Trong một thế giới “siêu kết nối” như ngày nay, định nghĩa CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) không còn bó buộc trong những hoạt động từ thiện đơn thuần. Là nhân tố tạo ra tầm ảnh hưởng đến nhiều người, một doanh nghiệp vì cộng đồng cần có những sáng kiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tích cực tham gia vào công tác nâng cao đời sống cộng đồng.
Đó cũng là điều những “thuyền trưởng” tại Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) tâm niệm. Ông Patrick Chung - Tổng giám đốc và bà Phạm Thị Dung - Phó tổng giám đốc đã chia sẻ về tâm huyết và sự gắn bó của doanh nghiệp này với cộng đồng địa phương.
- Thưa ông, vì sao ban lãnh đạo công ty lại chú trọng yếu tố cộng đồng?
- Dù đến từ Hong Kong (Trung Quốc), một nơi khá xa Việt Nam nhưng tôi đã sống, làm việc và gắn bó với tỉnh Hậu Giang hơn 5 năm. Tôi cảm thấy thân thuộc với nơi đây. Nó gợi cho tôi nhớ về tuổi thơ của mình cách đây mấy mươi năm. Những người dân hồn hậu, chất phác, luôn nở nụ cười khiến tôi cảm thấy vui lây.
Bởi lẽ đó, tôi luôn chủ trương cùng anh em trong công ty cố gắng làm tốt công việc của mình, giúp đỡ cộng đồng địa phương nhiều nhất có thể. Đối với tôi, đó không phải là trách nhiệm nặng nề mà chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi mà bản thân và những thành viên khác thực tâm muốn làm.
Ban lãnh đạo Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam luôn đặt yếu tố cộng đồng làm trọng tâm. |
- Thưa bà, yếu tố cộng đồng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có khác nhau quá nhiều?
- Tôi nghĩ không có gì khác biệt giữa một doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tất cả đều có vai trò tạo ra tác động tích cực cho sự phát triển của ngành giấy Việt Nam, đóng góp cho cộng đồng và giúp nhau cùng phát triển. Tại Lee & Man Việt Nam, tôi cảm nhận được một điều đặc biệt là dù công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn là một doanh nghiệp của Việt Nam. Trong các hoạt động, chúng tôi làm đều nỗ lực hướng đến cộng đồng địa phương, quê hương.
- Bà có thể chia sẻ những đóng góp cộng đồng tiêu biểu trong thời gian qua?
- Là một người Việt Nam, tôi hiểu hơn ai hết năng lực, nỗ lực và mong mỏi của người Việt. Vì thế, tôi mong muốn công ty tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống và chăm lo cho gia đình.
Chúng tôi khuyến khích hơn 1.200 nhân viên làm hết sức nhưng vẫn cân bằng giữa công việc, gia đình và bản thân. Ngoài ra, họ cũng cần một nơi an cư để xây tổ ấm. Vì thế, chúng tôi quyết tâm xây 5 toà nhà dành cho nhân viên ngay đối diện công ty, đi kèm là đầy đủ tiện ích như sân bóng đá, thư viện, Internet, phòng sinh hoạt cộng đồng…
Bà Phạm Thị Dung (giữa) tại một sự kiện cộng đồng của công ty. |
Trong các dịp lễ Tết, chúng tôi cũng góp tay vui niềm vui chung trong những hoạt động trao quà cho hộ nghèo, gửi tặng tiền cho ngân sách địa phương để xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho học sinh dịp khai giảng, các hoạt động hưởng ứng ngày hội môi trường…
- Điều gì khiến ông nhớ nhất sau những đóng góp này?
- Tôi luôn tâm niệm với chính mình rằng, mỗi chúng ta đều cần chung tay giúp sức cho sự trưởng thành của các em thiếu nhi. Tháng 4 năm ngoái, chúng tôi xây trường mẫu giáo Tuổi Thơ tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang để giúp các cháu có nơi ăn học khang trang.
Với bản thân, mỗi lần thấy các cháu, tôi đều có cảm giác ấm áp như đang sống tại quê nhà và đây chính là gia đình của mình. Nhà tôi luôn có sẵn kẹo để tặng các cháu mỗi dịp hội họp hoặc mỗi khi công ty tổ chức ngày hội gia đình cho nhân viên. Ngoài ra, ngăn bàn văn phòng tôi cũng có đầy bao lì xì. Tôi luôn thích lì xì cho các cháu để “xin” lại những nụ cười làm trong trẻo tâm hồn mình.
Ông Patrick Chung có niềm yêu thương đặc biệt với trẻ nhỏ. |
Chính những nụ cười ấy là một trong những lý do tôi và vợ quyết định sẽ nghỉ hưu tại đây, tận hưởng cuộc sống thong dong và yên bình mà tôi nhìn thấy hàng ngày trên khuôn mặt tươi cười của những người dân địa phương, những người mà tôi gọi là “gia đình”, “anh em”, “hàng xóm láng giềng”.