Cuốn sách 100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất của tác giả Quốc Việt vừa được Công ty Phương Nam và NXB Thế giới ấn hành tháng 6/2018. Sách chứa đựng nhiều thông tin thú vị về lịch sử của phi trường từng chứng kiến bao biến thiên thời cuộc.
Được sự đồng ý của Phương Nam, NXB Thế giới và tác giả Quốc Việt, Zing.vn trích đăng một số chương từ cuốn sách. Đoạn trích được lược bớt so với nội dung trong sách, các tiêu đề, đề mục được thay đổi trong quá trình biên tập.
Tình hình chống ngập từ thời Pháp
“Hồi chế độ cũ còn quản lý phi trường Sài Gòn, tôi đóng ở phi đoàn quân sự Biên Hòa, nhưng vẫn thường xuyên có việc về Tân Sơn Nhất. Sự thật là suốt từ nhỏ đến lúc được lái máy bay cất - hạ cánh ở phi trường lớn nhất miền Nam này, tôi chưa bao giờ thấy hay nghe có tình trạng ngập úng trầm trọng như hiện nay. Chắc chắn là hồi ấy không bao giờ có chuyện hoạt động bay ở Tân Sơn Nhất bị tạm dừng vì ngập nước.
Sau này, đến thời chính quyền cách mạng tiếp quản phi trường cũng không hề có tình trạng ngập úng quá nặng nề như vậy. Vấn đề này chỉ mới xảy ra gần đây…”, cựu Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, tâm sự.
Cuốn sách 100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất của tác giả Quốc Việt. |
Theo ông Trung cũng như các nhà nghiên cứu cao tuổi Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Đình Đầu, người Pháp khi chọn khu vực Tân Sơn Nhất đã khảo sát rất kỹ vùng đất gò cao này. Đặc biệt, nó lại được bao quanh bởi những con kênh rất dễ tiêu thoát nước và các ruộng vườn nông nghiệp của người dân chung quanh hấp thụ được nhiều lượng nước mưa…
Thời kỳ đầu, phi trường này mới rộng hơn 100ha. Hệ thống thoát nước chủ yếu còn là những con mương đào lộ thiên trong nội vi Tân Sơn Nhất. Ở phía Bắc, nước chảy thoát ra kênh Tham Lương. Phía Nam, nước thoát ra kênh Nhiêu Lộc. Phía Đông, nước hướng về rạch Thị Nghè…
Ông Trần Văn Bác, 81 tuổi, một cựu dân ở khu Lạc Quang, quận 12, kể gia đình miền Bắc vào Nam từ năm 1948 và trở thành chứng nhân cho sự đổi thay của phi trường Sài Gòn.
“Hồi ấy, chiến tranh bùng nổ rồi, nhưng chưa tàn bạo như sau này. Pháp cũng có rào dây kẽm gai, dựng bốt gác, gài mìn quanh vành đai bảo vệ Tân Sơn Nhất, nhưng vẫn còn rất nhiều bãi đất trống an toàn cho tụi nhỏ chúng tôi vào chơi. Từ phía đường Trường Chinh bây giờ băng thẳng vào hướng phi trường là các ruộng vườn trồng rau và đất để cỏ hoang mênh mông. Mùa nắng thì chúng tôi vào đấy bẫy chim, còn mùa mưa lại bắt cá rất nhiều trong các vũng đầm.
Nước từ gò cao trong nội khu Tân Sơn Nhất hướng chảy ra phía ngoài này. Ruộng vườn, đất cỏ hoang tiêu nước rất tốt. Làm gì có chuyện đường băng hay sân đậu máy bay bị ngập như hiện nay…”, ông Bác tâm sự.
Sau năm 1954, ngay khi được chuyển giao từ người Pháp, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý Tân Sơn Nhất và tiếp tục thực hiện các dự án nâng cấp hệ thống thoát nước tương ứng với sự mở rộng phi trường. Năm 1956, một dự án nới rộng cống thoát nước và làm cầu bắc qua cống trị giá hơn 3,4 triệu đồng đã được gọi thầu tư nhân thực hiện.
Không ảnh Tân Sơn Nhất năm 1968. Ảnh: Flickr. |
Liên tiếp những năm sau đó, các dự án nâng cấp đường băng hạng A cho máy bay phản lực hoạt động, mở rộng nhà ga, sân đỗ đều kèm theo các hạng mục tiêu thoát nước. Nha Căn cứ Hàng không lắp đặt cống ngầm để thoát nước hai bên đường băng. Nhưng các mương lộ thiên, trong đó có mương Nhật Bản vẫn tiếp tục được cải tạo cẩn thận. Người ta cho rằng ngoài mục đích thoát nước, các mương lộ thiên này còn có thể nhanh chóng biến thành công sự chắc chắn để quân phòng vệ ngăn chặn đối phương tấn công vào phi trường.
Chiến sự khốc liệt
Từ khoảng năm 1965, chiến sự miền Nam Việt Nam lên đến đỉnh điểm tàn khốc, gây thương vong nặng nề không chỉ cho binh sĩ hai phía mà cho cả thường dân. Các con kênh thoát nước phía ngoài phi trường như Nhiêu Lộc, Tham Lương cũng bị ảnh hưởng chiến tranh do người dân nông thôn tứ xứ đổ về đô thành tìm chốn trú an.
Họ “cắm dùi” tự phát hai bên bờ kênh, dựng cả nhà sàn trên mặt nước làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Tuy chưa thể gây ra tình trạng ngập lụt nặng nề cho Tân Sơn Nhất đến mức phải tạm dừng hoạt động bay, nhưng chính quyền Sài Gòn đã lưu ý giải quyết vấn đề này.
Tài liệu lưu trữ của tỉnh Gia Định cũ có một hồ sơ đặc biệt về phiên họp ngày 13/6/1968 với tiêu đề “Cứu xét hệ thống thoát nước phi trường Tân Sơn Nhất”.
Nội dung cuộc họp được ông Bửu Hạp, đại diện cho Nha Căn cứ Hàng không trình bày phi trường Tân Sơn Nhất từ trước đến nay có các hướng thoát nước chính ra kênh Tham Lương, rạch Nhiêu Lộc và Thị Nghè. Trước đây, hệ thống thoát nước điều hòa, nhưng hiện chỉ có hướng thoát nước phía Bắc ra kênh Tham Lương là dòng chảy tốt.
Hướng thoát phía Đông và phía Nam đã xuất hiện tình trạng úng thủy chưa nặng lắm, nhưng phải giải quyết sớm để đề phòng tình trạng trầm trọng thêm, gây ảnh hưởng đến hoạt động phi trường.
Nguyên nhân chính không phải trong nội vi phi trường mà là do đồng bào di tản chiến tranh đổ về khu vực này nhiều, xây cất nhà cửa tự phát chèn bít lên cống làm nước không có lối thoát. Một đoạn trong biên bản ghi rõ: “Trước kia, nước từ trong phi trường thoát ra bởi các mương lộ thiên dọc đường Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng nối dài qua Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh) đến Nguyễn Huệ và từ đây nước chảy ra ngã ba Cầu Cống. Nay các mương từ Nguyễn Huệ đến Xóm Búng cũng bị đồng bào cất choán lên nên nước bị nghẽn không có lối thoát gây cảnh ngập lụt trong phi trường”.
Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Gia Định đã triệu tập phiên họp ngày 4/4/1967, gồm các ty, sở liên hệ và đại diện cơ quan dân cử, đại diện đồng bào để tìm giải pháp. Các đại biểu đã đồng ý ưu tiên thứ nhất là giải tỏa những nhà cất trên rạch Nhiêu Lộc. Giai đoạn này đã thực hiện xong cơ bản từ ngày 12/4/1967 đến ngày 26/6/1967 với 145 căn nhà lấn chiếm kênh rạch bất hợp pháp bị giải tỏa.
Sau cuộc họp ngày 13/6/1968, các yêu cầu công việc chống ngập cho ngoại vi phi trường Tân Sơn Nhất đã được nhanh chóng thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ Công chánh, tỉnh Gia Định và các cơ quan khác như Nha Căn cứ Hàng không, quận Tân Bình… Đến năm 1969, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ, USAID, tiếp tục có dự án cấp ngân khoản nhằm nghiên cứu toàn bộ vấn đề cống rãnh tại Sài Gòn và Gia Định, gồm cả phi trường Tân Sơn Nhất.
Nhà ga phi trường Tân Sơn Nhất khoảng thập niên 1950. Ảnh tư liệu. |
Tuy nhiên, trong khi chờ USAID thực hiện, Bộ Công chánh Việt Nam Cộng hòa đã đề nghị thực hiện một chương trình khẩn cấp nhằm cải thiện hệ thống thoát nước tại hai khu vực bị ngập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất và Phú Thọ. Dự trù kinh phí là 110 triệu đồng và công việc được thực hiện trước mùa mưa năm 1969.
Trong tình hình USAID chưa kịp giải ngân, chính phủ triển khai trước với số tiền tạm trích ra 60 triệu đồng từ ngân sách quốc gia năm 1969 và 50 triệu đồng từ Quỹ đặc biệt. Toàn bộ gói tài chính này USAID sẽ giải ngân viện trợ sau, và nếu không đủ thì ngân sách quốc gia sẽ bỏ thêm.
Quản lý chặt xây dựng để chống ngập
Từ năm 1968, tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt và nhiều lần bùng nổ ngay trong nội đô làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống nhân dân lẫn các dự án đô thị của chính phủ, nhưng việc nâng cấp Tân Sơn Nhất vẫn được ráo riết thực hiện.
Trong đó, có các hạng mục chống ngập cho phi trường, mà chủ yếu là khu vực dân sinh phía ngoài, vì bên trong đã được xây dựng hoàn chỉnh và bảo trì rất tốt. Cựu phi công Nguyễn Thành Trung nhớ thời kỳ này chủ yếu là các lao công Hàn Quốc, Philippines chuyên trách vấn đề này. Công việc của họ chủ yếu là cắt cỏ, vớt rác và nạo vét bùn hệ thống thoát nước bên trong phi trường và phải làm liên tục quanh năm…
“Hồi ấy, mỗi ngày có cả trên dưới 2.000 chuyến bay dân sự, quân sự lên xuống phi trường này. Không thể nào có chuyện hoạt động bay bị ảnh hưởng vì ngập lụt do nước mưa úng ngập như hiện nay được”, ông Trung tâm sự.
Đặc biệt, các dự án xây dựng công trình bên trong phi trường dù là quân sự hay phục vụ hàng không dân sự đều được quản lý rất chặt chẽ. Nha Căn cứ Hàng không đề nghị xây dựng một công trình gì đó chiếm dụng mặt đất phi trường đều phải gửi lên Nha Hàng không Dân sự, Bộ Công chánh, tòa tỉnh Gia Định, Tư lệnh Không đoàn 33 đóng ở Tân Sơn Nhất và các cơ quan cố vấn, viện trợ Mỹ.
Diện tích tổng thể phi trường đã được quy hoạch rất chi tiết, phân khu quân sự, dân sự, khu dự trữ phát triển. Các công trình xây dựng tuyệt đối không được phép lấn chiếm, đặc biệt là trên hệ thống thoát nước của Tân Sơn Nhất như hiện nay.
Hí họa sân bay Tân Sơn Nhất ngập nước ngày nay. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Đặc biệt, ngay cả Bộ Quốc phòng Sài Gòn triển khai dự án cư xá sĩ quan không quân trên phần đất dự trữ của Tân Sơn Nhất (do Nha Cấp thủy, kiều lộ và Sài Gòn Thủy cục tạm giữ đất hoạt động. Nay là khu dân cư phía bên kia đường Trường Sơn đối diện nhà ga hàng hóa và hành khách Tân Sơn Nhất) cũng phải xin ý kiến đầy đủ của Nha Căn cứ Hàng không và Bộ Công chánh.
Ngày 1/7/1965, Tổng trưởng Công chánh Ngô Trọng Anh phúc đáp đây là khu đất dự trù để xây cất các cơ sở tương lai cần thiết cho việc khai thác phi trường. Về nguyên tắc, Bộ Công chánh đồng ý với đề nghị này sau khi đã có ý kiến của Phủ Chủ tịch Ủy Ban Hành pháp Trung ương.
Nhưng do đây là khu đất vốn của tư nhân được trưng thâu để mở mang phi trường mà đến lúc này vẫn chưa hoàn tất hết việc thanh toán, nên đề nghị Bộ Tư lệnh Không quân phải chú ý bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Không thể trả tiền cho dân với giá ấn định 30 đồng/m2 để lấy đất phục vụ lợi ích công cộng, sau đó cấp quyền sở hữu đầy đủ nhà và đất cho sĩ quan không quân có thể bán lại với giá cao hơn.
Thực hiện như vậy, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ và người dân dễ bị kích động. Bộ Công chánh đề nghị giải pháp là chính phủ cấp cho Hợp tác xã kiến ốc không quân thuê đất với giá tượng trưng. Hợp tác xã và các xã viên không quân chỉ có quyền sở hữu nhà mà không có quyền sở hữu đất để không thể bán lại đất cho ai.
Đồng thời, Bộ Công chánh và Nha Căn cứ Hàng không cũng lưu ý đặc biệt về việc xây dựng cư xá không quân này phải tuân thủ nghiêm ngặt bản đồ quy hoạch phi trường, không được phép làm ảnh hưởng đến đường sá giao thông, kho bãi, hệ thống thoát nước của Tân Sơn Nhất…