Khoảng 43 quốc gia, đặc biệt là những nước ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia sẽ hứng chịu tình trạng đà tăng trưởng kinh tế giảm do áp lực từ nắng nóng theo nhận định của Tord Kjellstrom, giám đốc Quỹ Y tế và Môi trường Quốc tế tại New Zealand. Do đó, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc và Indonesia có thể giảm lần lượt 1% và 6% vào năm 2030.
Những người lao động cởi trần do nắng nóng ở thủ đô Dhaka ở Bangladesh. Ảnh: Bloomberg. |
Nắng nóng khắc nghiệt làm giảm 15 tới 20% số giờ làm việc ở Đông Nam Á. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050, khi biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn, theo một nghiên cứu mà các nhà khoa học công bố trên tạp chí Public Health ở khu vực châu A - Thái Bình Dương hôm 17/7.
Đây là một trong 6 nghiên cứu do Đại học Liên Hợp Quốc thực hiện để tìm hiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người. Theo nghiên cứu, từ năm 1980 tới năm 2012, khoảng 2,1 triệu người trên toàn thế giới chết do hậu quả trực tiếp của gần 21.000 thiên tai như lũ, lở đất, nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, bão, hỏa hoạn. Tổn thất mà thiên tai gây nên lên tới hơn 4.000 tỷ USD, tương đương với tổng sản phẩm quốc nội hiện nay của Đức.
"Với tác động của nắng nóng, bạn không thể duy trì cường độ làm việc như lúc bình thường. Vì thế chúng ta sẽ thấy tốc độ làm việc giảm và thời gian nghỉ ngơi tăng trong những ngành cần nhiều sức lao động. Những nước giàu có các nguồn lực tài chính để thích nghi với biến đổi khí hậu", Tord Kjellstrom giải thích.
"Vào năm 2030, ở cả Ấn Độ và Trung Quốc, tổn thất GDP có thể đạt 450 tỷ USD", Tord Kjellstrom cảnh báo. Tác động đó có thể giảm bằng cách dịch chuyển giờ làm và thay đổi cách xây dựng những nhà máy mới để chúng cần ít điện hơn trong quá trình làm mát.
Chị Hoa, một người dân ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, nhặt phế liệu khi nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 40 độ C. Khí hậu nóng sẽ làm giảm năng suất lao động và thời gian làm việc của những người làm những công việc đơn giản và cần nhiều sức lực. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Những nước có thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ giảm năng suất lao động do nắng nóng lớn hơn những nước có thu nhập cao mặc dù họ đóng góp rất ít vào những nguyên nhân tạo nên nên biến đổi khí hậu dưới dạng khí gây hiệu ứng nhà kính. Nghiên cứu cho thấy những nước giàu sẽ hoàn toàn có thể tránh tổn thất từ nắng nóng. Năng suất lao động ở Nga, Na Uy và Thụy Điển có thể giảm do khí hậu lạnh hơn vào mùa đông.
Khí hậu nóng có khả năng làm giảm năng suất của những công việc có mức thu nhập thấp và đòi hỏi kỹ năng đơn giản - như làm ruộng, bốc vác, đạp xích lô. Tình trạng ấy có khả năng làm tăng chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Nghiên cứu dự báo nhu cầu làm mát không khí trong các văn phòng, siêu thị và nhà sẽ tăng vọt khi nhiệt độ tăng, làm tăng áp lực đối với nguồn cung cấp điện. Một thành phố có quy mô tương đương Bangkok có thể cần thêm tới 2 GW điện nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C.
Hơn 190 nước ký kết một thỏa thuận tại Paris hồi tháng 12 năm ngoái để thực hiện những giải pháp nhằm khống chế tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Để có thể thực thi thỏa thuận Paris, ít nhất 55 quốc gia - đại diện cho 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới - phải phê chuẩn thỏa thuận vào năm 2020. Liên Hợp Quốc hy vọng thỏa thuận có thể có hiệu lực trong năm nay.
"Chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về các mô hình phát triển đô thị. Thực tế cho thấy những nước giàu có khả năng lớn hơn trong việc bảo vệ người dân của họ trước những tác động về sức khỏe do biến đổi khí hậu gây nên. Người dân ở những nước nghèo mới là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất", Anthony Capon, một giáo sư của Đại học Liên Hợp Quốc, nhận xét.