Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khát vọng đóng góp giải pháp cho tiền số quốc gia của kỹ sư Viettel

Các kỹ sư của Viettel mong muốn phát triển công nghệ mới về tiền điện tử, từ đó góp phần tạo thay đổi tích cực cho nền tài chính quốc gia.

Nắm bắt xu thế phát triển đồng tiền số quốc gia (CBDC) mà nhiều nước đang thực hiện, các kỹ sư trẻ của Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (VDS), thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nỗ lực nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề này.

Góp tiếng nói Việt Nam trong lĩnh vực tài chính số thế giới

Tại Việt Nam, theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng, thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ blockchain.

Theo kỹ sư Nguyễn Thùy Linh, Phòng Công nghệ tiền số, Trung tâm công nghệ của VDS, những năm qua công nghệ cho tiền số đã được Viettel nghiên cứu. “Từ 2017 đến nay, các giải pháp về tài chính số đã được chúng tôi xử lý khi phát triển các sản phẩm như ViettelPay, ViettelMoney”, Linh cho biết.

Tong cong ty Dich vu so Viettel anh 1

Thùy Linh là đại diện Việt Nam duy nhất tham gia nhóm dự án thanh toán số và thương mại số tại trụ sở Trung tâm chuyển đổi công nghiệp 4.0 WEF (Mỹ).

Tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính, Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và tài chính số, Thùy Linh hiện là một trong những chuyên gia cao cấp về công nghệ tiền điện tử. Cô vừa trải qua một năm làm việc tại Diễn đàn Kinh tế giới (WEF).

Linh cho hay các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao việc Việt Nam sử dụng hạ tầng viễn thông để vận hành một ngân hàng số như Viettel Money. “Không chỉ đột phá về công nghệ, sản phẩm, Viettel Money còn có ý nghĩa lớn trong phát triển tài chính toàn diện tới mọi người dân. Điều này rất mới cả ở Việt Nam cũng như thế giới”, Linh nói.

Trở lại Việt Nam, Linh đề xuất dự án nghiên cứu công nghệ CBDC từ khuyến nghị của WEF về thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới. Sau nhiều vòng bảo vệ, dự án công nghệ CBDC “chưa từng có tiền lệ” được lãnh đạo Viettel chấp thuận triển khai.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ VDS Hoàng Đại Huỳnh, CBDC là vấn đề mới nhưng đã trở thành xu hướng ở nhiều nước, có tiềm năng ứng dụng cao. “Hiện NHNN đang chủ trì nghiên cứu, xây dựng, thí điểm sử dụng tiền điện tử. Viettel với thế mạnh về công nghệ đã chủ động phát triển các nền tảng, sẵn sàng đóng góp tri thức, giải pháp khi được yêu cầu”, ông Huỳnh nói.

Điều thú vị là đội ngũ phát triển công nghệ CBDC của Viettel hầu hết là Gen Z. “Tin tưởng, giao việc khó cho đội ngũ trẻ là một điểm khác biệt và cũng là sức hút của Viettel”, Linh nói.

Mong bà con vùng sâu vùng xa cũng có thể tiếp cận dịch vụ

Với nữ kỹ sư Đinh Ngọc Hà (1991), dự án CBDC với nhiều bài toán “rất phức tạp, rất lớn” tạo ra “không gian sáng tạo vô tận”. Hà cho biết triển khai nhóm CBDC cũng vấp nhiều vấn đề chưa có quy định mà ngay các chuyên gia tài chính đầu ngành VDS tham vấn cũng thấy vướng. Cách làm của nhóm là sáng tạo các đề xuất mới.

“Chúng tôi nghĩ cần chủ động thử nghiệm những gì chưa có tiền lệ. Nếu thành công, đó có thể là cơ sở để cơ quan chức năng tham khảo khi làm luật. Trong dự án sandbox về mobile money trước đây, VDS từng đề xuất nhiều chính sách mới và được các cơ quan tiếp thu, sử dụng”, Ngọc Hà chia sẻ.

Tong cong ty Dich vu so Viettel anh 2

Đội ngũ phát triển dự án công nghệ CBDC của Viettel hầu hết là Gen Z.

Gia nhập Viettel sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, kỹ sư Trần Lê Hoàng (1999) là một trong những thành viên trẻ nhất dự án. Bắt nhịp nhanh với công việc, Hoàng cho biết Viettel có môi trường lý tưởng cho nghiên cứu công nghệ mới.

“Chúng tôi có thuận lợi là không có giới hạn nào. Đội ngũ có thể tham khảo tất cả dự án CBDC các nước đang thử nghiệm từ e-Krona (Thụy Điển) đến e-CNY (Trung Quốc). Tất cả giải pháp công nghệ tương ứng khung pháp lý, thể chế… đều được nghiên cứu kỹ để tìm ra ứng dụng phù hợp bối cảnh Việt Nam”, Hoàng chia sẻ.

Theo ông Đại Huỳnh, CBDC hướng tới sử dụng công nghệ để tạo ra phiên bản số của đồng tiền quốc gia, do vậy khi áp dụng sẽ tạo ra thay đổi lớn đến tài chính quốc gia. Mục tiêu Viettel đặt ra là hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, nơi không có Internet vẫn có thể dùng dịch vụ.

Thùy Linh cho biết CBDC đòi hỏi sự kết hợp của nhiều công nghệ lõi phức tạp, từ bảo mật phần cứng, phần mềm, truyền dẫn dữ liệu, giao tiếp giữa các thiết bị… Do vậy, để phát triển CBDC rất cần sự hợp tác công - tư, kết hợp giữa cơ quan chức năng với tổ chức tài chính - thanh toán. “Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng độ phổ cập cho người dân, kể cả người chưa được tiếp cận tài chính chính thức, chưa có tài khoản ngân hàng”, Linh chia sẻ.

Theo các chuyên gia Viettel, chặng đường đi đến CBDC của Việt Nam có thể còn dài. Trung Quốc triển khai CBDC từ 2014 nhưng mới thử nghiệm ở 4 thành phố lớn. Các nước châu Âu cũng đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên nhờ đi sau mà Việt Nam có cơ hội kế thừa kinh nghiệm thế giới.

Với những nền tảng đang được xây dựng, Linh khẳng định Viettel đủ năng lực tư vấn, hỗ trợ về công nghệ để các cơ quan chức năng triển khai ứng dụng. “Điều quan trọng nhất, chúng tôi đã nhìn thấy con đường cần phải đi như thế nào”, nữ kỹ sư Viettel tự tin.

Thái Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm