Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách sạn TP.HCM đạt công suất trên 35% trong quý I

Công suất phòng khách sạn có dấu hiệu hồi phục từ đầu năm đến nay khi các sáng kiến của chính quyền TP.HCM lẫn chủ đầu tư khách sạn thúc đẩy nhu cầu du lịch ngắn và trung hạn.

Thời điểm dịch bệnh, hàng loạt khách sạn 3-5 sao ở TP.HCM tối đèn vì thiếu vắng khách du lịch trong nước lẫn quốc tế. Khi đó, tổng giám đốc một khách sạn 5 sao thừa nhận tỷ lệ lấp đầy khoảng 15% là con số khó đạt được.

Nhưng đến nay, báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết công suất phòng khách sạn trong quý I trên địa bàn TP đã đạt 35,6%, lần lượt tăng 1,6 và 2,1 điểm phần trăm theo quý và theo năm.

"Chương trình visa của Việt Nam sẽ cho phép mở cửa lại ngành du lịch. Một lượng lớn khách du lịch nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam. Do đó, tỷ lệ lấp đầy phòng sẽ cải thiện vào cuối năm nay và đầu năm sau do làn sóng khách du lịch nội địa và quốc tế", đại diện Cushman & Wakefield dự báo.

Khach san TP.HCM dat cong suat tren 35% trong quy I anh 1

Công suất phòng khách sạn TP.HCM có dấu hiệu phục hồi từ đầu năm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cùng chung nhận định này, báo cáo Điểm đến khách sạn tại Đông Nam Á của JLL Hotels & Hospitality Group cũng xác định du lịch Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm nay, đặc biệt vào nửa cuối năm với nhiều chuyến bay được mở lại và niềm tin phục hồi từ du lịch quốc tế.

Riêng tại TP.HCM, thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế có xu hướng kéo dài so với mức trước đại dịch. Các chuyến du lịch MICE đồng thời được mở rộng thành du lịch giải trí, tạo nên dự báo tích cực cho nguồn thu thời gian tới.

Với triển vọng này, JLL cho biết năm 2022 sẽ ghi nhận số lượng khách sạn gia nhập thị trường tăng cao, trong đó nhiều dự án bị trì hoãn đã đặt mục tiêu khai trương trong năm nay. Trước đó, nguồn cung phòng khách sạn ở TP.HCM được ghi nhận tăng trưởng 6,5%/năm giai đoạn 2014-2019, chủ yếu là bất động sản hạng trung và cao cấp.

Theo Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung khách sạn 3-5 sao tại TP.HCM là 17.000 phòng, với sự có mặt của hàng loạt thương hiệu khách sạn quốc tế và nội địa cao cấp như IHG, Accor, Marriott, Hyatt, Reverie, Caravelle... Trong 3 năm tiếp theo, khoảng 3.800 phòng trên 18 khách sạn tư nhân sẽ được mở ra khắp thành phố.

Không chỉ TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cũng là những thị trường du lịch tăng trưởng tích cực. Trong khi Hà Nội được cho là sẽ phục hồi nhờ du lịch nội địa trong nửa cuối năm, Đà Nẵng đã ghi nhận công suất phòng khách sạn trong quý I đạt 30%, tăng 10,2% so với quý cuối năm 2021.

Điều đáng nói, giá phòng tại Đà Nẵng còn tăng 20% so với trung bình 3 tháng đầu năm ngoái, đạt 70 USD/phòng/đêm, chỉ thấp hơn khoảng 5% so với giá phòng trung bình hiện tại ở TP.HCM.

Khách sạn, resort tại Việt Nam tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm

Nếu trước đây các đơn vị điều hành quốc tế chú trọng hiện diện tại các thị trường trọng điểm, thì nay các điểm đến như Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn... lại trở nên hấp dẫn.

Giá phòng khách sạn tăng 21% cuối năm 2021

Các chuyên gia kỳ vọng sự hồi phục của du lịch trong nước và quốc tế sẽ thổi luồng sinh khí mới vào thị trường khách sạn năm 2022.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm