Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi khủng bố thành 'chuyện thường ngày' ở châu Âu

Với hàng loạt các vụ tấn công Pháp, Đức và Bỉ trong hai năm qua, châu Âu đã không còn là "ốc đảo bình yên" giữa thế giới đầy xung đột.

Hiện trường vụ xe tải lao vào chợ Giáng sinh ở Đức Ít nhất 9 người chết và 50 người bị thương khi một chiếc xe tải lao vào phiên chợ Giáng sinh tại Berlin, Đức hôm 19/12.

Dưới bóng nhà thờ Kaiser Wilhelm, công trình vẫn còn mang dấu bom của Thế chiến II, chiếc xe tải lao vào một chợ đêm Giáng sinh đã làm 12 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra ở Đức trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau những vụ khủng bố nhằm vào châu Âu thời gian qua, việc nước Đức bị tấn công không làm nhiều người bất ngờ. 

Tại Paris (Pháp), hàng loạt vụ tấn công diễn ra đồng thời trong đêm 13/11/2015 làm 137 người thiệt mạng. Đến tháng 7 năm nay, sau khi tổ chức thành công vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2016, ngay đêm quốc khánh 14/7, nước Pháp lại hứng chịu thêm một vụ khủng bố khi một chiếc xe tải 19 tấn lao vào đám đông đang ăn mừng tại Nice. 84 người thiệt mạng.

Năm 2016 bắt đầu với hai vụ đánh bom đồng thời tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở Brussels (Bỉ) làm chết 38 người hôm 22/3. Đến cuối năm, nỗi bất an của châu Âu có thể sẽ khép lại bằng nước Đức.

Chau Au bi tan cong anh 1

Bảy vụ tấn công nước Đức phải hứng chịu trong năm 2016. Việt hóa đồ họa: Hiền Đức.

             

Châu Âu không còn bình yên

Ở Đức, vụ tấn công vào chợ Giáng sinh là sự hiện thực hóa nỗi sợ hãi đã có từ lâu. 

"Bạn có thể cảm nhận được sự căng thẳng. Berlin xưa giờ vẫn chưa bị đụng đến. Người dân đang chờ đợi nó xảy ra. Nhưng không phải các cảnh sát, tôi không thấy an ninh được tăng cường cho lắm", New York Times dẫn lời Can Dundar, biên tập viên của một tờ báo tại Thổ Nhĩ Kỳ đang tị nạn tại Đức, nói. 

Từ sau vụ tấn công ở Nice hồi tháng 7, Wall Street Journal nhận định những vụ bạo lực là một "thực tại mới" mà châu Âu phải đón nhận. Tuy nhiên, quan chức các nước châu Âu dường như vẫn chưa sẵn sàng đương đầu với thực tại này.

Giới chức an ninh châu Âu thừa nhận mạng lưới tình báo của họ hoạt động hiệu quả trong việc tìm ra các mạng lưới khủng bố nhưng không thể xác định những "con sói đơn độc". Không có cách nào để dự đoán và ngăn cản một vụ tấn công được tiến hành bởi người không nằm trong danh sách "đen" của cảnh sát hoặc giới tình báo trước đó.

Chau Au bi tan cong anh 2
Hiện trường vụ tấn công bằng xe tải ngày 19/12 tại Berlin, Đức. Cuộc tấn công nhắm vào một khu chợ Giáng sinh vào lúc kỳ nghỉ lễ đã đến rất gần. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, sự bất an của châu Âu không chỉ đến từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mà còn cả những kẻ cực hữu. Theo báo cáo của Văn phòng Cảnh sát châu Âu (Europol), trong năm 2015, số vụ bắt giữ các nghi phạm là phần tử Hồi giáo cực đoan tăng lên nhưng số nghi phạm tấn công đến từ các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cũng tăng cùng.

'Bóng ma' từ những vùng xung đột

Vụ tấn công một lần nữa làm dấy những vấn đề châu Âu phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng di dân và làn sóng bài tị nạn tại Đức.

Đầu năm 2016, cảnh sát Đức nhận được hơn 1.200 trình báo từ phụ nữ về các vụ xâm hại tình dục giữa đám đông tham gia lễ đón năm mới ở khắp nước Đức. Cảnh sát xác định có khoảng 2.000 người đã tham gia việc này, họ "trông giống người Arab và Bắc Phi" và hoạt động theo nhóm.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từng được ca ngợi là "đạo đức của châu Âu" vì kiên quyết ủng hộ việc đón nhận người tị nạn, đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ của người dân sụt giảm nghiêm trọng sau những vụ tấn công do người nhập cư gây ra trên nước Đức.

Chau Au bi tan cong anh 3
Thủ tướng Đức đang đối mặt làn sóng phản đối dữ dội từ những người cực tả. Ảnh: Reuters.

Trong vụ tấn công chợ Giáng sinh vừa qua, nghi phạm đang bị truy lùng là một người Tunisia vừa xin giấy hoãn trục xuất. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm vụ việc nhưng không đưa ra được bằng chứng nào cho tuyên bố đó. 

Trong một diễn biến khác, cùng ngày 19/12, một cảnh sát người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn chết Đại sứ Nga Andrei Karlov tại một triển lãm tranh ở Ankara. Sau khi bắn gục vị đại sứ, tên ám sát đã hét to: "Đừng lãng quên Aleppo. Đừng lãng quên Syria!".

New York Times nhận định hai vụ tấn công - một ở "trái tim" châu Âu và một ở cửa ngõ châu Âu - đã chốt lại một năm khủng khiếp khi những cuộc chiến ở Trung Đông "di căn" đến châu Âu, kéo theo những cuộc tấn công đe dọa cuộc sống của người dân bình thường và kích động phong trào chính trị cực hữu.

Nước Đức một năm trước còn là "tấm gương" của thế giới trong việc tiếp nhận những người tị nạn từ Trung Đông giờ đối mặt với làn sóng bài tị nạn. Sau khi Anh rời khỏi EU, tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ với đường lối dân túy và tuyên bố "đặt nước Mỹ lên trên hết", Thủ tướng Merkel được xem là người bảo vệ cuối cùng cho chủ nghĩa tự do.

Thế nhưng, nước Đức không thể vững vàng làm một "thành trì" của các giá trị tự do phương Tây trong bối cảnh phong trào dân túy dâng cao. Những người Đức từng chào đón người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông giờ hoảng hốt nhìn mối nguy mà nhóm di dân với những kẻ khủng bố trà trộn nhập cư vào châu Âu.

Với biên tập viên gốc Thổ Nhĩ Kỳ Can Dundar, những cuộc tấn công trên khắp châu Âu và tình hình Trung Đông liên quan mật thiết với nhau, vụ ám sát ở quê hương và vụ đâm xe ở nước Đức ông đang sống đều là "bóng ma" từ những vùng xung đột trên thế giới.

Và chừng nào nội chiến Syria và những cuộc xung đột khác chưa có lối ra, dòng người tị nạn vẫn đổ về, Đức, Pháp và cả châu Âu không thể sống trong bình yên.

24 giờ đẫm máu của châu Âu trước lễ Giáng sinh

Vài ngày trước Giáng sinh, châu Âu rúng động khi đại sứ Nga bị một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ám sát, phiên chợ Giáng sinh ở Đức và thánh đường Hồi giáo ở Thụy Sĩ bị tấn công.

Berlin đau buồn sau vụ tấn công kinh hoàng chợ Giáng sinh

Người dân Đức lặng lẽ thắp nến, đặt hoa và cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số trong cuộc tấn công nhằm vào khu chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin vừa qua.

Phương Thảo (theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm