Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trương Xuân Phương, đại diện ban tổ chức, cho biết ý tưởng xây dựng "Phiên chợ sách - một nét văn hóa Hà Nội" được xây dựng dựa trên những giá trị nhân văn, từ việc tăng cường trao đổi sách, phát triển hoạt động đi kèm, để mang đến cho độc giả trải nghiệm tốt nhất.
TS Nguyễn Sỹ Dũng phát biểu trong buổi khai mạc "Phiên chợ sách - một nét văn hóa Hà Nội". Ảnh: Thu Hằng. |
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá đây là chương trình có nhiều ý nghĩa với những tác phẩm tốt, có giá trị lớn, góp phần xây dựng thêm những giá trị tốt đẹp.
Ông Dũng cũng đề cập những thách thức mà sách giấy phải đối mặt trong thời đại ngày nay. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ đã dẫn dắt phương pháp đọc, trải nghiệm sách vào mỗi ngôi nhà thông qua mạng xã hội, sách điện tử hay các phương tiện nghe nhìn khác.
Trao đổi với Zing, ông Hà Huy Chiến, Viện phó Viện Việt Nam học, cố vấn chương trình, nói ý tưởng thực hiện phiên chợ sách có từ lâu, nhưng đến nay mới thực hiện được.
"Nhiều nước châu Âu và cả châu Á đều có phiên chợ sách được tổ chức cố định vào khoảng thời gian khác nhau. Các phiên chợ sách như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu của độc giả", ông Chiến chia sẻ.
Độc giả tìm sách và trải nghiệm các hoạt động truyền thống. Ảnh: Thu Hằng. |
Cũng theo ông Chiến, đây sẽ là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán sách dành cho bạn đọc. Phiên chợ sách còn là địa điểm để các nhà xuất bản, đơn vị làm sách cùng ngồi với nhau để giao lưu với độc giả, tìm hiểu xu hướng, thị hiếu mới, từ đó, rút ra điều cần thay đổi, phục vụ bạn đọc tốt hơn.
Bên cạnh đó, ban tổ chức muốn tạo ra không gian để các bạn nhỏ tham gia học hỏi, vui chơi, tìm hiểu văn hóa truyền thống, cũng như những trải nghiệm ý nghĩa.
Ông Hà Huy Chiến cũng cho biết tại phiên chợ sách lần này, ban tổ chức muốn gợi lại những dấu ấn với các hoạt động văn nghệ dân gian như hát xẩm, hát chèo hay hình ảnh của các quán nước xưa, cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống...