Tổng thống Trump chưa một lần xuất hiện với chiếc khẩu trang. Tổng thống Emmanuel Macron khoe một lá cờ Pháp nhỏ trên khẩu trang của ông. Tổng thống Slovakia rất "thời trang" khi chọn một chiếc khẩu trang màu hồng đồng điệu với trang phục của bà.
Khi thế giới bắt đầu tính đến việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì đại dịch virus corona, các lãnh đạo chính trị đang bị soi xét kỹ lưỡng về lựa chọn đeo hay không đeo khẩu trang, giữa lúc nhiều người nghi ngờ các thông điệp có vẻ mâu thuẫn về giá trị của việc đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.
Trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, nhiều chính phủ phương Tây đã khuyến cáo công chúng không cần đeo khẩu trang. Song khi người dân bắt đầu trở lại làm việc dù chưa có thuốc điều trị hoặc vaccine, khẩu trang đang được khuyến khích hoặc thậm chí được yêu cầu sử dụng như công cụ quan trọng để chống virus, cùng với việc rửa tay và giãn cách xã hội.
Khi khuyến cáo của chính phủ thay đổi, các nhà lãnh đạo đã phải quyết định: đeo hay không đeo?
Các nhà lãnh đạo đeo khẩu trang trong đại dịch virus corona. Ảnh: AFP. |
"Quyết định đeo hoặc không đeo khẩu trang ở nơi công cộng dựa trên thông điệp mà nhà lãnh đạo muốn truyền tải", nhà khoa học hành vi Jacqueline Gollan ở Đại học Tây Bắc, Chicago, nói với AFP.
"Họ nhiều khả năng đeo khẩu trang nếu tin vào việc tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng. Họ có thể không đeo khẩu trang nếu tin rằng họ nên gửi đi thông điệp rằng nguy cơ lây nhiễm thấp và mọi thứ đã trở lại bình thường".
Một số nhà lãnh đạo đã bắt đầu xuất hiện trước công chúng với khẩu trang y tế đơn giản hoặc khẩu trang N95 hoặc FFP2 bảo vệ tốt hơn. Một số khác chọn khẩu trang vải có thể giặt được mà nhiều chính phủ đang khuyến khích công chúng sử dụng.
Song một vài nhà lãnh đạo, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, vẫn không đeo khẩu trang.
"Thông điệp phức tạp"
Dù động cơ của nhà lãnh đạo là gì, "việc này là hình mẫu mà nhiều người sẽ làm theo, cho dù là tuân thủ hay bỏ qua khuyến cáo" về việc đeo khẩu trang, theo bà Claudia Pagliari, nhà nghiên cứu về sức khỏe tại Đại học Edinburgh.
Hơn 50 quốc gia hiện yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà, đặc biệt là trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng.
Song ở nhiều nơi, vẫn không có đủ khẩu trang cấp y tế để cung cấp cho công chúng mà không cần đụng đến kho dự trữ cần thiết cho các bác sĩ và y tá tuyến đầu.
Một người dân đeo khẩu trang khi đến điểm phân phát thực phẩm ở Nam Phi. Ảnh: Reuters. |
Điều này đã khiến nhiều người - hơn ba phần tư số người được hỏi ở Pháp theo một cuộc thăm dò gần đây - nghi ngờ chính phủ nói dối về hiệu quả của việc đeo khẩu trang ngay từ đầu để tránh tinh trạng thiếu hụt.
"Chắc chắn các quan chức nhà nước có tội khi nghĩ rằng công chúng... ngu ngốc và không có khả năng thấu hiểu một thông điệp phức tạp", Matthew Lesh, chuyên gia chính sách công tại Viện Adam Smith ở London, nói.
"Vì vậy, họ đơn giản hóa thông điệp để truyền tải đến công chúng", trong trường hợp này "là thông điệp rất đơn giản rằng khẩu trang không thực sự có tác dụng".
KK Cheng, giám đốc Viện Nghiên cứu Y tế Ứng dụng tại Đại học Birmingham, cho biết lập trường ban đầu của các chính trị gia chủ yếu dựa trên việc thiếu các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh rằng khẩu trang có tác dụng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không khuyến nghị bắt buộc đeo khẩu trang.
"Vật lý đơn giản"
Các chính phủ "hiểu lầm, hoặc không đánh giá cao... bản chất của bằng chứng cần thiết cho một can thiệp như thế này", Cheng, người đã sớm đề cao vai trò của khẩu trang trong việc chống lại dịch bệnh, khẳng định. "Đó là vật lý đơn giản".
"Nếu nó không có tác dụng, tại sao chúng ta lại yêu cầu mọi người che miệng khi họ ho? Không có thử nghiệm lâm sàng nào về việc đó nhưng chúng ta chưa bao giờ nghi ngờ việc đó", ông nói.
Cùng với việc người ta nhất trí rằng khẩu trang, thậm chí là loại tự chế, có tác dụng - dù mức độ bảo vệ khác nhau - các lãnh đạo chính trị đã phải điều chỉnh thông điệp của họ.
Trong số những nhà lãnh đạo nắm bắt sự thay đổi đó là Tổng thống Pháp Macron, người đã gặp các học sinh tiểu học trong tuần này và đeo khẩu trang vải màu xanh sẫm phù hợp với bộ đồ của ông. Hình lá cờ Pháp ba màu đỏ, trắng và xanh được may trên khẩu trang.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đeo khẩu trang có hình cờ Pháp. Ảnh: Reuters. |
Ông thừa nhận rằng ông vẫn đang làm quen với vật dụng này khi giải thích vai trò của nó trong việc ngăn chặn những người nhiễm virus không triệu chứng lây truyền mầm bệnh cho người khác.
"Bây giờ tôi sẽ rửa tay vì tôi đã liên tục chạm vào khẩu trang của mình", tổng thống nói với các học sinh khi ông với lấy một chai gel rửa tay sát khuẩn lớn.
Tháng trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã bị chế giễu khi ông loay hoay với chiếc khẩu trang của mình, được làm bằng một loại vải in hoa văn châu Phi, trong một cuộc họp ngắn - thậm chí ông còn lúng túng kéo nó che mắt.
Không dành cho tôi
Hồi tháng 3, nhà lãnh đạo Slovakia Zuzana Caputova đã gây nhiều chú ý khi bà tuyên thệ nhậm chức với một chiếc khẩu trang vải sành điệu phù hợp với váy và giày của nữ lãnh đạo.
Ngược lại, ông Trump đã liên tục phớt lờ khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ về việc đeo khẩu trang trước công chúng.
Tuần này, ông đến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang và lại phớt lờ các tấm biển tại cơ sở này ghi: "Hãy đeo khẩu trang mọi lúc". Thay vào đó, ông đeo một cặp kính bảo hộ trong suốt.
Ông Trump không đeo khẩu trang mà đeo kính bảo hộ hộ trong suốt khi đến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Arizona hôm 5/5. Ảnh: Reuters. |
Hồi tháng 4, vị tổng thống nói về khẩu trang: "Chẳng biết vì sao mà tôi không không thấy nó dành cho mình".
"Thật không may, đại dịch virus corona đang diễn ra cùng với một phong trào dân túy trên toàn cầu, đã mang đến thế hệ nam chính trị gia 'cứng rắn' nắm quyền", chuyên gia Pagliari nói.
"Đáng buồn thay, khẩu trang đã trở thành vật tổ mới nhất của phong trào dân túy này, giống như trong dịch cúm Tây Ban Nha 1919-1920, nơi chúng bị người biểu tình coi là biểu tượng cho sự kiểm soát mạnh tay của nhà nước".