2018 là một năm thực sự khó khăn của Facebook. Những rắc rối liên tiếp đến với Facebook: từ bê bối về lộ thông tin người dùng, lỗ hổng token để hacker khai thác, đến sự soi xét của những nhà làm luật và dư luận. Điều đó khiến cho các lãnh đạo cấp cao của Facebook phải thay đổi cách điều hành.
Theo bài viết vừa đăng tải trên Wall Street Journal, cách điều hành mới của CEO Mark Zuckerberg là nguyên nhân khiến cho nhiều nhân sự cấp cao của Facebook rời công ty, tạo nên căng thẳng với Giám đốc vận hành (COO) Sheryl Sandberg.
Facebook trong trạng thái chiến tranh
Vào tháng 6/2018, Mark Zuckerberg triệu tập 50 lãnh đạo cao nhất của Facebook tới một buổi họp. Tại đây, ông tuyên bố Facebook đang ở trong một cuộc chiến, và cách lãnh đạo của Mark cũng sẽ thay đổi.
Vào tháng 6/2018, Mark Zuckerberg triệu tập 50 lãnh đạo của Facebook và tuyên bố công ty đang ở trong một cuộc chiến tranh. Ảnh: AP. |
Trong “thời bình”, những người đứng đầu bộ phận có thể làm mọi việc từ từ, và dành thời gian đảm bảo mọi người đều đồng ý với một quyết định quan trọng. Tuy nhiên khi bước vào “thời chiến” và phải đối mặt với những người làm luật, nhà đầu tư và người dùng đang tức giận, Zuckerberg nói rằng ông phải tỏ ra quyết đoán hơn.
Cách tiếp cận mới của Zuckerberg đem lại một sự hỗn loạn ở Facebook, khiến cho nhiều lãnh đạo cấp cao quyết định rời công ty. Không chỉ vậy, nó còn tạo ra sự căng thẳng giữa ông và COO Sheryl Sandberg. Đây là những chi tiết chưa từng được tiết lộ.
Vị CEO 34 tuổi của Facebook cho rằng công ty đang phản ứng quá chậm ở những thời khắc quan trọng, và liên tục thúc đẩy những vị trí lãnh đạo phải “tạo ra bước tiến nhanh hơn” khi đối diện với những vấn đề như tốc độ người dùng tăng trưởng chậm và an ninh của nền tảng không được đảm bảo. Ông cũng thường xuyên tỏ ra thất vọng vì cách công ty đối mặt với sự chỉ trích trong năm 2018.
Tuần trước, sự căng thẳng được thể hiện rõ trong một cuộc gặp mặt giữa Mark Zuckerberg và các nhân viên của Facebook tại đại bản doanh công ty ở Menlo Park, California. Khi được hỏi về một loạt bài viết vừa được đăng tải, Zuckerberg nói thẳng chúng chỉ là “tin giẻ rách”, một người có mặt tại sự kiện chia sẻ.
Một nhân viên khác hỏi Zuckerberg liệu công ty có thể sa thải những người làm lộ thông tin mật hay không, và muốn chuyện đó được minh bạch. Đáp lại, CEO của Facebook cho rằng nguyên nhân chính của sự việc là “tinh thần ủ rũ” của nhân viên, hậu quả từ những đòn tấn công của truyền thông.
Những năm trước, Zuckerberg thường đặt ra mục tiêu năm mới cho mình là học tiếng Hoa, hoặc đọc được 25 cuốn sách. Năm nay, mục tiêu của ông là đem lại sự ổn định cho Facebook. Zuckerberg tin rằng để làm được điều này, ông cần phải cứng rắn hơn.
Hàng loạt lãnh đạo cấp cao rời khỏi Facebook
Tuy vậy trong nội bộ Facebook, nhiều người cho rằng rất nhiều rắc rối của công ty đến từ khẩu hiệu “đi nhanh, phá vỡ” của Zuckerberg vào thời kỳ đầu. Cách làm mới cũng tạo nên sự căng thẳng với nhiều lãnh đạo cấp cao của Facebook, trong đó có COO Sheryl Sandberg.
Đầu năm nay, Zuckerberg nói thẳng với bà Sandberg rằng đội ngũ dưới quyền của bà phải chịu trách nhiệm chính trong bê bối lộ thông tin với Cambridge Analytica, đối tác của Facebook. Ông cũng cho rằng bà Sandberg đúng ra phải đầu tư nhiều hơn để có thể loại bỏ nội dung độc hại trên Facebook, một vấn đề mà Facebook vẫn chưa thể khắc phục.
Sau đó, trao đổi với một người bạn, bà Sandberg thú nhận những lời của ông Zuckerberg khiến bà nghĩ tới nguy cơ mất việc.
Đến cả nhân vật thứ hai tại Facebook là bà Sheryl Sandberg cũng có lúc thấy lo lắng về vị trí của mình. Ảnh: Bloomberg. |
Dù vậy, vài tháng gần đây Zuckerberg có vẻ hài lòng với tình trạng được cải thiện của Facebook. Mới tuần trước, ông còn khẳng định bà Sandberg là “một đối tác rất quan trọng của tôi, sẽ luôn là như vậy”.
Nhiều nhân vật khác của Facebook thì không được may mắn như Sheryl Sandberg.
Cuối tháng 9/2018, hai đồng sáng lập của Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger cùng lúc từ chức. Theo những nguồn tin, quyết định này được đưa ra bởi Mark đòi can thiệp quá sâu vào Instagram. Cụ thể, CEO Facebook muốn chia sẻ vị trí người dùng Instagram sang Facebook để bán quảng cáo tốt hơn.
Ngay sau khi hai đồng sáng lập rời khỏi Instagram, công ty này bắt đầu thử nghiệm tính năng chia sẻ vị trí nói trên.
Hai nhà đồng sáng lập của Instagram đã rời Facebook vào tháng 9, sau mâu thuẫn với Mark Zuckerberg về phát triển sản phẩm. Ảnh: New York Times. |
Trước đó, hai đồng sáng lập của WhatsApp là Brian Acton và Jan Koum cũng lần lượt rời khỏi công ty vào năm 2017 và 2018. Có thông tin hai nhà sáng lập mâu thuẫn với Zuckerberg về cách kiếm tiền cho WhatsApp.
Gần đây nhất, đồng sáng lập công ty Brendan Iribe Oculus VR cũng đã rời Facebook vào cuối tháng 10/2018. Một nguyên nhân khiến ông Iribe ra đi là sự bất đồng với kế hoạch cho Oculus Rift trong tương lai.
Theo WSJ, đã có khoảng hơn 10 lãnh đạo cấp cao của Facebook rời công ty trong năm 2018. Vào tháng 5/2018, Facebook đã công bố một kế hoạch tái cấu trúc mới, trong đó Zuckerberg sẽ có vai trò quản lý rộng hơn.
Còn rất nhiều khó khăn và áp lực với Facebook
Trong báo cáo kinh doanh quý gần nhất, lợi nhuận của Facebook vẫn đạt mức trên 5 tỷ USD. Tuy vậy, lợi nhuận của công ty có thể giảm mạnh trong thời gian tới khi chi phí cho bảo mật, an ninh tăng cao. Zuckerberg cho rằng Facebook đang ở giữa một chu kỳ 3 năm, sẽ kết thúc vào 2019, để tăng cường độ bảo mật mà vẫn đảm bảo nền tảng mở.
“Chúng tôi đã quá chậm chạp trong việc nhận biết các vấn đề trong vòng 2 năm qua, nhưng khi đã biết được vấn đề, chúng tôi luôn đưa ra những hành động quyết liệt để khắc phục và ngăn vấn đề xảy ra trong tương lai. Chúng tôi đã đầu tư rất mạnh vào an ninh. Mặc dù còn rất nhiều điều phải làm, Facebook đang cải thiện tình hình”, một người phát ngôn của Facebook cho biết.
Việc xáo trộn nhân sự cấp cao cũng khiến các kế hoạch sản phẩm bị trì hoãn, và tinh thần của nhân viên cũng sa sút. Hình ảnh tiêu cực của Facebook liên tục được đưa lên mặt báo, khiến nhiều nhân viên thất vọng, đặc biệt là đội ngũ an ninh.
