Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khai mạc hội nghị cấp cao ASEAN giữa lúc Biển Đông dậy sóng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó tình hình Biển Đông sẽ được chú ý đặc biệt.

Theo Channel News Asia, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar với sự tham dự của 10 nước thành viên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị lần này.

nguyên thủ các nước ASEAN tại thủ đô Naypyitaw chuẩn bị tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24. Ảnh: Reuters.
Nguyên thủ các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24. Ảnh: Reuters.    

Với chủ đề “Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng”, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 sẽ tập trung bàn về tình hình triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển của Cộng đồng sau năm 2015, quan hệ đối ngoại của Cộng đồng cũng như trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là vấn đề được quan tâm tại hội nghị lần này.

Trước đó, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng hôm 10/5, các ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Các bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, kiềm chế và tránh thực hiện các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 Kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đồng thời, các bộ trưởng đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Căng thẳng tại Biển Đông bùng phát hồi đầu tuần sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền hôm 2/5 và triển khai hàng chục tàu hải quân hỗ trợ cho hành động khiêu khích này.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày vừa qua. Tổng thư ký hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Theo giới quan sát, quyết định di chuyển giàn khoan của Bắc Kinh là một động thái phản ứng đối với chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây. Trong chuyến công du, ông Obama khẳng định, Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh như Philippines, Nhật Bản trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Trước khi tới Myanmar tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Tổng thống Philippines Aquino đã hối thúc các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đối mặt và giải quyết các mối đe dọa từ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.

Hồi tháng 3, Manila đã trình đơn kiện lên Tòa án Liên Hợp Quốc để đáp trả tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở phần lớn Biển Đông. Trong diễn biến mới nhất, phía Philippines đã bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc sau khi nó xâm phạm vào vùng biển tranh chấp đồng thời tuyên bố sẽ đưa những ngư dân trên tàu ra tòa án.

Cái giá Trung Quốc phải trả cho mưu đồ xâm phạm chủ quyền VN

Theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho việc đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất kể lợi ích an ninh năng lượng mà họ thu được.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm