Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khát bằng đại học, dân Hàn đua nhau gặp pháp sư

Mỗi năm hàng chục nghìn bậc phụ huynh tại Hàn Quốc nhờ pháp sư bày cách để con họ có thể vào những trường đại học mà chúng mơ ước.

Byun Mi-kyong ngồi im, đặt hai tay trong vạt váy khi bà lắng nghe từng lời mà pháp sư nói. Nhưng người phụ nữ trung niên gặp pháp sư không phải để xem tình duyên, vận hạn hay tương lai của bản thân. Bà đang yêu cầu pháp sư nói về cơ hội vào đại học của cô con gái, Reuters đưa tin.

Pháp sư Choi Kuing-hun đang xem triển vọng học hành cho con của một phụ huynh tại Seongnam, một thành phố tiếp giáp thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Ở Hàn Quốc, một tấm bằng đại học là điều kiện cần thiết để xây dựng sự nghiệp thành công. Đối mặt với những kỳ thi cực kỳ căng thẳng để vào trường đại học, nhiều học sinh cảm thấy tuyệt vọng nếu họ không giành nổi một suất trong trường đại học nào đó. Thậm chí nhiều học sinh đã tự sát để thoát khỏi tâm trạng chán nản.

Quá lo lắng cho tương lai của con, nhiều bậc phụ huynh xứ Hàn tìm tới các pháp sư để nhận những lời khuyên về cách giúp con họ học hiệu quả hơn. Nhưng Byun còn tiến xa hơn thế. Bà muốn tìm ra biện pháp để con gái có thể vào ngành thời thượng trong một trường đại học sáng giá.

Vì thế mà vào một ngày oi bức trong mùa hè, Byun tới nhà một pháp sư ở Seongnam, một thành phố tiếp giáp thủ đô Seoul. Bà cung cấp tên và ngày sinh của con gái cho pháp sư. Sau đó bà ngồi bên cạnh một bàn nhỏ, trong khi pháp sư lật một cuốn sách và nói về triển vọng của con gái bà bằng giọng rất khẽ.

Đúng như sự mong đợi của Byun, pháp sư nói rằng con gái bà sẽ vào trường đại học mà bà mơ ước. Khả năng này sẽ cao hơn nữa đối với những người có tên với các chữ cái đầu là J, D hoặc K. Con gái bà, một thiếu nữ 19 tuổi, muốn học nghề y tá tại Đại học Chung-Ang.

“Tôi không thể dốc hết bầu tâm sự với ai về ước mơ của con gái, nhưng tôi lại có thể nói chuyện thẳng thắn với ông ấy về suy nghĩ của tôi. Đó là một sự trợ giúp to lớn về tinh thần đối với tôi”, Buyn phát biểu sau khi lắng nghe pháp sư trong 10 phút.

Những pháp sư nói rằng các khách hàng thường trả 50 tới 100 nghìn won (45 tới 90 USD) mỗi giờ để nghe lời khuyên của họ về triển vọng học hành và nghề nghiệp của con cái. Nhiề người làm theo lời khuyên của pháp sư một cách nghiêm túc.

“Nếu tôi đưa ra lời khuyên cho phụ huynh, họ luôn thực hiện răm rắp”, Choi Kuing-hun, một pháp sư từng giữ vị trí giáo sư trong trường đại học, kể.

Quang cảnh bên trong phòng làm việc của pháp sư Choi Kuing-hun. Ảnh: Reuters.

Pháp sư thường đưa ra lời khuyên dựa trên số phận. Họ nói số phận của một người được tạo nên từ 4 yếu tố quan trọng nhất trong đời: năm, tháng, ngày và giờ mà con người chào đời. Người dân Hàn tin rằng 4 yếu tố đó có thể quyết định việc ai đó trúng tuyển vào đại học hay không.

Tới 600.000 học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học mỗi năm và họ chuẩn bị rất kỹ cho kỳ thi. Cảnh tượng thiếu niên học thêm nhiều giờ trong các lớp đông đúc đã trở nên phổ biến tại Hàn Quốc.

Nhưng áp lực của các kỳ thi đại học đã gây nên hậu quả nghiêm trọng. Số liệu của chính phủ cho thấy gần 40% thiếu niên từng có ý định tự sát vì thi trượt đại học.

Song Byung-chang, một pháp sư, đã tư vấn gần 16.000 người trong vòng 19 năm qua về vấn đề học hành và sự nghiệp. Theo ông, phụ huynh muốn gặp pháp sư bởi may mắn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thi cử ở Hàn Quốc và lời khuyên của pháp sư có thể giúp các gia đình giảm thiểu nguy cơ thất bại của con cái.

“Nếu tôi phải tham dự một sự kiện ngoài trời vào tuần tới, chắc chắn tôi phải xem dự báo thời tiết. Bói toán cũng giống như vậy”, Song bình luận.

Kim Do-kyung, một người mẹ, đã chuẩn bị cho kỳ thi đại học của con ngay từ bây giờ, dù con trai của cô mới 13 tuổi. Cô hỏi Song về những môn mà con trai học khá nhất. Theo Song, cô tìm tới Song vì nhiều phụ huynh khác nói ông phán rất chuẩn.

“Rất nhiều cha, mẹ tới đây nhờ sự mách bảo của người khác. Một số bà mẹ khẳng định con của họ học khá hơn dự kiến sau khi họ làm theo lời thầy Song”, cô Kim nói.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm