Với tình trạng bệnh trầm cảm đã trở nên báo động, mới đây, PGS TS Nguyễn Phương Hoa - một chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học - đã thực hiện cuốn sách Khi mây đen kéo tới. Cuốn sách được viết với mục đích rõ ràng là “chia sẻ một số kinh nghiệm đấu tranh với trầm cảm - căn bệnh thế kỷ - với bạn trẻ và bố mẹ các bạn”. Nhân dịp phát hành sách, PGS.TS Phương Hoa đã trò chuyện về căn bệnh trầm cảm cũng như cuốn sách của chị.
PGS TS Nguyễn Phương Hoa - người nghiên cứu, thực hành nhiều năm trong lĩnh ứng dụng tâm lý học ở Việt Nam. |
Chúng ta ngày càng ít giao tiếp với nhau
- Chị đánh giá như thế nào về tỉ lệ người mắc bệnh trầm cảm trong xã hội ngày nay?
- Về trầm cảm, đến năm 2020, tổ chức y tế thế giới coi đó là nguyên nhân thứ 2 gây ra bệnh tật cho nhân loại, chỉ đứng sau bệnh tim mạch mà thôi. Theo con số ước đoán của các nhà nghiên cứu, cứ khoảng 30 - 40 giây, trên thế giới sẽ có một người tự tử. Đó là con số thực trạng, và số liệu này ngày càng có nguy cơ tăng lên.
- Vậy, điều gì khiến cho bệnh trầm cảm ngày càng tăng?
- Do áp lực cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta ngày càng gấp gáp hơn, chúng ta ngày càng ít giao tiếp với nhau hơn… Đó đều có thể là những nguy cơ gây bùng nổ căn bệnh trầm cảm.
Bệnh trầm cảm là căn bệnh rối nhiễu cảm xúc. Và nó có nguyên nhân từ trong não, không phải trong bất cứ trường hợp nào nó cũng phát bệnh.
Trong một số tình huống cụ thể, hoặc điều kiện khách quan không phù hợp thì bệnh sẽ bùng phát.
- Trong thời đại mà công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ có tác động, ảnh hưởng gì tới bệnh trầm cảm không?
- Nó có tác động tiêu cực, không thuận lợi với căn bệnh trầm cảm. Các đối thoại trực tiếp ngày càng ít và ngắn, thay vào đó là đối thoại online...
Tuy nhiên, một mặt khác nó có tác động khá tích cực là làm cho người ta quan tâm hơn tới căn bệnh này; phổ biến nhiều hơn những kiến thức về căn bệnh trầm cảm.
Trước đây, chúng ta lo lắng sẽ vẽ đường cho hươu chạy, có những chủ đề cấm kị không nhắc tới như tự tử, những hành vi cực đoan. Chúng ta tránh nói đến những vấn đề ấy, nhưng không nói tới nghĩa là nó không tồn tại.
Đầu bếp Anthony Bourdain tìm đến cái chết khi đang thực hiện những dự án lớn. |
- Ở trên chị có nói xã hội nhiều áp lực, nỗi lo khiến nhiều người trầm cảm. Vậy tại sao những ngôi sao nổi tiếng, các ca sĩ, diễn viên, đầu bếp đang ở đỉnh vinh quang cũng tự tìm đến cái chết?
- Trầm cảm có nhiều dạng, nó không giống nhau với tất cả mọi người. Trầm cảm diễn ra trên một nền rất trầm, nhưng với tuổi vị thành niên, nó không trầm mà gắn với những hành vi khó kiểm soát, những sự bực bội, bực tức, giận dữ.
Trầm cảm có trầm cảm chức năng cao, trầm cảm đối với những người rất thành công, thành đạt mà ta không thể ngờ tới trong thâm tâm họ đã phải đối mặt với những khó khăn nào, và họ phải đối mặt với nó can đảm nhường nào để vượt qua.
Bởi vậy, chúng ta thường ngỡ ngàng khi nghe tin tự tử của một diễn viên nổi tiếng, một ngôi sao, hay một đầu bếp giỏi giang (ông đang thực hiện những dự án lớn, chứ không phải sự nghiệp đi xuống). Chúng ta vẫn nghĩ phải gặp khó khăn gì đó, thất bại gì đó thì trầm cảm mới phát bệnh, mà không biết rằng bệnh có thể phát trong cả những điều kiện không đến nỗi.
Nếu cô đơn, chúng ta có ít cơ hội chiến thắng bệnh trầm cảm
- Vậy làm thế nào để có thể giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc của căn bệnh này?
- Nếu cô đơn thì chúng ta có rất ít cơ hội chiến thắng được bệnh trầm cảm. Chúng ta chỉ có một cách để đoàn kết lại và chia sẻ các kiến thức nhiều hơn, tăng nhận thức lên… Như vậy ta có nhiều cơ hội chiến thắng bệnh tật hơn.
Sách Khi mây đen kéo tới chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm tới những phụ huynh, gia đình có người thân bị trầm cảm. Đó là mắt xích quan trọng với người trầm cảm. |
- Tại sao trong cuốn sách “Khi mây đen kéo tới” chị không viết thông tin chia sẻ để người trầm cảm tự cứu mình, mà nội dung chia sẻ với phụ huynh trầm cảm nhiều hơn?
- Bởi với người bị trầm cảm, khi cơn trầm cảm kéo đến, sự trợ giúp từ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Tôi viết cuốn sách cho những người hàng ngày đối mặt với căn bệnh đó.
Với những bạn đang bị trầm cảm, các bạn cũng có thể tham khảo cuốn sách này. Trong những ngày tốt, không trầm cảm, họ có thể dự liệu, chuẩn bị tinh thần để đối mặt với nó.
- Vậy với phụ huynh, người thân của người bị trầm cảm, họ gặp những áp lực gì?
- Phụ huynh, người thân của người mắc bệnh trầm cảm gặp rất nhiều áp lực. Trước hết họ phải chữa trị cho người thân. Giống như khi con em chúng ta gặp một căn bệnh nan giải, nan y nào đó, chúng ta sẽ thất vọng, bế tắc, rất khó khăn, căng thẳng, áp lực.
Sau đó, chữa trị bệnh trầm cảm không đơn giản như những căn bệnh khác. Bây giờ ung thư cũng có các loại thuốc chữa có tác dụng ngay lập tức.
Chữa bệnh này cũng đòi hỏi thời gian dài, khá mơ hồ. Quan niệm về bệnh lại chưa rõ. Trong những tình huống khó khăn, chúng ta không biết xử trí như thế nào... Đó là những khó khăn mà phụ huynh, gia đình người thân có người mắc bệnh trầm cảm phải đối mặt.
- Ở Việt Nam, bệnh trầm cảm có nằm trong xu hướng gia tăng của thế giới?
- Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
- Chị thấy nhận thức của xã hội về căn bệnh này ra sao?
- Tất nhiên là chưa ổn.
Để nâng cao nhận thức, trước hết chúng ta đừng sợ khi nói đến căn bệnh này. Thứ hai khi nói đến bệnh này chúng ta phải có những tài liệu chính thống.
Ví dụ khi có một em bé tự tử, chúng ta lập tức đổ lỗi cho gia đình. Tôi thấy điều đó cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta không hiểu quá trình bệnh diễn ra như thế nào. Như vậy, vô hình chung chúng ta đẩy người bệnh ra xa khỏi gia đình. Điều đó không có lợi cho bất cứ ai.
PGS TS Nguyễn Phương Hoa: Tiến sĩ Tâm lý học xã hội tại Đại học Tổng hợp Moscow, Thực tập sinh tâm lý học lâm sàng tại Trưởng Tâm lý học Thực hành Paris. Có 3 năm hợp tác hướng dẫn thực tập sinh người Pháp tại Việt Nam. Từ năm 1995-2001 là nghiên cứu viên, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam. Nguyễn Phương Hoa còn là cố vấn Beautiful Mind Việt Nam - một dự án phi lợi nhuận được ra đời nhằm mục đích cung cấp kiến thức tâm lý học lâm sàng, sức khỏe tâm lý, rối loạn tâm thần…
Khi mây đen kéo tới tổng hợp 30 câu chuyện mà PGS TS Nguyễn Phương Hoa ghi chép lại dưới dạng chia sẻ một người mẹ trong gần 4 năm kiên trì và dũng cảm đồng hành với con trai có bệnh trầm cảm. Mỗi câu chuyện đồng hành của người mẹ ấy với con trai được ghi lại với những ví dụ cụ thể, cách ứng xử trong từng tình huống, vấn đề, kinh nghiệm rút ra để mọi người có thể tham khảo.
Những thông tin trong sách cung cấp kiến thức một cách khoa học để không chỉ người trong cuộc, mà cả cộng đồng cũng nhận thức rõ hơn về căn bệnh này.