Hôm 11/1, cuốn sách Vẽ gì cũng là tự họa của họa sĩ Trịnh Lữ ra mắt, là ấn phẩm đầu tiên của tủ sách Mỹ thuật Việt Nam. Tủ sách do Omega Plus chủ trương thực hiện sau khi phát hành loạt sách mỹ thuật thế giới.
Sách Vẽ gì cũng là tự họa. Ảnh: Omega Plus. |
Tủ sách riêng về mỹ thuật Việt Nam
Bà Trần Hoài Phương - Giám đốc sản xuất Omega Plus - cho biết từ ba năm trước đã triển khai tủ sách nghệ thuật. Đơn vị này chủ trương làm một tủ sách chia ba mảng: Lịch sử mỹ thuật, tiểu sử danh họa, danh họa qua tác phẩm. Ba nhánh ấy bổ trợ cho nhau.
Sau khi xuất bản những cuốn sách mỹ thuật thế giới, đến 2020, Omega Plus bắt tay triển khai các ấn phẩm mỹ thuật Việt Nam.
“Một tủ sách nghệ thuật cho người Việt không thể thiếu được mảng sách mỹ thuật trong nước. Bạn đọc cần hiểu hành trình mỹ thuật Việt Nam trong tiến trình lịch sử mỹ thuật thế giới”, bà Trần Hoài Phương nói.
Đơn vị này dự định làm sách mỹ thuật Việt ở mảng tư liệu, nghiên cứu, giới thiệu những họa sĩ đã định hình phong cách mỹ thuật. Bà Phương cho biết việc phát hành cuốn sách Vẽ gì cũng là tự họa là bước đi đầu tiên, giới thiệu phong cách của một họa sĩ có sức ảnh hưởng.
Việc ra mắt tủ sách Mỹ thuật Việt Nam nói riêng, sách nghệ thuật của các đơn vị khác nói chung, được giới nghệ sĩ đặt kỳ vọng.
Họa sĩ Thành Chương cho biết sách mỹ thuật lâu nay dịch từ nước ngoài là chính. Nhà xuất bản Mỹ thuật là đơn vị chuyên làm sách lĩnh vực này. Giờ đây có đơn vị tư tham gia làm sách, thực hiện tủ sách mỹ thuật là điều đáng quý.
“Vạn sự khởi đầu nan, công ty phát hành đã nỗ lực cho ra ấn phẩm đáng hoan nghênh”, họa sĩ Thành Chương nói về cuốn Vẽ gì cũng là tự họa.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam - nhận định: “Sách nghệ thuật tại Việt Nam gần đây có khởi sắc nhất định. Một số đơn vị làm nhiều sách mỹ thuật như Nhà xuất bản Mỹ thuật, Đông A, Omega Plus, Nhã Nam”.
Đông A là đơn vị chuyên làm sách đẹp, đã thực hiện một số sách mỹ thuật như Câu chuyện nghệ thuật (Susie Hodge). Đây là cẩm nang về các trào lưu, các tác phẩm tiêu biểu, chủ đề và kỹ thuật chính yếu trong trào lưu ấy.
Bộ sách Đây là (8 tập) giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và một số tác phẩm đặc sắc của 8 họa sĩ nổi tiếng: Dalí, Gauguin, Leonardo da Vinci, Matisse, Monet, Rembrandt, Van Gogh, Warhol.
Sách Kỹ thuật vẽ sơn dầu (Nguyễn Đình Đăng) viết về kỹ thuật vẽ sơn dầu; một “giáo trình” chi tiết, dày dặn, đúc kết những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong hơn bốn thập niên vẽ sơn dầu của tác giả.
Omega Plus thực hiện một số sách mỹ thuật, trong đó có các cuốn tiểu sử danh họa gây chú ý như: Leonardo da Vinci, Van Gogh; sách về lịch sử mỹ thuật như Câu chuyện nghệ thuật; sách về tác phẩm, phong cách, trường phái…
Sách Theo dòng lịch sử nghệ thuật. Ảnh: Đỗ Thu. |
Bù đắp lỗ hổng kiến thức nghệ thuật
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đánh giá sự xuất hiện của các cuốn sách mỹ thuật là điều cần thiết. “Trong một thời gian dài, những đầu sách nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng ít, chưa cập nhật biến chuyển nghệ thuật trên thế giới, đặc biệt là mảng lý thuyết”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Những năm gần đây, thị trường có sách mang tính phổ cập thường thức nghệ thuật cho số đông, sách lý thuyết chuyên sâu ở cả lĩnh vực hội họa và nhiếp ảnh, sách cho nhà sưu tập, sách lý luận. Các tác giả sách như Trần Hậu Yên Thế, Vũ Hiệp… đưa ra cách tiếp cận mới về lý thuyết nghệ thuật Việt Nam.
“Sách mỹ thuật được xuất bản nhiều hơn giúp người thực hành cùng cộng đồng thưởng thức nâng cao trình độ hiểu biết và cảm thụ nghệ thuật. Sinh viên nghệ thuật được bổ sung kiến thức quý. Điều đó phần nào bù đắp lỗ hổng kiến thức cho người thực hành nghệ thuật”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận định.
Quan sát thị trường, bà Trần Hoài Phương cho rằng trong khoảng ba năm trở lại đây, sách mỹ thuật đang phát triển. Sự phát triển kỹ thuật in ấn giúp xuất bản sách mỹ thuật thuận lợi hơn trước. Lớp độc giả mới, văn minh dần hình thành, tìm tới dòng sách phát triển văn hóa.
Bà Phương cho biết cuốn Leonardo da Vinci mà Omega Plus phát hành đã đoạt Giải thưởng Sách quốc gia, phát hành hơn 10.000 bản. Cuốn Câu chuyện nghệ thuật thành công trên cả ba phương diện: Một công trình giá trị về nội dung, tạo được hiệu ứng trong cộng đồng, có lượng phát hành tốt.
Tuy đang phát triển, cả giới nghệ sĩ và người làm sách đều nhận định sách mỹ thuật ở Việt Nam còn những điểm cần đầu tư hơn nữa. Bà Trần Hoài Phương cho rằng các đơn vị đang tập trung làm từng cuốn riêng lẻ mà chưa chú ý nhiều tới tính hệ thống.
Một tủ sách cần cân bằng giữa kiến thức phương Đông và phương Tây, có lý luận và thực tiễn, giới thiệu cả nghệ thuật trong và ngoài nước.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng sách mỹ thuật Việt Nam còn nhiều khoảng trống, nhất là sách về nghệ thuật Đông Dương và nghệ thuật đương đại.
“Sách mỹ thuật thuần túy chưa nhiều. Nó phản ánh đội ngũ nghiên cứu mỏng. Các bài phê bình mỹ thuật thiên về trao đổi cảm xúc cá nhân nhiều hơn là những tiếp cận mang tính khoa học, liên ngành”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, cần phát triển đội ngũ phê bình, lý luận mỹ thuật trong nước. Có như vậy mới có thêm nhiều cuốn sách giá trị, song hành với nghệ thuật.