Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách không rút được tiền, Agribank nói chờ kết quả điều tra

Agribank đã hành xử thế nào về việc một khách hàng của mình không rút được số tiền tiết kiệm 400.000 euro?

Sau khi vụ việc được phản ánh trên báo chí cuối tuần qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chiều 16/3 ra thông cáo, cho biết phải chờ kết luận của cơ quan pháp luật. Ngân hàng đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra mối quan hệ của khách hàng với nhân viên ngân hàng về số tiền 400.000 euro, để tránh tình trạng lợi dụng, tham ô tiền của Nhà nước. 

Động thái của Agribank diễn ra sau khi báo Tuổi trẻ hôm 15/3 đưa thông tin ông Dương Thanh Nghị, 42 tuổi, quê ở Vũng Tàu, đang sống và làm việc tại Pháp, đã gửi số tiền tổng cộng 400.000 euro tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (quận 1, TP HCM). Số tiền này được ông Nghị tích cóp qua thời gian và gửi dần từ nước ngoài về.

Vào ngày 2/2/2015, ông Nghị đến ngân hàng này rút tiền, nhưng được hẹn đến lần sau, do số tiền quá lớn. Tuy nhiên, trong lần quay lại sau, ông được cho biết có hai sổ tiết kiệm cùng đứng tên ông Nghị và có cùng ngày gửi, cùng số tiền, nhưng khác số seri.

Sau đó, ngày 5/2/2015, ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi gửi ông Nghị một văn bản, trong đó thông báo một cuốn sổ tiết kiệm đứng tên ông Dương Thanh Nghị, với số tiền 400.000 euro (nhưng có số seri khác cuốn sổ tiết kiệm ông Nghị đang giữ) đang được cầm cố thế chấp tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, để vay số tiền 10,4 tỷ đồng, và vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra.

Ảnh minh họa: Một chi nhánh của Agribank tại Cần Thơ.
Ảnh minh họa: Một chi nhánh của Agribank tại Cần Thơ.

Trong thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ông Nghị cho biết thật sự bất ngờ trước những thông tin trên cũng như cách hành xử của ngân hàng này. “Tôi chưa bao giờ thế chấp sổ tiết kiệm của mình để vay khoản tiền nào, trong tay tôi còn sổ tiết kiệm và phía ngân hàng xác nhận trong hệ thống của họ có số tiền của tôi. Vậy tại sao lại có một khoản vay trên trời rơi xuống như vậy?”, ông Nghị cho biết.

Vụ việc này có liên quan đến vụ ông Nguyễn Lê Kiều Quang (nguyên giám đốc phòng giao dịch Agribank Hòa Hưng, thuộc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, đã bỏ trốn cùng 17 tỷ đồng của ngân hàng này. Ông Quang là người thường xuyên liên hệ và trao đổi thông tin, thuyết phục ông Nghị gửi tiền tại ngân hàng này.

Theo thông tin từ Agribank, qua đối chiếu, sổ tiết kiệm ông Nghị đang giữ có seri không khớp với số seri trên hồ sơ và phần mềm quản lý dữ liệu của Agribank. Ngoài ra, sổ ông Nghị mang đến rút tiền không có tiền trong ngân hàng, đồng thời, trên hồ sơ thể hiện ông Nghị có một số tiết kiệm khác hiện đang được thế chấp bảo đảm vay số tiền 10,4 tỷ đồng.

Hiện số tiền này đang được Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi phong tỏa, để đảm bảo việc trả nợ khoản vay. Hồ sơ vay vốn, nhận tiền, lĩnh tiền có đầy đủ chữ ký của ông Dương Thanh Nghị.

Ngoài ra, Agribank cho biết, theo kiểm tra từ tháng 9/2014 đến nay, ông Nghị đã có nhiều giao dịch gửi tiền, vay tiền tại Phòng giao dich Hòa Hưng. Tất cả các giao dịch của ông Dương Thanh Nghị đều được thực hiện trực tiếp với Nguyễn Lê Kiều Quang (thời điểm đó đang là Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Hưng – Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi) tại phòng làm việc riêng, không thông qua giao dịch viên. Ông Nguyễn Lê Kiều Quang hiện đang bị cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP HCM ra quyết định khởi tố bị can và quyết định truy nã về tội tham ô tài sản.

Theo đó: “Do hồ sơ vay vốn, thế chấp sổ tiết kiệm AM0741713 có đầy đủ chữ ký của ông Nghị trên tất cả các chứng từ nên việc ông Nghị yêu cầu rút tiền cho sổ tiết kiệm số AM0741680 không có trong hồ sơ lưu tại Agribank là chưa thực hiện được, phải chờ kết luận của Cơ quan pháp luật”.

Và, ngân hàng này đã đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM (PC46) xác định quan hệ cá nhân giữa ông Nguyễn Lê Kiều Quang (nhân viên Agribank) và khách hàng Dương Thanh Nghị đối với khoản tiền gửi 400.000 euro, “nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng, tham ô tài sản của Nhà nước”.

Theo thông tin Agribank gửi báo chí hôm nay, Agribank khẳng định quyền lợi hợp pháp của khách hàng gửi tiền luôn được đảm bảo và bảo mật. Hiện tại, các hoạt động vay vốn, gửi tiền tại Phòng giao dịch Hòa Hưng vẫn diễn ra bình thường.

Liên quan về việc các giấy tờ có chữ k‎ý của ông Nghị, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ông Nghị cho biết tháng 12/2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn, ông tới ngân hàng rút hết các sổ cũ, dồn các sổ đó lại cộng thêm một số tiền mới chuyển về cho đủ 400.000 euro theo kế hoạch đầu tư.

Khi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, ông Quang và nhân viên đưa cho ông Nghị ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng - theo lời ông Quang là những tờ giấy ký sẵn để tiện cho việc hoàn tất thủ tục rút tiền, nộp tiền cho ông Nghị đỡ mất thời gian.

Những tờ giấy trắng này trước đây nhiều lần ông Quang cũng đề nghị như vậy, do đó ông Nghị không thấy có vướng mắc gì phát sinh về sau nên vẫn ký.

Trước đó, theo một lãnh đạo UBND TP HCM, số nợ xấu của TP HCM tăng cao vào thời điểm cuối năm 2014, chủ yếu đến từ hai chi nhánh của hai ngân hàng là Agribank Mạc Thị Bưởi – TP HCM và Ngân hàng Xây dựng.

Về ngân hàng Agribank, trong vòng hai năm tính cả năm 2014, số cán bộ của Agribank bị bắt liên quan đến hoạt động ngân hàng được thống kê nhiều nhất trong các ngân hàng, rải đều ở các chi nhánh, điểm giao dịch từ Bắc xuống Nam, gần như tháng nào cũng có các vụ bắt giữ cán bộ của Agribank đăng trên báo chí. 

Gửi tiết kiệm nhưng không rút được tiền, cần làm rõ đúng sai

Gởi vào Ngân hàng Agribank (TP HCM) 400.000 euro, giờ muốn rút, ông Dương Thanh Nghị ngỡ ngàng khi biết sổ tiết kiệm đã bị cán bộ ngân hàng thế chấp vay 10,4 tỷ đồng.

http://www.thesaigontimes.vn/127678/Khach-khong-rut-duoc-tien-gui-Agribank-noi-cho-ket-qua-dieu-tra.html

Theo T.Thu-C.Thắng/Thời báo kinh tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm