Khi còn là sinh viên, mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội, vài lần, tôi cũng mua phải sách giả. Ngày ấy, sách giả được bán tràn lan ở đường Láng, hay đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Người ta trải bạt xuống đất, bán chúng như mớ rau hay cân hoa quả. Nhiều bạn trẻ hăm hở chọn lựa rất đông, chẳng kém gì mấy hàng quần áo trong chợ Xanh.
Một phần vì ông bà chủ cũng dễ tính, không mua có thể ngồi xem, hay đọc “cọp” thoải mái. Chứ bước chân vào mấy hiệu sách lớn, cửa kính sáng choang, mà không mua gì, cả buổi cứ cầm hết cuốn này, đến cuốn khác lên đọc, cũng ngại lắm.
Sách giả đang tràn lan trên thị trườn, lấn át cả sách thật. |
Thêm một lý do vô cùng quan trọng, đó là sách giả, mà lại còn bán ngoài lề đường, giá rất "bèo", chỉ bằng 1/3 sách thật. Sinh viên làm gì có tiền bạc rủng rỉnh, nên cứ thấy rẻ là ham.
Hồi đó, đang là sinh viên năm thứ nhất, mới ra thủ đô, số tiền bố mẹ cho, tôi phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ. Thế nên, nhiều thứ thích lắm mà không dám mua, trong đó phải kể đến sách.
Dù gì cũng được đọc sách miễn phí trên thư viện, nên học kỳ đầu, tôi chưa bỏ tiền ra mua cuốn sách nào. Thỉnh thoảng, tôi cũng mon men lại mấy hiệu sách để ngắm cho đã cơn thèm thôi.
Sang học kỳ hai, có được ít tiền làm thêm, tôi mới dám đi mua sách. Hồi tôi chuẩn bị lên đại học, đứa em họ đã năn nỉ tôi mua cho nó bộ Harry Potter. Ở quê, có tiền cũng không mua được mấy bộ sách như thế. Chúng vẫn là thứ xa xỉ với mấy hiệu sách trên thị trấn, quanh năm chỉ bán mỗi sách giáo khoa và… lịch vạn sự.
Lấy được chút tiền lương, tôi hăm hở đi mua sách cho em, nhưng giá một bộ Harry Potter ở mấy hiệu sách gần trường đại học lên đến gần 1 triệu. Số tiền đó tương đương 1/3 tháng lương. Về ký túc xá, than thở với đám bạn, chúng khuyên ra đường Láng mua. Harry Potter hay sách gì cũng có, giá chỉ có mấy trăm nghìn. Thế là tôi hăm hở lên đường!
Tôi còn nhớ, hôm đó, trời nhá nhem. Tôi vội vàng đạp xe ra đường Láng mua cho đứa em bộ sách nó mơ ước. Công nhận, giá cả ở đó rẻ đến giật mình, cả bộ Harry Potter chỉ có mấy trăm nghìn.
Ban đầu, tôi cũng thấy lạ, vì sao chúng rẻ thế. Bà chủ cửa hàng, tóc đã hoa râm chỉ giải thích rằng đó là hàng tồn, hơn nữa hiệu sách ở lề đường bao giờ cũng rẻ.
Nhẹ dạ, tôi cũng gật đầu, phần nhiều vì ham rẻ. Mua bán xong, tôi vội ra bến xe, gửi người quen mang về cho em. Xong việc, tôi còn gọi điện cho nó, nói là ở nhà đợi quà. Cậu hăm hở lắm.
Đến hôm sau, nó đã gọi lên tỉ tê với tôi. Sách chị mua sao mà trông xấu xấu, có chỗ còn mất trang, mấy trang liền dính nhau. Vừa đọc sách, em phải cầm sẵn con dao tem để dọc giấy.
“Của rẻ là của ôi”, ông bà ta nói không sai chút nào. Kể lể với mấy đứa bạn, chúng nhìn tôi nửa cười, nửa mếu và bắt đầu giảng giải. Sách rẻ như thế, cả trăm cuốn đều là sách lậu. Khi đi mua phải chọn cho thật kỹ, bởi vì trong hàng trăm cuốn sách làm nhái ấy, vẫn có vài cuốn được xếp vào hàng… có thể đọc được. Có nghĩa là ít dính trang, mất trang và ít nhòe.
Hiện nay, sách giả được sản xuất một cách rất tinh vi. Ảnh: Vietnamnet. |
Vài năm sau, khi đã ra trường và bớt túng thiếu, tôi vẫn mua phải sách giả. Lần này, tôi cẩn thận đến một hiệu sách nổi tiếng trên con phố cũng rất nổi tiếng về sách để mua cuốn tiểu thuyết của tác giả yêu thích. Về nhà, giở sách ra đọc, thấy giấy đẹp, in ấn sắc nét, cứ tưởng đâu mình mua được sách thật.
Vài hôm sau, một người bạn đem tặng cho tôi cũng cuốn sách ấy, nhưng được mua từ chính nhà xuất bản. Hai cuốn sách giống nhau phải đến chín phần. Cuốn sách của tôi, chỉ có bìa nhạt hơn một chút, còn cuốn sách được tặng, bìa đậm màu và nét hơn.
Lần này, tôi thấy mình còn thê thảm hơn thời sinh viên, vì phải bỏ ra một số tiền tương đương chỉ để mua về cuốn sách giả.
Khi các trang thương mại điện tử mọc lên như nấm, sách giả còn đến “hỏi thăm” tôi vài lần nữa. Làm “mọt sách” đã mệt mỏi, làm mọt sách trong thời đại mà sách giả tràn lan như hiện nay xem ra còn mệt mỏi hơn.
Có lẽ, một trong những giấc mơ của đám "mọt sách" là: Một ngày nào đó, cả chục nghìn cuốn sách giả đều bị xén thành giấy vụn. Bao giờ giấc mơ đó mới thành hiện thực?