Giá cổ phiếu của Facebook đã giảm mạnh trong vài tháng qua. Ảnh: Market Insider. |
Kết quả khảo sát gần 29.000 nhân viên Facebook được công bố vào tháng 11/2018 cho thấy chỉ hơn một nửa số nhân viên cảm thấy lạc quan về tương lai của Facebook. Tỉ lệ nhân viên tin rằng Facebook đang làm thế giới tốt hơn cũng chỉ là 35%. Trong cuộc khảo sát vào năm ngoái, hai con số này là trên 80% và 54%.
Giá cổ phiếu Facebook cũng giảm mạnh trong năm qua. Tại thời điểm viết bài, giá mỗi cổ phiếu của Facebook chỉ còn 131 USD, giảm tới 86 USD so với mức đỉnh 217 USD được thiết lập ngày 25/7/2018.
Tuần trước, New York Times đăng tải một bài điều tra về cách Facebook ứng xử, áp dụng chiêu bài đổ lỗi cho đối thủ để giảm nhẹ áp lực dư luận với công ty. Hai vị lãnh đạo cao nhất của Facebook cho biết những quyết định này là do sếp bộ phận truyền thông đưa ra, khiến cho nhiều nhân viên làm việc tại bộ phận truyền thông nổi giận.
Trong thực tế, bà Sandberg gần như nắm quyền tuyệt đối trong việc đối ngoại, đưa ra chính sách của Facebook. Tại cuộc họp trong nội bộ công ty hôm 18/11, Sheryl Sandberg thừa nhận chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các quyết sách về truyền thông.
Không chỉ gặp áp lực từ nhân viên, Zuckerberg còn chịu áp lực từ Hội đồng quản trị của Facebook. Mặc dù đóng vai trò là chủ tịch và CEO, đồng thời giữ đa số lượng phiếu có quyền biểu quyết, Zuckerberg vẫn phải đưa ra nhiều hành động dựa trên phản ứng của Hội đồng quản trị.
Sau khi sự can thiệp của Nga được tiết lộ, Hội đồng quản trị của Facebook đã yêu cầu các vị lãnh đạo phải cập nhật tình hình thường xuyên, có giai đoạn phải cập nhật hàng ngày. Sau vụ Cambridge Analytica, hội đồng cũng yêu cầu Mark Zuckerberg phải chỉ định một người phụ trách khắc phục vấn đề. COO Sheryl Sandberg là người được chọn.
Trong giai đoạn căng thẳng, Zuckerberg tìm kiếm sự giúp đỡ từ Bill Gates, cựu chủ tịch và CEO của Microsoft. Tỷ phú Bill Gates gợi ý Zuckerberg nên tìm một người phụ tá trực tiếp, quản lý các công việc về đối ngoại và pháp luật. Khi Zuckerberg tiến hành cuộc tìm kiếm, luật sư trưởng của công ty là Colin Stretch đã đệ đơn xin nghỉ vào tháng 7/2018.
Ông Stretch chỉ hoãn việc từ chức sau khi Facebook dừng kế hoạch tìm kiếm người thay thế ông. Colin Stretch sẽ tiếp tục là luật sư trưởng của Facebook cho tới mùa hè năm sau.
Vào tháng 10, Facebook có một nhân sự mới rất nổi tiếng. Nick Clegg, cựu Phó thủ tướng Anh được bổ nhiệm là Phó chủ tịch phụ trách truyền thông và chính sách quốc tế. Đây là nhân sự cao cấp nhất mà Facebook tuyển về, từ sau khi Sheryl Sandberg rời Google gia nhập Facebook năm 2008.
Dù vậy, cấu trúc của Facebook có thể sẽ gặp vấn đề khi người tiền nhiệm của ông Clegg là Elliot Schrage tiếp tục làm việc dưới quyền bà Sandberg. Tại cuộc họp nội bộ, ông Schrage nhận định sẽ có thêm nhiều bài báo tiêu cực về Facebook trong vài tháng tới.