Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách 'như ngồi trên đống lửa' khi đặt hàng thiết bị bảo hộ Trung Quốc

Với việc nhu cầu tăng cao trong khi khả năng cung cấp của chính phủ có hạn, thị trường chợ đen tại Mỹ hiện là nguồn cung chính thiết bị bảo hộ ngay cả cho các cơ quan chính phủ.

Vài tuần trước, Mike Gula khi đó đàm phán những thỏa thuận hàng triệu USD trên thị trường chợ đen, hàng hóa giao dịch là thiết bị bảo hộ y tế, với lợi nhuận khổng lồ. Gula, năm nay 39 tuổi, đã nhanh chóng trở thành một trong những tay môi giới lớn nhất về khẩu trang và thiết bị y tế cho các bang tại Mỹ đang chiến đấu chống virus corona.

Giờ đây, khi thỏa thuận của Gula với nhiều bang như California hay Maryland, đã được thực hiện, tay môi giới này đang đối mặt cuộc điều tra liên bang do mập mờ trong nguồn cung thiết bị y tế. Công ty của Gula, Blue Flame Medical trụ sở tại Washington DC, đang lao vào cuộc chiến tranh giành hàng hóa từ Trung Quốc để bảo đảm các thỏa thuận đã ký, theo Wall Street Journal.

Thị trường chợ đen hỗn loạn

Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng cao vài tháng qua, nhiều thương nhân mới đã tham gia vào thị trường buôn bán khẩu trang, găng tay, áo choàng, máy thở và thiết bị xét nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ của Mỹ, khiến tình hình trở nên cực kỳ hỗn loạn.

Trung Quốc hiện đã siết chặt các quy định hải quan, gây ra tình trạng chậm trễ và găm hàng đối với các lô thiết bị y tế mà các bang của Mỹ hy vọng sẽ đến càng sớm càng tốt. Một số đơn hàng thiết bị bảo hộ y tế bị trì hoãn tới tận cuối mùa hè, thậm chí lâu hơn nữa, các quan chức Mỹ cho biết.

Nhu cầu thiết bị bảo hộ sẽ còn tiếp tục tăng lên trong bối cảnh nhiều bang mở cửa trở lại nền kinh tế và hoạt động kinh doanh. Trong cuối tuần này, ít nhất 43 bang mở lại một phần các hoạt động kinh doanh. Với việc chính phủ liên bang chỉ có thể cung cấp số lượng thiết bị nhỏ giọt, các tiểu bang, bệnh viện và các công ty phải chủ động săn tìm thiết bị để tự bảo vệ người lao động.

thi truong cho den thiet bi y te tai My anh 1

Khẩu trang được sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Thị trường chợ đen, vì vậy, là lựa chọn đầu tiên. Vì hàng hóa chợ đen chủ yếu đến từ Trung Quốc, các tiểu bang, cò mồi, và những người khác tham gia thị trường chợ đen phải nhanh chóng xây dựng lại chuỗi cung ứng.

Giá khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ thay đổi gần như liên tục. Chi phí vận chuyển khẩu trang trên máy bay chở hàng đã tăng gấp đôi chỉ trong 1 tháng. Điều kiện mua bán, vận chuyển và thanh toán là một loạt các vấn đề phức tạp cần dàn xếp. Các tay môi giới và người mua cho biết nguồn hàng xuất phát từ các nhà kho ở Trung Quốc thường bị mua sạch chỉ trong một ngày.

Tình trạng khan hiếm càng trở nên trầm trọng sau khi Cục quản lý Thực phẩm và thuốc men Mỹ hôm 7/5 rút giấy phép xuất khẩu đối với 60 nhà sản xuất khẩu trang N95 theo tiêu chuẩn Mỹ của Trung Quốc, sau khi phát hiện khẩu trang kém chất lượng trong các lô hàng của một vài nhà sản xuất thuộc nhóm này.

Trong khi đó, giá quần áo bảo hộ cũng tăng chóng mặt do tình trạng khan hiếm, tay môi giới tên Peter Collipp cho biết. Tháng trước, Collipp nhận được một hợp đồng từ chính quyền hạt Henrico, bang Virginia, đặt hàng 37.000 bộ quần áo bảo hộ với giá 3,2 USD mỗi bộ. Nhà cung cấp của Collipp cho biết đơn hàng có thể được hoàn tất trong 2 tuần, nhưng sau đó thông báo không còn hàng với giá 3,2 USD.

Collipp phải chật vật tìm nhà cung cấp khác, trong khi hạt Henrico đặt hàng thêm 30.000 bộ quần áo bảo hộ. Lúc này, giá đã tăng 38% lên 4,4 USD mỗi bộ quần áo bảo hộ. Collipp cho biết tìm được một nhà sản xuất Trung Quốc và lập ra kế hoạch chuyển 6.000 bộ quần áo bằng máy bay, 24.000 bộ khác bằng tàu biển với giá vận chuyển rẻ hơn. Hạt Henrico đã nhận được lô hàng đầu tiên với giá trị 219.000USD trong tuần này.

"Chúng tôi thấp thỏm như ngồi trên đống lửa sau khi đặt hàng", Jackson Baynard, giám đốc cơ quan y tế hạt Henrico, cho biết.

Rủi ro từ thị trường chợ đen

Thông thường, việc mua bán thiết bị y tế là một quá trình mất nhiều thời gian cho các bang. Nhà chức trách tiến hành thẩm định kỹ càng đối với bên bán, và phải mất 30 ngày để thanh toán hóa đơn, bảo đảm các biện pháp bảo vệ nếu có vấn đề xảy ra.

Giờ đây, các bên đều không có thời gian cho việc kiểm tra theo quy định như vậy. Người mua thường thỏa thuận với bên môi giới, những người họ không có nhiều thông tin và thường yêu cầu trả trước một nửa tiền thanh toán. Các quan chức địa phương của Mỹ phải chấp nhận làm liều với hy vọng hàng hóa đến kịp thời.

Những người môi giới như Jason Frankovich tại New York đã từng tham gia các hợp động thiết bị y tế từ trước đại dịch cũng gặp tình thế lưỡng nan tương tự. Dù nắm được nguồn cung khẩu trang, găng tay và các thiết bị y tế bệnh viện, những người môi giới này cũng không có khả năng kiểm tra kỹ đối với bên bán hàng.

"Nếu tôi trả tiền cho một đơn hàng, tôi thường chỉ lên máy bay, bắt tay với ai đó và sau đó nhận hàng. Chúng tôi không thể làm gì khác vào lúc này", Frankovich nói.

thi truong cho den thiet bi y te tai My anh 2

Các bệnh viện trông chờ vào nguồn thiết bị bảo hộ y tế từ thị trường chợ đen. Ảnh: Getty.

Các nhà sản xuất Mỹ đã tăng hết công suất chế tạo thiết bị bảo hộ, tuy nhiên sẽ cần nhiều thời gian để các công ty Mỹ đáp ứng được nhu cầu hiện vô cùng lớn. Alabama cho biết bang này đã đặt hàng khẩu trang từ tập đoàn 3M. Hầu hết đơn hàng của Alabama với các nhà cung cấp tất cả các loại thiết bị bảo hộ vẫn đang phải chờ.

Các tiểu bang, bệnh viện và nhiều đối tượng khác đang trông chờ chính phủ liên bang can thiệp để cung cấp các loại thiết bị trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát, mạng lưới an toàn cung cấp thiết bị y tế quốc gia, tức Kho dự trữ chiến lược quốc gia, đã nhanh chóng cạn kiệt và thiếu trầm trọng thiết bị.

Người phát ngôn Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Mỹ cho biết kho dự trữ chỉ nhằm cung cấp cho nhu cầu của các chinh quyền tiểu bang và địa phương, "chưa bao giờ được thiết kế để phục vụ cho một đại dịch kéo dài trên phạm vi quốc gia" như hiện nay.

Mike Sprayberry, giám đốc cơ quan quản lý y tế bang Bắc Carolina, cho biết thiết bị nhận từ kho dự trữ liên bang chỉ bằng 11% so với lượng thiết bị bang này đặt hàng từ các nhà cung cấp tư nhân.

"Phải lật từng viên đá lên để tìm được thiết bị mà chúng tôi cần", Ellington Churchill, người đứng đầu văn phòng giám sát mua bán tiểu bang Maryland, cho biết. Maryland cũng gặp tình trạng thiết hụt tương tự như Bắc Carolina.

Sai lầm trong mua bán qua thị trường chợ đen đôi khi có giá vô cùng đắt đỏ. Ông Collipp cho biết một đơn hàng ông dàn xếp bị chậm tiến độ do lô hàng mắc kẹt tại hải quan Trung Quốc. Một lỗi về nhãn mác đã khiến đối tác Trung Quốc phải dán mác lại 10.000 hộp khẩu trang. Cuối cùng, lô hàng bị phát hiện là kém chất lượng, buộc phải bị thay thế bằng khẩu trang từ nhà cung cấp khác.

Tháng trước, nhà môi giới Alexis Wong cho biết đã đàm phán hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD cho 300 triệu khẩu trang với một tay môi giới khác đại diện cho một công ty tư vấn tài chính ở Miami. Lô hàng được lên kế hoạch vận chuyển từ Anh sang Los Angeles, Mỹ.

Ngay trước khi hoàn tất hợp đồng, Wong phát hiện tay môi giới phía bên kia cung cấp chứng thư bảo đảm giả mạo. "Sau khi tôi phát hiện chứng thư bị chỉnh sửa, tay môi giới đó hoàn toàn biến mất", Wong cho biết.

Tranh giành hỗn loạn

Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) tháng trước thu giữ một lô hàng khẩu trang từ sân bay JFK ở New York. Tài liệu cho thấy lô hàng được nhập từ Trung Quốc bởi một doanh nghiệp nhỏ ở Delaware có tên Indutex USA. Doanh nghiệp này dự kiến bán 125.000 khẩu trang cho các trại dưỡng lão, bệnh viện nhi và các sở cảnh sát.

Tài liệu có chữ ký của quan chức cấp cao FEMA sau đó yêu cầu Indutex USA bán khẩu trang cho FEMA với mục đícc "bảo vệ an ninh quốc gia". Yêu cầu này cũng áp dụng với bất kỳ hàng hóa nào khác mà Idutex USA nhận kể từ 1/6. Chính phủ liên bang sau đó thu giữ thêm 2 lô hàng, tổng cộng 500.000 khẩu trang.

thi truong cho den thiet bi y te tai My anh 3

Các công ty Trung Quốc cung cấp phần lớn hàng hóa y tế trên thị trường chợ đen tại Mỹ. Ảnh: Xinhua.

Người phát ngôn FEMA cho biết cơ quan này "không thu giữ hoặc chiếm đoạt thiết bị bảo hộ cá nhân từ chính quyền bang hoặc địa phương, các bệnh viện hay bất cứ thực thể nào tham gia mua bán hợp pháp".

Đại diện FEMA cho biết cơ quan ngày thu giữ khẩu trang của Indutex USA để bảo đảm khẩu trang đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của Mỹ, một phần trong sáng kiến chống thu gom và làm giá bất hợp pháp do Bộ Tư pháp Mỹ xây dựng. FEMA có thể quyết định tiếp tục giữ lô hàng hoặc yêu cầu công ty liên quan bán khẩu trang ở mức giá hợp lý, đại diện FEMA nói.

Sau vụ thu giữ, cơ quan chức năng của Mỹ đã tiến hành kiểm tra 20 hộp khẩu trang và phát hiện chúng không đạt chuẩn an toàn đối với khẩu trang N95 lưu hành tại Mỹ.

Phương Tây thấm thía về tác dụng của khẩu trang chống dịch Khi dịch bệnh hoành hành, các quốc gia ở châu Âu đã dần nhận ra vai trò của khẩu trang. Một số quốc gia bắt buộc mang khẩu trang hoặc khuyên người dân bảo vệ miệng và mũi.

Khẩu trang đang trở thành tâm điểm ‘cuộc chiến toàn cầu’

Cuộc chiến hỗn loạn trên thế giới tranh giành khẩu trang phơi bày thực tế khắc nghiệt trong quan hệ quốc tế và giới hạn của thị trường tự do, theo bình luận của Guardian.

Nhiều lãnh đạo phương Tây đảo chiều quan điểm với đeo khẩu trang

Trong khi một số nhà lãnh đạo bắt đầu đeo khẩu trang khi xuất hiện trước công chúng, một số khác, như Tổng thống Trump, vẫn nhất mực phớt lờ khuyến cáo của giới chức y tế.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm