Giữa các phiến dầm cầu Nhật Tân có tới 9 khe hở rộng từ 40 đến 80 cm, được phủ một lớp cao su dày co giãn và không bị ảnh hưởng bởi tác động của nhiệt và các yếu tố khác.
|
Cầu Nhật Tân (Hà Nội) khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015. Đây là cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay với số vốn đầu tư 6.700 tỷ đồng. Tổng cộng chiều dài khoảng 4,5 km, riêng phần vượt sông là 3,9 km.
|
|
Công trình áp dụng công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Tại điểm nối giữa các dầm cầu đều có khe hở kỹ thuật giống cầu dây văng Phú Mỹ, TP HCM. Tuy nhiên, cây cầu nối quận 2 với quận 7 của Sài Gòn các điểm nối được đặt kê khớp lên nhau, còn tại cầu Nhật Tân thì hai phần dầm được kê độc lập trên trụ bê tông chân cầu. |
|
Nhìn từ mặt ngược lại, khe hở rộng vừa cho một người đi lại trên mặt trụ. Tại điểm nối này còn có một hệ thống giàn giáo nối từ mặt đất ở gầm lên tới thành cầu và được bảo vệ bởi lưới an toàn và các vòng đai tròn quanh thang sắt. |
|
Đứng trên mặt cầu cũng có thể nhìn rõ được khe hở này.
|
|
Phía trên mặt đường, điểm nối giữa hai phiến dầm được phủ một lớp thép che kín khe hở với bề rộng khoảng 1,2 m, tạo thành mặt phẳng và không gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của các phương tiện.
|
|
Bản thiết kế cầu Nhật Tân cho thấy, chịu được động đất cấp 8, có 6 nhịp liên tục với 5 trụ tháp. Nhịp cầu chính 150 m + 4 x 300 m + 150 m = 1500m. Cầu dẫn là các nhịp dầm, mỗi nhịp dài 40 m. Mặt cắt ngang cầu chính dạng liên hợp thép - bê tông - cốt thép, cầu dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.
|
|
Các khe hở có thể nhìn xuyên qua khá rõ khi đứng từ xa, bề rộng 40-60 cm và được bịt một miếng sắt dày ở phía trên.
|
|
Từ phía dưới gầm cầu nhìn ngược lên, khe hở lộ rõ thành một đường dài hơn 30 m chạy ngang. |
|
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc ban quản lý cầu Nhật Tân cho hay, đối với các nhịp đặt cạnh nhau, tùy theo dạng kết cấu sẽ có chiều dài để giãn nhịp. Với các cầu nhịp lớn như cầu Phú Mỹ và cầu Nhật Tân, chiều dài để giãn nhiệt rất lớn.
|
|
"Các đầu dầm phải được tính toán sao đó để dưới sự tác động của nhiệt và các yếu tố khác không thể va chạm. Vì vậy, giữa các đầu dầm bao giờ cũng có một khoảng hở. Để đảm bảo giao thông đi lại trên mặt cầu và các kết cấu nhịp hoàn thành nhiệm vụ của nó người ta bố trí kết cấu khe co giãn", ông Minh khẳng định.
|
|
"Thanh thép mà chúng ta nhìn thấy là kết cấu để đỡ bánh xe khi đi qua các khoảng hở lớn – sử dụng dạng kết cấu khe co giãn. Khe co giãn có kích thước thay đổi phụ thuộc vào khoảng hở của các kết cấu. Đối với cầu Nhật Tân, phần nhịp chính là kết cấu lớn có độ co giãn nhiệt dài nên kết cấu khe co giãn lớn và tương đối phức tạp. Trong thiết kế của cầu Nhật Tân ở 24 độ C, khe hở là 75 cm, khe co giãn có bề rộng lớn hơn khe hở. Đối với nhiệt độ tối đa của Hà Nội trên bề mặt bê tông. Khi thiết kế, chúng tôi đã có biểu đồ nhiệt để đảm bảo cầu hoạt động an toàn. Ngoài ra, cầu Nhật Tân là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp có 5 trụ tháp. Tổng chiều dài liên nhịp là 1500 m nên khe co giãn sẽ to hơn khe co giãn của cầu khác", ông Minh nói.
|
|
Tại đầu cầu ở bờ Bắc, bề mặt đoạn hở được phủ một hệ thống ngàm răng cưa so le nhau, hoàn toàn khác với các vị trí còn lại. Trong đợt nắng nóng đỉnh điểm, tháng 5, 6 vừa qua các khe co giãn vẫn đảm bảo công năng, thiết kế ban đầu.
|
|
Ông Nguyễn Lê Minh khẳng định, cầu Nhật Tân được xây dựng dựa trên thiết kế tuân thủ các quy trình quy định của nhà nước và các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan. Việc thi công và lắp đặt các khe co giãn đảm bảo các yêu cầu thiết kế đề ra. Hiện tại các khe co giãn vận hành đúng yêu cầu kỹ thuật đặt ra, đảm bảo các công năng.
|
|
Hình ảnh thời điểm thi công lắp đặt khe co giãn giữa các phiến dầm cầu Nhật Tân. Ảnh: BQL dự án cầu Nhật Tân cung cấp.
|
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh chụp khe hở giữa các phiến dầm trên cây cầu Phú Mỹ (TP HCM) kèm theo những lời bình không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Phú Mỹ - đơn vị xây dựng và quản lý khai thác cầu Phú Mỹ phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm tra kết cấu của cầu.
Trên thực tế, khoảng hở này được thiết kế để tạo sự co giãn cho kết cấu của cầu nhằm tránh gây nứt mặt bê tông do ảnh hưởng từ nhiệt độ, môi trường thay đổi, sinh ra quá trình bê tông giãn nở.
Sau khi kiểm tra, các đơn vị cho biết khoảng hở trên vẫn không thay đổi so với thiết kế trước đó và hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn của công trình.