Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khan hiếm dịch giả giỏi

Chúng ta có nhiều dịch giả nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu dịch thuật của thị trường. Dịch giả giỏi thường tuổi đã cao, còn lớp trẻ giỏi ngoại ngữ nhưng đôi khi yếu tiếng Việt.

“Nhập siêu” trong xuất bản, ở một khía cạnh nào đó, có thể xem là mặt tích cực khi độc giả trong nước có cơ hội được tiếp cận những ấn phẩm có giá trị trên thế giới. Ngoài ra, đây cũng có thể xem là “vùng đất tiềm năng” cho những ai làm nghề dịch sách. Có điều, thực tế không hoàn toàn là màu hồng.

Thieu dich gia gioi anh 1

Một buổi giao lưu về dịch thuật tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

Chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Chia sẻ tại tọa đàm “Hiện trạng và tầm quan trọng của công việc biên dịch đối với sự phát triển toàn diện và hội nhập của Việt Nam” mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, cho biết trong 10 năm qua, số lượng xuất bản phẩm ở Việt Nam cũng như thói quen, nhu cầu đọc sách của người Việt ngày càng tăng.

Trong 59 NXB và hàng trăm công ty sách, nhiều công ty, NXB có số lượng sách dịch chiếm hơn 50%; thậm chí có đơn vị có sách dịch chiếm tới 80%.

Điều này cho thấy nhu cầu tiếp nhận sách ngoại văn của độc giả rất nhiều. Qua đó, chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của đội ngũ dịch giả trong việc chuyển ngữ sang tiếng Việt các ấn phẩm nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nam chỉ ra một thực tế của đội ngũ dịch giả trong nước, đó là vừa thừa, vừa thiếu. Thừa ở chỗ ngày nay có nhiều trường đào tạo biên dịch và năng lực ngoại ngữ của các bạn trẻ ngày càng tăng. Nhiều bạn trẻ cũng muốn thử sức với dịch thuật nên đội ngũ dịch giả trẻ ra đời nhiều hơn trước đây.

Nhiều dịch giả nhưng lại chưa đáp ứng nhu cầu dịch thuật của thị trường. Cụ thể, nhiều mảng đề tài cần đến dịch giả phù hợp lại không có, đặc biệt là thể loại sách khoa học, sách chuyên ngành.

“Tôi cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, cần phải cung cấp nhiều cuốn sách khoa học hay sách kiến thức chuyên ngành để các bạn trẻ có nền tảng kiến thức, góp phần xây dựng đất nước sau này, nhưng đội ngũ dịch giả đó lại không có nhiều”, ông Nam bày tỏ.

Ngoài ra, cũng theo ông Thành Nam, tình trạng thừa và thiếu còn thể hiện giữa các loại ngôn ngữ với nhau. Trong khi tiếng Anh gần như chiếm ưu thế, những ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungary… tìm được dịch giả không phải dễ.

Ông Nam lấy dẫn chứng ở NXB Trẻ: Trong 400 đầu sách mới xuất bản mỗi năm (trong tổng số 1.500 đầu sách), khoảng 50% là sách dịch. Trong số lượng sách dịch đó, 70% là từ ngôn ngữ tiếng Anh, 20% là sách tiếng Nhật, Hàn, Pháp, Nga, Ba Lan…

Vừa là dịch giả vừa là biên tập viên, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, Phó giám đốc Công ty sách Nhã Nam (chi nhánh TP.HCM), có điều kiện tiếp xúc bản dịch của nhiều thế hệ, nhiều thể loại khác nhau.

Một mặt thừa nhận thực tế như ông Nguyễn Thành Nam đã chỉ ra, nhưng đồng thời, ông Cao Đăng cũng mang đến một thực tế “vừa thừa, vừa thiếu” khác.

“Phần lớn dịch giả giỏi mà cá nhân tôi tiếp xúc đều thuộc thế hệ trước. Đó là một điều đáng lo vì các bác, các cụ không còn nhiều thời gian, trong khi thế hệ kế thừa rất mỏng”, ông Đăng cho biết.

