Làm dáng bên cạnh ô cửa sổ lâu đài Pháp, má cô dâu tương lai ửng hồng trong ánh nắng chiều trong khi nàng nhìn vị hôn phu. Thế nhưng, khoảnh khắc như trong chuyện cổ tích của cặp tình nhân này lại không diễn ra ở một toà lâu đài cổ trên đất Pháp.
Cặp tình nhân này thuộc tầng lớp giới trẻ nhà giàu, mê mẩn các siêu sao Hàn Quốc như Bi Rain. Tình yêu thần tượng của họ lớn tới mức họ đam mê tất cả những thứ dính dáng tới Hàn Quốc. Thậm chí họ sẵn sàng bay sang Seoul vào cuối tuần để chụp ảnh cưới.
Ngành du lịch Hàn Quốc kiếm bộn từ các du khách Trung Quốc, đặc biệt là ngành công nghiệp cưới với trị giá lên tới 15 tỷ USD mỗi năm. Các cặp tình nhân trẻ ở Trung Quốc bỏ ra hàng nghìn USD cho một bộ ảnh ở xứ Hàn.
Thế nhưng, điều thu hút các cặp giàu có ở Trung Quốc không phải là lâu đài cổ ở Seoul hay món ăn cay xè mà là phong cách thành thị tinh tế, hiện thân của nó là Gangnam, một quận của Seoul nổi tiếng nhờ bài hát Gangnam Style. Các nhãn hàng mỹ phẩm nổi tiếng, càng củng cố thêm hình ảnh đó.
"Phong cách Hàn tinh tế và đẹp hơn Trung Quốc nhiều. Chúng tôi tới đây vì Hàn Quốc vượt xa mọi nơi về thời trang và trang điểm", cô dâu tương lai Yang Candi nói trong khi được quấn tóc.
Ngành du lịch ước tính mỗi người trong số 2,5 triệu du khách Trung Quốc chi khoảng 2.150 USD ở Hàn Quốc trong năm 2012, nhiều hơn mọi du khách nước ngoài khác. Các công ty tổ chức cưới như iWedding kiếm bộn nhờ xu hướng mới này.
Trong khoảng hơn một năm nay, mỗi tháng iWedding chụp ảnh cho khoảng 50-60 cặp Trung Quốc. Đối thủ của họ Design Wedding gần đây bắt tay với công ty ở Thượng Hải và chụp ảnh cho hơn 50 cặp kể từ tháng 5. Chuka Club, một công ty đám cưới khác, cho biết, họ có khách hàng Trung Quốc dù không quảng cáo trên mạng.
'Dân Trung Quốc mê mẩn Hàn Quốc vì vẻ đẹp và phong cách đô thị tinh tế", Song Sung-uk, giáo sư chuyên nghiên cứu về văn hoá Hàn Quốc đương đại ở Catholics University tại Seoul, cho hay. "Thay vì tới thăm những danh thắng hoặc mua đồ cổ, họ đến Gangnam để sắm đồ trong các trung tâm thương mại sầm uất".
Song cho hay, Hàn Quốc là biểu tượng cho một cuộc sống tươi đẹp mà giới trung lưu Trung Quốc mơ ước. Văn hoá đương đại Hàn Quốc đóng một vai trò không nhỏ.
"Tôi luôn muốn tới đây, đặc biệt là sau khi xem phim truyền hình Hàn Quốc", chú rể tương lai Chen Jingjing tâm sự. Mặt anh vừa được bôi kem trang điểm còn lông mày được tỉa gọn.
Chen nói vợ chồng anh rất hào hứng với bộ ảnh cưới mô phỏng cuộc sống nhung lụa của các sao xứ Hàn. Khi về nước, anh chắc chắn sẽ khoe khoang với họ hàng và bạn bè.
Sau gần ba giờ trang điểm và làm tóc, Chen và Yang mặc bộ đồ cưới màu trắng và đi tới tiệm chụp ảnh gần đó. Tại đây, họ sẽ đứng làm mẫu trong khoảng 8 tiếng với đủ các tư thế. Bối cảnh sau lưng họ là các con đường sỏi đá giống như châu Âu, vốn được dân Trung Quốc và Hàn Quốc ưa thích. Một thợ chụp ảnh sẽ hướng dẫn họ tạo thế đứng suốt 8 tiếng còn nhiều người khác chỉnh tóc hay trang phục của cô dâu và chú rể.
Những bức ảnh sẽ xuất hiện trong một album bọc da. Cả gói bao gồm chụp ảnh, album, đi lại, trang điểm và khách sạn tiêu tốn từ 2.000 USD tới 4.000 USD.
Yu Mi-ra, nhân viên biết tiếng Trung của iWedding, cho hay các cặp nhà giàu Trung Quốc chọn Hàn Quốc vì chất lượng ảnh đẹp và dịch vụ trang điểm tốt hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải tất cả các mong đợi đều được đáp ứng.
Phần lớn thời gian làm mẫu, Chen và Yang tỏ ra hài lòng với dịch vụ mà họ nhận được. Cặp tình nhân mỉm cười khi thợ ảnh cố nói vài từ tiếng Trung trong lúc họ tạo tư thế như các ngôi sao trước mặt paparazzi đi dự lễ thảm đỏ. Thế nhưng sau 6 tiếng, nụ cười của Yang tắt dần. Cô không vui khi nhìn thấy ảnh mình.
"Gò má của tôi cứ nhô ra. Tôi từ Trung Quốc tới đây để chụp ảnh cho đẹp nhưng những bức này thường quá. Tôi hơi thất vọng", Yang nói sau khi nhìn ảnh trên máy ảnh.
Cuối cùng phiên dịch viên Hàn Quốc của Yang cũng thuyết phục được cô làm mẫu tiếp. Yang một lần nữa chớp đôi mi giả và cười trước ống kính. Cuối ngày, cô có vẻ vui hơn.
"Ai cũng đều dễ thương cả. Chắc họ cũng cảm thấy mệt lắm", cô nói.