Nghệ thuật luôn hiện hữu trong đời sống của chúng ta, vừa lạ lẫm vừa lôi cuốn. Một số cuốn sách viết về lịch sử nghệ thuật tái hiện dòng chảy hội họa, điêu khắc trong tiến trình phát triển văn minh nhân loại, đồng thời cung cấp kiến thức về loại hình này.
Sách Câu chuyện nghệ thuật. Ảnh: Minh Phương. |
Câu chuyện nghệ thuật
Cuốn sách của E. H. Gombrich thường được nhắc tới khi nói về dòng sách phổ cập tri thức nghệ thuật. Tác phẩm được ví như tấm bản đồ cho những ai muốn bước chân vào khám phá vùng đất hội họa. Với dung lượng 700 trang khổ lớn, tác phẩm giúp người ngoại đạo thấy được đường hướng phát triển của nghệ thuật.
Tác giả kể câu chuyện từ thời tiền sử, nguyên thủy, qua nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, tới các ngã rẽ nghệ thuật và khép lại ở nghệ thuật thử nghiệm thế kỷ XX. Thông qua hình ảnh từ các tác phẩm được minh họa trong sách, người đọc biết thêm về bối cảnh, bút pháp của các nghệ sĩ kỳ cựu trên thế giới.
Khi kể lịch sử nghệ thuật, Gombrich chủ trương hạn chế sử dụng thuật ngữ chuyên môn, giúp đông đảo bạn đọc phổ thông tiếp cận thế giới nghệ thuật. Ông cũng không bàn luận đến một tác phẩm nếu không có hình minh họa; điều đó giúp độc giả dễ dàng hình dung tới nội dung mà tác giả đề cập. Tác giả đề ra nguyên tắc “chỉ tập trung những tác phẩm nghệ thuật thực sự, bỏ qua những gì theo thị hiếu hay xu hướng nhất thời”.
Từ những nguyên tắc đó, câu chuyện về nghệ thuật trở nên sinh động. Bạn đọc như được đứng trước tác phẩm, nghe tác giả trò chuyện, hướng dẫn cách cảm thụ tác phẩm, đồng thời qua tác phẩm tiêu biểu đó mà hiểu được đặc trưng các trường phái, phong cách.
Trong hơn 70 năm qua, Câu chuyện nghệ thuật giữ một vị trí quan trọng trong việc giới thiệu lịch sử nghệ thuật. Tác phẩm đã bán hơn 8 triệu bản, bằng 30 ngôn ngữ trên thế giới. Cuốn sách liên tục được chỉnh sửa, bổ sung qua các lần tái bản. Ấn bản tiếng Việt chuyển ngữ theo bản tiếng Anh chỉnh sửa lần thứ 16.
Với công nghệ in ấn phát triển, hình ảnh sắc nét, các tranh được in màu, nhiều tranh in khổ lớn (gấp 3 trang sách), ấn phẩm giống như một phòng trưng bày ảnh chụp tác phẩm nổi tiếng.
Cuốn sách cung cấp tri thức nghệ thuật phổ thông theo dòng chảy lịch sử. Ảnh: ETS. |
Bách khoa thư về nghệ thuật
Cuốn sách tổng hợp kiến thức trên 3 chủ đề: Hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh. Ở phần về hội họa, trước khi viết về dòng chảy lịch sử nghệ thuật, sách đưa thông tin cơ bản về mỹ thuật như: Chủ đề và bố cục, luật xa gần, màu sắc và tông màu…
Các chương tiếp theo giới thiệu về lịch sử hội họa qua các thời kỳ, trong đó nói về các trường phái điển hình, nghệ sĩ có nhiều đóng góp và tạo ảnh hưởng lớn. Những kiệt tác, tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao và mang tính đại diện cho các trường phái, trào lưu được giới thiệu trong sách.
Đi từ những nét vẽ đầu tiên tìm thấy trong các hang động thời tiền sử đến nghệ thuật đường phố của thế kỷ 21, sách khắc họa mọi phong cách, bước dịch chuyển của nghệ thuật.
Với mỗi trường phái nghệ thuật, bên cạnh giới thiệu tác phẩm tiêu biểu, sách sẽ có phần “ngắm cận cảnh”, phóng to, cận cảnh những chi tiết quan trọng trong các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.
Bên cạnh nghệ thuật, trong cuốn bách khoa này, bạn đọc được biết về những giai đoạn, các tên tuổi của điêu khắc và nhiếp ảnh. Phần về điêu khắc dẫn bạn đọc đi qua nghệ thuật điêu khắc cổ đại, Hy-La, sang thời Phục Hưng, tới hiện đại. Kiến thức về nhiếp ảnh từ thuở sơ khởi, sự tiến hóa của máy ảnh tới các loại hình nhiếp ảnh được thể hiện trong sách.
Ấn phẩm cũng tôn vinh các nghệ sĩ khi nêu “hồ sơ nghệ sĩ nổi tiếng”, tác phẩm làm nên tên tuổi của họ. Cuốn bách khoa thư phổ thông có nội dung trình bày theo dòng thời gian, giúp bạn đọc dễ theo dõi và nắm bắt thông tin.
Cuốn sách sơ đồ hóa các mốc thời gian giúp độc giả dễ dàng nắm bắt thông tin. Ảnh: Minh Phương. |
Theo dòng lịch sử nghệ thuật
Cuốn sách của Gérard Denizeau nằm trong bộ sách Kiến thức căn bản cần biết do Nhà xuất bản Larousse thực hiện.
Về nội dung, sách tổng kết các trào lưu chủ đạo trong lịch sử nghệ thuật, những phong cách sáng tạo nổi bật, nghệ sĩ tiêu biểu và chủ đề yêu thích, kỹ thuật đặc trưng của họ. Các tác phẩm táo bạo, kiệt tác của hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc đều được điểm danh.
Cuốn sách sơ đồ hóa dòng chảy lịch sử nghệ thuật bằng các mốc thời gian, đồ họa, tranh ảnh và phần lời viết ngắn gọn, súc tích. Điểm độc đáo của cuốn sách chính là việc trình bày nội dung theo hình thức “những bộ sưu tập nhỏ”.
Ở đó, tác giả cung cấp thông tin theo chủ đề như: 10 kiệt tác tĩnh vật, 10 kiệt tác kiến trúc La Mã, 10 kiệt tác chân dung, Leonardo da Vinci qua 10 kiệt tác… Sách cũng cung cấp thông tin theo các chủ đề như 10 cái tên chủ chốt, 10 chủ đề lãng mạn, 10 gương mặt đại diện cho một phong cách, trường phái…
Mỗi chủ đề nhỏ như một miếng ghép, khi tập hợp lại theo từng giai đoạn sẽ tạo thành một trường đoạn và đặt cạnh nhau sẽ mở ra một bức tranh toàn cảnh rộng lớn về nghệ thuật.