Khi Triều Tiên quyết định tham dự Olympic Mùa đông 2018 ở Hàn Quốc, bắt đầu giai đoạn thân thiện trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực của nước này được đại diện bởi gương mặt tươi cười của bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Giờ đây, khi ông Kim đe dọa hàng loạt động thái cứng rắn bằng quân sự, cũng chính em gái ông là người đang đại diện cho tiếng nói của Triều Tiên - nhưng lần này là những lời nảy lửa với Hàn Quốc.
“Diễn văn của ông thật nhàm chán”, bà Kim Yo Jong nói về phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, trong đó ông Moon kêu gọi hòa bình. “Ông dường như mất sáng suốt, dù bên ngoài có vẻ bình thường”.
Bà Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Kim Jong Un, tại Bình Nhưỡng năm 2018. Ảnh: Pool. |
Quyền lực ngày càng lớn
Ở Triều Tiên, hiếm lãnh đạo nào trừ ông Kim Jong Un có thể ra các tuyên bố ở ngôi thứ nhất như vậy.
Điều này cho thấy bà Kim Yo Jong, 32 tuổi, người phát ngôn cao cấp nhất, đang có quyền lực ngày càng lớn trong chính quyền, dù chỉ là ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị.
Điều đó khiến vị thế của bà được nâng cao một cách rõ rệt dù cho Triều Tiên vẫn khá trọng nam.
Bà Kim Yo Jong cũng học ở Thụy Sĩ như anh trai. Nhưng dư luận ít biết tới bà cho tới khi bà đứng cạnh anh trai trong lễ tang của ông Kim Jong Il năm 2011.
Bà Kim Yo Jong đứng sau Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (phải) trong lễ khai mạc Olympic Mùa đông tại Hàn Quốc năm 2018. Ảnh: New York Times. |
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2/2019 không đạt thỏa thuận như kỳ vọng, ông Kim Jong Un thay thế đội ngũ ngoại giao của mình, và bà Kim rõ ràng đã mất vị trí trong Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên.
Nhưng năm nay, khi quan hệ Triều Tiên với Hàn Quốc và với Mỹ căng thẳng hơn, bà Kim có vị thế trở lại.
Kể từ tháng 3, bà đã ra các thông cáo tự đứng tên mình, trong đó dành những lời lẽ gay gắt cho ông Moon Jae In và nói bức thư ông Trump gửi ông Kim là “suy nghĩ tốt” nhưng không đủ để cải thiện quan hệ.
Bà Kim Yo Jong đi theo anh trai gặp Tổng thống Trump tại Singapore năm 2018. Ảnh: New York Times. |
Cơ sở để ông Kim linh hoạt hơn về ngoại giao
Kể từ tuần trước, truyền thông Triều Tiên miêu tả bà là người lãnh đạo trong hàng loạt tuyên bố và động thái gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, như cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong và đe dọa đưa quân trở lại tập trận tại vùng biển biên giới ở phía tây bán đảo.
Hôm 13/6, bà Kim Yo Jong cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều “vô dụng” ở thị trấn Kaesong. “Mọi người sẽ sớm thấy văn phòng liên lạc Bắc-Nam vô dụng sụp đổ hoàn toàn”, bà Kim Yo Jong nói KCNA. Ngày 16/6, văn phòng liên lạc liên Triều đã bị phá hủy.
Phía Triều Tiên cảnh báo vụ nổ và đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều có thể là "khúc dạo đầu cho thảm họa toàn diện trong quan hệ Bắc-Nam".
Bà Kim Yo Jong là thành viên đầu tiên của gia đình Kim bước qua biên giới vào Hàn Quốc năm 2018 để dự Olympic Mùa đông. Ảnh: Yonhap. |
Việc Triều Tiên đột nhiên đổi giọng thù địch với Hàn Quốc - mà thực ra là nhắm đến Mỹ, có thể cho thấy ý định lấy lòng dân khi kinh tế ngày càng khăn khó vì lệnh trừng phạt và vì đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, theo Leif Eric Easley, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul.
Để em gái Kim Yo Jong dẫn dắt các bước đi đối đầu Seoul và Washington, ông Kim cũng đang dành cho mình “sự linh hoạt về ngoại giao” nếu muốn thay đổi hướng đi, ông Easley nói với New York Times.
Dù ý định là gì, rõ ràng bà Kim đang được củng cố vị thế là người số 2 trong chính quyền của anh mình, Lee Seong Hyon, nhà phân tích từ Viện Sejong, một tổ chức nghiên cứu ở Hàn Quốc, nói với New York Times.
“Dẫn dắt nỗ lực chống Hàn Quốc như một vị tướng, bà đang gạt đi những người cứng rắn trong Bộ Chính trị cho rằng bà không thể làm lãnh đạo”.