Mặc dù vậy, theo quan sát của ông Đăng, những dịch giả thuộc thế hệ trẻ, chủ yếu là 8X, vừa có nền tảng về mặt ngôn ngữ và tri thức, vừa có sự đam mê và nghiêm túc với nghề như An Lý, Nham Hoa...

“Tôi đánh giá cao các bạn đó và có thể cho chúng ta chờ đợi trong khoảng 10 đến 20 năm tới, sẽ là hậu duệ xứng đáng của các cụ đi trước. Nhưng điều đáng buồn là số lượng đó còn ít”, ông Đăng nói.

Thieu dich gia gioi anh 2

Con sẻ vàng - tác phẩm dịch của An Lý, một trong những dịch giả trẻ được đánh giá cao hiện nay. Ảnh: Trạm Đọc.

Giỏi ngoại ngữ nhưng kém tiếng Việt

Từ kinh nghiệm làm việc với các các công ty, tổ chức dịch thuật, mặc dù đã “chọn mặt gửi vàng”, bà Trần Thị Khuyên, Phó giám đốc Alpha Books, cho biết vẫn bị vướng mắc bởi chất lượng dịch thuật.

Theo bà Khuyên, một số “dịch giả” chia nhỏ, cắt đoạn bản thảo rồi giao cho nhóm biên dịch làm việc và ráp nối lại thành phẩm; sau đó giao cho công ty sách mà không hề đọc lại bản dịch.

Chia sẻ của bà Trần Thị Khuyên không làm nhiều người ngạc nhiên, bởi thực tế đã có một số “thảm họa dịch thuật” gây không ít sửng sốt.

Đặc biệt, thời gian gần đây, chất lượng dịch thuật đang là vấn đề khiến độc giả băn khoăn. Có những ấn phẩm được dịch một cách cẩu thả, hay có bản dịch chất lượng… tương đương công cụ dịch của Google, câu cú lộn xộn, ý tứ mập mờ.

Tuy vậy, theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, ngoài những lỗi về tiếng Anh, có thêm một thực tế đầy tréo ngoe, thậm chí đến mức báo động: Nhiều bạn trẻ có ngoại ngữ rất tốt nhưng kém tiếng Việt. Lỗi này không riêng các bạn du học về mà kể cả người đang học trong nước.

“Cái sự nghèo nàn tiếng Việt của một thế hệ dịch giả trẻ là vấn đề lớn, đương nhiên cũng có một số bạn ý thức được điều đó. Nhưng từ chỗ ý thức cho đến tự mình đào luyện, hoàn thiện, tự mình cải thiện dần năng lực tiếng Việt là cả một vấn đề”, ông Đăng bày tỏ.

Chất lượng dịch thuật kém có một nguyên nhân không nhỏ đến từ thù lao cho dịch giả. Một dịch giả cho biết thù lao dịch thuật phổ biến 40.000-70.000 đồng/trang in (theo sách gốc). Như vậy, tính ra nhuận bút cho một cuốn sách dịch khoảng 10-15 triệu đồng.

Trong khi đó, để hoàn thành một cuốn sách, dịch giả phải mất từ 3-6 tháng. Với thời gian đó, số tiền kia thực sự không thấm vào đâu!

Bà Trần Thị Khuyên thừa nhận thực tế này và cho rằng phần lớn đơn vị xuất bản không thể trả mức nhuận dịch quá cao do những sự ràng buộc về chi phí sản xuất.

Dương Tường dịch 'Truyện Kiều' để tri ân tiếng Việt

Là tên tuổi dịch thuật nổi tiếng, chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn chương thế giới, tới khi gần 90 tuổi, Dương Tường dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Anh để tri ân tiếng mẹ đẻ.

https://www.sggp.org.vn/khan-hiem-dich-gia-gioi-679781.html

Theo Quỳnh Yên / Sài Gòn Giải Phóng

Bạn có thể quan tâm