Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14 Nhóm Công tác của Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia (Tiến trình Bali) do Việt Nam đăng cai tổ chức đã khai mạc sáng 23/7 tại Đà Nẵng. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao.
70,8 triệu người buộc phải di cư
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bryce Hutchesson, Chủ tịch Tiến trình Bali, Đại sứ đặc trách phòng, chống đưa người di cư trái phép và mua bán người, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và trong quan hệ hợp tác với các nước thành viên Tiến trình Bali.
Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14 Nhóm Công tác của Tiến trình Bali khai mạc sáng 23/7 tại Đà Nẵng. Ảnh: BNG. |
Tiến trình Bali tập hợp các nước có nhiều quan tâm và thách thức khác nhau nhưng cùng chung chia sẻ và trách nhiệm nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu này thông qua đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và xây dựng năng lực.
Ông Bryce Hutchesson cho biết, để thúc đẩy sự kết nối và tăng cường sự tham gia của các nước thành viên, đến nay Tiến trình Bali đã xây dựng nhiều khuôn khổ hợp tác như Diễn đàn Doanh nghiệp và Chính phủ để thảo luận việc phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép trong lĩnh vực lao động, đặc biệt là Văn phòng Hỗ trợ khu vực trong năm qua đã tổ chức 18 hoạt động với hơn 500 đại biểu tham dự đến từ hơn 40 nước thành viên.
Chia sẻ phát biểu của ông Bryce Hutchesson, ông Febrian Ruddyard, Chủ tịch Tiến trình Bali, Thứ trưởng Hợp tác đa phương, Bộ Ngoại giao Indonesia, khẳng định Tiến trình Bali là cơ chế hiệu quả để hợp tác giải quyết các thách thức của di cư trên bình diện khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay có 70,8 triệu người buộc phải di cư (theo báo cáo năm 2018 của UNHCR) làm gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của người di cư như bị mua bán, bị đưa ra nước ngoài trái phép và bị bóc lột.
Đẩy lùi di cư trái phép và mua bán người
Khẳng định quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc quản lý di cư, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh, trong quản lý di cư, Việt Nam lấy phòng ngừa làm yếu tố nền tảng và coi thúc đẩy di cư hợp pháp là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn di cư trái phép, hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia tích cực vào các tiến trình khu vực và thế giới là một phần tất yếu để tạo nên sức mạnh toàn diện nhằm đẩy lùi nạn di cư trái phép và mua bán người.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng hội nghị là sự kiện có ý nghĩa đối với Việt Nam trong hơn 17 năm là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Tiến trình Bali, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của Tiến trình Bali trong việc tăng cường sự tham gia và vai trò của các nước thành viên đối với các hoạt động của Tiến trình.
Tiến trình Bali đã chứng tỏ tính hiệu quả trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật, chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên và tăng cường các hành động tập thể trong cuộc đấu tranh chung với nạn đưa người di cư trái phép, mua bán người.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: BNG. |
“Trên cơ sở nhận thức chung đạt được từ hội nghị lần trước, Việt Nam hy vọng rằng tại hội nghị lần này, bên cạnh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người, Tiến trình Bali nên cân nhắc đưa các biện pháp thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp vào chiến lược hợp tác trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa vai trò và thúc đẩy sự kết nối của Tiến trình Bali trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu nhất là trong bối cảnh Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự được Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 12/2018. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Tô Anh Dũng bày tỏ kỳ vọng.
Sau phiên khai mạc, hội nghị tiếp tục 4 phiên thảo luận nhằm rà soát kết quả của Tiến trình Bali kể từ sau Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 7 (tại Bali, Indonesia, ngày 6/8/2018), đánh giá tình hình đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trao đổi về tăng cường sự kết nối của Tiến trình Bali với các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu như ASEAN, Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) và định hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị có 120 đại biểu đến từ các nước thành viên Nhóm Công tác của Tiến trình Bali và các quan sát viên. Đây là lần đầu tiên hội nghị hội tụ đầy đủ các nước thành viên Nhóm Công tác và các quan sát viên với số lượng đại biểu đông nhất từ trước cho đến nay.