Gần 20 năm qua, Ngày thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thành một lễ hội lớn, nét đẹp văn hóa đầu năm. Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày thơ không thể diễn ra theo truyền thống. Đây là năm thứ hai lễ hội thi ca không được thực hiện, nhưng tác giả và bạn đọc vẫn tìm được cách bày tỏ tình yêu thơ. Thông qua mạng xã hội, người yêu thơ cùng nhau tạo ra ngày thơ theo cách riêng.
Ngay từ sáng ngày rằm tháng giêng âm lịch, giới văn chương đã đưa lên mạng nhiều bài thơ hay. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (bút danh Ngân Xuyên) chia sẻ tác phẩm Đọc thơ như thế nào của Algirdas Zolynas do ông dịch. Tác phẩm gửi gắm thông điệp về cách đọc, thưởng thức thơ.
Các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ đã đăng tải tác phẩm lên mạng xã hội để hưởng ứng tinh thần Ngày thơ như: Nguyễn Hữu Quý, Trang Thanh, Lữ Thị Mai… Trong khi đó, trang mạng xã hội của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy dẫn nhiều bài viết về ngày thơ, trong đó có những góp ý để tổ chức ngày thơ những năm sau tốt hơn.
Nhóm tác giả đọc thơ và chia sẻ tình yêu thi ca trên mạng xã hội. Ảnh: K.N. |
Một nhóm nhà thơ tề tựu tại khuôn viên báo Nhân Dân để đọc thơ, livestream qua trang mạng xã hội “Ngày thơ Nguyên tiêu 2021”. Các nhà thơ như Hữu Việt, Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai, Nguyễn Thị Kim Nhung, Khúc Hồng Thiện, Nguyễn Văn Học đã chia sẻ tình yêu và đọc các vần thơ về mùa xuân.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng - Phó trưởng ban Thời nay, báo Nhân Dân - chia sẻ vài ngày trước, khi ý tưởng về ngày thơ online, đã có nhiều lo lắng băn khoăn đặt ra, rằng ngày thơ online có được tổ chức không, nếu làm online thì sẽ như thế nào, có đảm bảo không khí thơ ca, quyến rũ người viết người đọc hay không…
Những khi tham gia đọc thơ và truyền trực tiếp qua mạng, anh cảm thấy những băn khoăn tan biến. “Trong vài ngày trở lại đây, ngày thơ online nhận được sự hưởng ứng, động viên, kêu gọi, trong đó có những lời kêu gọi phát đi từ Hội Nhà văn, các bài viết của bạn văn, không khí chuẩn bị, đưa thơ ca lên mạng… đã diễn ra khá sôi nổi. Tôi nghĩ trong ngày hôm nay, rất nhiều bạn viết, bạn đọc sẽ có hình thức riêng để thể hiện tình yêu đối với thơ ca”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nói.
Nhà thơ Lữ Thị Mai là người tham gia rất tích cực vào ngày thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ khi còn là sinh viên Đại học Văn hóa. Tham gia đọc thơ online, Lữ Thị Mai chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ đặc biệt, năm thứ hai rồi chúng ta không tổ chức ngày thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhưng thơ ca vẫn có con đường riêng từ trái tim tới trái tim, từ người viết tới người đọc”.
Nhà thơ Kim Nhung - biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội - nói hôm nay dù không được tới hội thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám như mọi năm, nhưng khi ngồi nói chuyện về thơ ca, chị vẫn cảm thấy vui và ấm áp, cảm thấy tình yêu viết được thôi thúc.
Nhà thơ Hữu Việt (trái) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trò chuyện về thi ca, chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: K. N. |
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói tuy ngày thơ không được tổ chức ở một địa điểm cụ thể ở Hà Nội, sân chơi được mở ở một không gian rộng lớn hơn, “đi đến mỗi một gia đình, mỗi không gian riêng, trải dài trên khắp đất nước”.
“Điều đó cho thấy sức mạnh của thơ lớn như thế nào, mọi người đã bàn tới thi ca, quan tâm tới thi ca, góp ý cho ngày thơ Việt Nam. Đây là dịp để ta nhìn lại, thấy sức mạnh của thi ca, sức mạnh của tinh thần, vẻ đẹp mà thi ca mang đến. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng nghĩ đến cách tổ chức Ngày thơ trong những năm tới đây”.