Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Nguyên Hồng ôm hôn người bên cạnh khi đội bóng mình thắng

Khi Nguyên Hồng xem bóng đá, tình huống gay cấn ông đứng lên hò hét, gặp pha hay thì mở cút rượu tự khà thỏa mãn, sẵn sàng ôm hôn người xa lạ bên cạnh khi đội mình thắng.

Nhắc đến nhà văn Nguyên Hồng người ta nghĩ ngay đến tiểu thuyết Bỉ vỏ và hồi ký Những ngày thơ ấu. Nhiều nhân vật của ông như Tám Bính, Năm Sài Gòn… đã từ trang sách đàng hoàng bước vào cuộc sống đời thường. Điều này tương tự với nhân vật Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng; Chí Phèo, Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Bên cạnh số lượng tác phẩm văn học đồ sộ, nhiều dấu ấn thì đời sống của nhà văn Nguyên Hồng cũng là một “tác phẩm” được nhiều người ghi nhớ. Trong số đó có niềm đam mê cuồng nhiệt với trái bóng tròn của nhà văn…

Bắt đầu với vị trí hậu vệ

Văn chương, rượu và bóng đá là ba niềm đam mê lớn của nhà văn Nguyên Hồng. Văn chương ta đã rõ. Rượu với ông là máu, là nước. Trong chuyến đi Tiệp Khắc, nhân một lần về thăm xí nghiệp ở vùng Bohemia, chuyên sản xuất pha lê mỹ nghệ, nổi tiếng với chiếc chao đèn cho nhà vua Phổ, bình hoa của nữ hoàng Anh…

Nguyen Hong va bong da anh 1
Nhà văn Nguyên Hồng từng tham gia đá bóng, khi không thể thành cầu thủ, ông trở thành cổ động viên cuồng nhiệt.

Nhà văn Nguyên Hồng đã được kết nạp, trở thành hội viên hội nghiện rượu của xí nghiệp sau khi vượt qua nhiều thử thách. Có thể kể đến như cạn một cốc vại rượu nặng rồi sau đó mở chai rượu mới rót đầy sáu li đặt trên máy quay tròn (dạng như máy quay đĩa ngày xưa) mà không làm rớt rượu ra ngoài.

Còn niềm đam mê bóng đá bắt đầu từ những ngày ông còn ở quê Nam Định. Ông từng là cầu thủ ở vị trí hậu vệ của một đội bóng nghiệp dư của lứa tuổi học trò. Trong những câu chuyện của ông sau này nhiều người còn nhận ra vẻ ngậm ngùi của ông khi không được theo “nghiệp” bóng. Vì cuộc sống mưu sinh đã cuốn ông đến thành phố cảng Hải Phòng, để ông sống, chia sẻ với tầng lớp lao động nghèo khổ. Rồi từ đó, cộng máu và nước mắt của mình viết nên những trang văn tạo nên tên tuổi Nguyên Hồng sau này.

Nếu ngày đó nhà văn ta theo nghiệp bóng thì biết đâu đấy nước Việt chẳng có một danh thủ Nguyên Hồng tài ba.

Đến cổ động viên trung thành

Một cổ động viên trung thành là một cổ động viên sống chết với đội bóng của mình. Dù đội bóng thắng thua hay khủng hoảng vẫn ở bên cạnh, vẫn cổ vũ hết mình, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Và nhà văn Nguyên Hồng hội tụ được tất cả những điều này.

Ông là cổ động viên trung thành của những đội bóng Hải Phòng. Tất cả cũng do ông yêu thành phố này quá. Trong hồi ức Một thời để mất nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã viết về nhà văn Nguyên Hồng thế này: “Nguyên Hồng thích thống kê các tên đất, tên nhà, tên phố Hải Phòng. Những tên Tây và những tên ta. Những Hotel de Commerce, những Ngõ Mộ Phu, Máy nước hai vòi, những Phọng Bớp, Trại lính, Cát dem, Sở thầu Tây cụt, Vườn hoa đưa người…”

Không yêu Hải Phòng đến máu thịt thì làm sao nhớ, điểm, hào hứng về những cái tên đến thế. Yêu mảnh đất, yêu bóng đá, hai thứ ấy trộn với nhau thành một tình yêu mãnh liệt, khó diễn tả bằng lời. Đến mức, gặp trẻ con đá bóng với nhau ông cũng dừng lại xem. Gặp được “pha” hay ông cười ngất, gật gù tán thưởng các cầu thủ nhí tương lai của Hải Phòng.

Trong hồi ức Nhà văn và bóng đá của Nguyễn Tùng Linh có viết về một chuyến thực tế ở tỉnh Hoàng Liên Sơn mà nhà văn Nguyên Hồng dẫn đầu. Ông đã vui đến viên mãn khi qua chiếc đài bán dẫn của mình biết đội Hải Phòng thắng đội Câu lạc bộ Quân đội 4-0. Và hôm sau ông tìm ra bưu điện huyện đánh về Hải Phòng bốn bức điện tín chúc mừng thắng lợi của trận bóng hôm trước. Một cho Thành ủy, một cho Sở Thể dục - Thể thao, một cho đội tuyển, một cho cầu thủ yêu thích Trần Hùng.

Cùng với Trần Hùng thì còn một cầu thủ của Hải Phòng ông yêu thích nữa là Nguyễn Danh Túc hồi những năm 50. Ông yêu đến mức sau trận đấu giữa Công an Hải Phòng đá với cảng Hải Phòng đã xuống sân mời Túc đi uống rượu, ăn thịt bò khô. Túc mệt không đi. Ông níu bằng được: “Hay ăn kem cốc? Ăn cốc kem cho nó mát. Cú tết tuyệt vời”. Tết ở đây là đánh đầu.

Nguyên Hồng có những thuật ngữ bóng đá của riêng mình như khi sáng tạo văn chương. Về kiến thức bóng đá ông cũng không thua ai khi có thể phân tích chiến thuật của từng đội trong từng trận, phẩm chất của mỗi cầu thủ như khi phân tích, mổ xẻ tác phẩm của mỗi nhà văn.

Nguyen Hong va bong da anh 2
Nguyên Hồng là cổ động viên trung thành của các đội bóng Hải Phòng cũng bởi ông yêu thành phố này quá. Ảnh minh họa: thành phố Hải Phòng trước đây của Võ An Ninh. 

Và với cầu thủ Nguyễn Danh Túc ông còn được nếm nhiều trái ngọt. Như khi đội tuyển Hải Phòng thắng đội bóng Bát Nhất (Trung Quốc) tỉ số 2-0, cả hai bàn thắng đều do Túc ghi. Nhưng cũng có những trái đắng. Mà trái đắng nhất là trận thua của tuyển Hải Phòng trước đội Algérie 6-1. Khi mà các cầu thủ Hải Phòng chỉ đứng đến vai cầu thủ bạn, chạy theo bóng cũng mệt, không đủ sức duy trì thể lực trong chín mươi phút thi đấu.

Nhà văn Nguyên Hồng ban đầu còn vin vào niềm tin vào kĩ thuật sẽ thắng được sức mạnh. Nhưng rồi khi những con số trên bảng tỉ số cứ nâng lên hai, ba… năm thì cái sự tin ấy cũng mất đi.

Và cổ động viên “láu cá”, đôi khi cực đoạn

Sự “láu cá” của Nguyên Hồng thể hiện ở chi tiết, khi ở Yên Thế xuống Hà Nội, nghe tin có trận đấu của cầu thủ con cưng Trần Hùng trên sân Hàng Đẫy, ông đến nhưng đã hết vé, ông vẫn điềm nhiên gửi xe, ôm cặp bản thảo đi đàng hoàng vào cửa chính.

Vừa bước, ông vừa phủ đầu cậu soát vé: “Tao là bố thằng Hùng đây”. Cậu soát vé mặt non choẹt nửa tin nửa ngờ nhưng không dám giữ lại, chỉ một phút băn khoăn, chần chừ ông đã có mặt ở khán đài cổ vũ cho đội nhà, cho cầu thủ ruột của mình.

Nguyen Hong va bong da anh 3
Tình yêu bóng đá của Nguyên Hồng được nhắc trong hồi ức văn học Một thời để mất.

Còn cái sự cực đoạn do yêu quá của ông như trong trận thua đậm Algérie, có lúc ông đã đứng lên và quát: “Nó đánh bằng tay đấy! Nó là chuyên đánh đầu bằng tay! Tết bằng tay đi Túc”. Khi được một người bạn đi cùng an ủi hài hước về việc “học tập đội bạn”. Nhà văn Nguyên Hồng đã lắc đầu: “Mình thua Algérie là đúng. Nhưng đậm quá. Thi đấu mà cứ thua mãi thì buồn lắm. Nhục lắm. Cứ 'học tập đội bạn' và 'tình hữu nghị đã thắng' thì thi đấu làm gì?".

Bóng đá, cút rượu, bộ quần áo nâu, trong tình huống gay cấn thì đứng lên hò hét, cổ vũ như mình đang đá trong sân. Khi gặp “pha” hay thì mở cút rượu làm một tợp rồi khà thỏa mãn. Sẵn sàng bình luận, ôm hôn người xa lạ bên cạnh khi đội bóng mình chiến thắng, đó là những gì nhận diện nhà văn Nguyên Hồng trong bóng đá.

Nhà văn sống đến kiệt cùng niềm say mê, để rồi văn chương, rượu, bóng đá hòa lẫn vào cũng chỉ là một mà thôi. Nhiều con người trong một con người mang tên Nguyên Hồng.  




Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm