Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khám phá radium làm cho liệu pháp xạ trị trở nên khả thi

Chiết xuất radium từ uraninit là công việc khó khăn. Làm việc trong điều kiện thô sơ, vợ chồng Curie xử lý hàng tấn hắc ín, đá đen bằng hóa chất để thu vài miligam radium clorua.

Marie và Pierre Curie sống hết lòng vì nhau, vì con cái cũng như vì khoa học. Tranh trong sách.

Năm 1891, Marie Sklodowska đến Paris ở tuổi 23. Bà có thành tích học rất tốt ở Ba Lan và làm gia sư trong suốt tám năm để tích cóp tiền sang Pháp, theo đuổi ngành khoa học Vật lý và Toán học tại trường đại học Sorbonne ở Paris.

Đến năm 1894, Marie đã lấy được bằng đại học. Một chuyện quan trọng khác xảy ra trong năm đó: Bà gặp giáo sư Pierre Curie. Năm 1895, họ kết hôn, tạo thành một trong những cặp đôi giúp ích rất nhiều cho ngành khoa học.

Marie quyết định nghiên cứu bức xạ uranium do Henri Becquerel phát hiện. Bà nghiên cứu về uraninit, một khoáng chất chứa uranium và phát hiện nó tạo ra nhiều bức xạ hơn uranium nguyên chất. Rõ ràng là so với uranium, loại quặng này chứa một thứ “có nhiều phóng xạ” hơn, như cách bà gọi.

Cùng với Pierre, bà đã hòa tan uraninit trong hóa chất để tạo thành các hợp chất mà họ có thể phân tách. Công việc tạm dừng vào năm 1897 vì sự ra đời của con gái đầu lòng.

Mùa hè năm 1898, vợ chồng Curie tìm thấy một nguyên tố phóng xạ mới, polonium, nhưng vẫn còn nhiều phóng xạ chưa rõ nguồn. Nguồn này phải có tính phóng xạ rất cao. Mặc dù chưa phân lập được nó, nhưng họ đã đặt tên cho nó là radium và thông báo khám phá của họ vào tháng 12.

Sau bốn năm làm việc liên tục, Marie chỉ sản xuất được một phần mười gam radium clorua nguyên chất. Bà trở thành tiến sĩ khoa học - người phụ nữ đầu tiên ở châu Âu nhận được vinh dự này - đến năm 1903, bà cùng Pierre và Becquerel chia sẻ giải Nobel Vật lý.

Kham pha radium anh 1

Buồng ion hóa do Pierre Curie chế tạo. Ảnh trong sách.

Là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel, Marie trở nên nổi tiếng. Bà và chồng đều có được những công việc hàng đầu. Năm 1904, vợ chồng Curie có thêm một con gái. Hai năm sau, bi kịch ập đến. Pierre bị một chiếc xe tải chạy quá tốc độ đâm phải và qua đời. Marie phải đảm nhận vị trí giáo sư của Pierre tại Sorbonne - cũng là “lần đầu tiên” đối với nữ giới - và tự mình thực hiện nghiên cứu.

Với sự giúp đỡ của một đồng nghiệp, cuối cùng bà đã sản xuất ra radium tinh khiết vào năm 1910. Năm sau, bà nhận được giải Nobel thứ hai. Lần này, không còn ai chia sẻ giải thưởng với bà nữa.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, hoạt động nghiên cứu của Marie chững lại. Sau chiến tranh, bà đi du lịch khắp thế giới, sử dụng danh tiếng để thúc đẩy việc sử dụng khám phá mới tuyệt vời của mình. Các bác sĩ đã phát hiện ra rằng radium, nguồn bức xạ mạnh nhất được biết đến, có thể dùng để điều trị ung thư. Marie Curie đã giúp liệu pháp xạ trị thành hiện thực.

Mặc dù ngày nay radium ít được sử dụng cho mục đích này, nhưng nó vẫn nhắc chúng ta nhớ về một người phụ nữ xuất chúng.

Roger Bridgman / Zenbooks và NXB Dân trí

SÁCH HAY