Gã khổng lồ thương mại điện tử cung cấp hàng loạt dịch vụ được thiết kế để biến nó trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân Trung Quốc.
Đây là một mạng lưới phát triển nhanh chóng nhờ vào một loạt các vụ mua lại đầy tham vọng. Theo Dealogic and Internet Retailer, Alibaba đã chi khoảng 30 - 40 tỷ USD kể từ năm 2010 cho gần 100 thương vụ mua lại và đầu tư.
"Alibaba rất tích cực. Họ muốn xây dựng một thế giới mua sắm trực tuyến mà đáp ứng được tất cả những gì khách hàng đang tiêu dùng trong cuộc sống thường nhật." - dẫn lời Nicole Peng, giám đốc của hãng nghiên cứu công nghệ Canalys.
Hơn 100 phi vụ mua lại và đầu tư đã được Alibaba tiến hành kể từ năm 2010. Ảnh: thejomblo. |
Những cư dân đô thị điển hình có thể thức dậy và xem dự báo thời tiết trên UCWeb, ăn hoa quả tươi đặt mua từ Yiguo.com, trả tiền cho chuyến taxi bằng Alipay và giải trí đôi chút trước giờ làm việc với các clip trên Youku. Sau đó, khi hết giờ làm việc, họ sẽ trở về nằm nghỉ trên chiếc đệm đặt mua ở Taobao.
Hãy nhớ rằng ngay cả những cửa hàng bán lẻ nhỏ bé ở các vùng quê cũng đang thực hiện việc mua bán trên nền tảng của Alibaba.
Để mở rộng danh sách dịch vụ, mới đây hãng đã chi khoảng 1 tỷ USD để mua lại Lazada - nền tảng thương mại điện tử nắm vị trí thống lĩnh ở khu vực Đông Nam Á với hệ thống hỗ trợ hậu cần đầy mạnh mẽ. Đây là phi vụ tiếp sau những động thái mua lại gây tiếng vang lớn như chi 2 tỷ USD cho UCWeb - một trong những trình duyệt phổ biến nhất Trung Quốc hay thương vụ tốn kém nhất - 5 tỷ USD cho "Youtube" của đất nước tỷ dân - Youku.
Peng cho hay những vụ đầu tư của Alibaba được thiết kế để tự "nuôi" nhau, tạo ra một vòng tròn khép kín về sản phẩm và dịch vụ, đem đến trải nghiệm liền mạch cho khách hàng trên cả con đường.
Youku hiện là thương vụ tốn kém nhất của Alibaba. Ảnh: Elsalvador. |
Công ty có trụ sở ở Hàng Châu này đã bắt đầu tìm mua các công ty khác một cách điên cuồng trước khi vụ IPO trị giá 25 tỷ USD diễn ra năm 2014. Những động thái của Alibaba thực sự khiến giới đầu tư cảm thấy bối rối.
Vụ mua lại đội bóng Guangzhou Evergrande đã bị chỉ trích nặng nề, nhiều người cho rằng đây là món hàng phù phiếm. Thậm chí, có nguồn tin cho hay thương vụ diễn ra khi Jack Ma đã quá chén và hoàn thành nó trong cuộc điện thoại kéo dài 15 phút. Thêm một phi vụ nữa khiến người ta phải nhíu mày là khi Jack Ma mua lại tờ báo tiếng Anh ở Hong Kong - South China Morning Post.
Chưa hết, giá cổ phiếu của Alibaba cũng giảm tới 16% kể từ ngày ra mắt thị trường do những lo ngại về hàng giả được bán trên trang web.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho hay họ thấy được tính kỷ luật trong những thương vụ của Alibaba. Thay vì mua lại toàn bộ doanh nghiệp ngay khi mới bắt đầu, hãng thường đầu tư một khoản tiền nhỏ trước và chỉ quyết định tăng lượng cổ phần sở hữu sau khi đối tượng cho thấy khả năng phát triển. Ví dụ như trường hợp của UCWeb, trước khi nuốt chửng công ty, Alibaba sở hữu tới 66% cổ phần.
Cách tiếp cận này cho phép Alibaba đồng hành cùng một lượng lớn các công ty và giảm mức rủi ro. Theo các nhà phân tích, thử thách tiếp theo của Alibaba là kết hợp mảng giải trí của nó với mảng thương mại. Ví dụ như khi các fan của đội bóng Guangzhou Evergrande xem clip về câu lạc bộ trên Youku, họ có thể bấm chuột vào quảng cáo cho nhãn giày Adidas mà liên kết đến các trang bán hàng của Alibaba.
Bài toán khó cho công ty của Jack Ma là kết hợp giữa giải trí và thương mại. Ảnh: Thejomblo. |
Trên thực tế, Alibaba không phải là công ty Trung Quốc duy nhất muốn mở rộng phạm vi của nó thông qua các vụ mua lại. Tencent - vốn ban đầu là nhà cung cấp dịch vụ cổng thông tin điện tử đã nhảy sang lĩnh vực tin nhắn và giờ đây là công ty hàng đầu Trung Quốc trong mảng game cho di động và máy tính.
Trong nhiều trường hợp, Alibaba đầu tư vào cùng lĩnh vực với đối thủ của mình. Ví dụ như cả hai đứng sau lưng hai ứng dụng gọi taxi phổ biến khác nhau ở Trung Quốc, trước khi hai công ty này sáp nhập thành một doanh nghiệp đơn nhất - Didi Chuxing.
Trong khi Alibaba vẫn cho thấy mình đầy tham vọng, theo Peng, các nhà đầu tư có lẽ phải chờ đợi thêm để thu về lợi tức, bởi lẽ "rất nhiều vụ mua lại của hãng chưa đem về chút doanh thu nào".
Phát ngôn viên của Alibaba từ chối bình luận về nhận định này. Trong khi đó, trong cuộc họp cổ đông gần đây, Alibaba khẳng định: "các thương vụ mua lại luôn được thực hiện vì lý do chiến lược, thay vì lý do tài chính".