoàn thành dự án, xe cộ di chuyển từ Quảng Ngãi ra Thừa Thiên - Huế bằng tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn nhiều giờ. Bên cạnh đó, việc thông tuyến cũng hạn chế phương tiện lưu thông ở quốc lộ 1.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), nói dự án này là mơ ước của lãnh đạo và người dân địa phương. Khi cao tốc được đưa vào sử dụng sẽ phá thế “ngõ cụt” của huyện miền núi, góp phần thúc đẩy giao thương, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Trần Thị Lan (trú huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay từ khi có dự án, giá trị bất động sản ở huyện Hòa Vang và vùng lân cận tăng lên rất nhiều so với trước đây. Nhờ có cao tốc nên các tuyến đường gom, đường dân sinh cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang hơn.
"Chúng tôi đang đếm ngược ngày công trình được đưa vào sử dụng. Người dân rất mong mỏi về dự án này. Tương lai, kinh tế địa phương khởi sắc hơn rất nhiều", bà Lan nhận định.
Cao tốc nối Đà Nẵng với Huế chưa thể thông xe vì dân cản trở thi công
Dự án La Sơn - Túy Loan đã hoàn thành 98% hạng mục nhưng vẫn chưa biết khi nào thông xe vì một số hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng và cản trở thi công.
Chậm giải tỏa 11,5 km đường, mỗi năm trả lãi vay 66 triệu USD
Thiếu vốn giải phóng mặt bằng 11,5 km, mỗi năm chủ đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan, phải trả khoản lãi vay lên tới 66 triệu USD.
Vì sao Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông gấp 1,5-2 lần?
Từ mức phạt chung mà Nghị định 168/2024 đã áp dụng, UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất tăng mức phạt từ 1,5-2 lần đối với 107 lỗi vi phạm giao thông.