Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gửi tiết kiệm nhưng không rút được tiền, cần làm rõ đúng sai

Gởi vào Ngân hàng Agribank (TP HCM) 400.000 euro, giờ muốn rút, ông Dương Thanh Nghị ngỡ ngàng khi biết sổ tiết kiệm đã bị cán bộ ngân hàng thế chấp vay 10,4 tỷ đồng.

Ngỡ ngàng hơn khi phía ngân hàng trả lời, việc liên quan đến Nguyễn Lê Kiều Quang (nguyên giám đốc phòng giao dịch Agribank Hòa Hưng, thuộc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, đã bỏ trốn cùng 17 tỷ đồng của ngân hàng này), và ông Nghị phải chờ cơ quan điều tra...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bạn đọc Xuân Quang bức xúc: “Agribank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ngân hàng của nhà nước mà như vậy thì thật là không thể tin được”.

Anh Trọng Nhân (quận 1, TP HCM) cho rằng: “Với một người gửi tiền vào ngân hàng thì mối quan tâm hàng đầu là lãi suất và uy tín của ngân hàng".

Theo anh Nhân, gửi tiền vào ngân hàng là một thử thách, không đảm bảo mình có nhận được đúng số tiền mình gửi hay không. Thông thường, người dân gửi ngân hàng là do có người quen làm trong ngân hàng đó, nên cảm thấy tin tưởng hơn.

Cần làm rõ ai đúng - ai sai

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho rằng, cách giải thích của ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi là chưa phù hợp, vì sự việc này một phần do lỗi tác nghiệp của cán bộ ngân hàng.

Theo ông Hậu, ngân hàng - tổ chức nhận tiền tiết kiệm, cần giải thích rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của hai bên: người gửi và tổ chức nhận để ổn định tâm lý của khách hàng và đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, luật sư Hậu cũng cho rằng, cách giải thích của trưởng phòng kiểm soát nội bộ ngân hàng cho thấy vụ việc này rất phức tạp, khi trên hệ thống ngân hàng có số tiền của ông Nghị nhưng đã bị phong tỏa, do dùng để thế chấp khoản vay.

Các giấy tờ liên quan đều có chữ kí của ông Nghị, và ông này cũng đã xác nhận chữ ký của mình.

Vụ việc này liên quan đến ông Nguyễn Lê Kiều Quang nên theo quy định của pháp luật, để bảo vệ tiền vay của ông đồng thời đảm bảo tiền gửi ở ngân hàng thì trước nhất là phải chờ cơ quan điều tra làm rõ, vì chưa biết ai đúng ai sai.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM, nhận định bản thân ông Nghị cũng có lỗi, vì giao dịch không cẩn trọng, không ý thức bảo vệ tài sản của mình nên kẻ gian mới có cơ hội lợi dụng.

Quyết định số 47 (ngày 25/09/2006) của thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy chế tiền gửi tiết kiệm có nêu ,các khoản tiết kiệm khi sử dụng thẻ làm tài sản cầm cố thì chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu phải cam kết khi đến hạn trả nợ, tổ chức tín dụng cho vay có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm bên vay cho tổ chức tín dụng thu hồi nợ.

Trường hợp này, ở ngân hàng có một sổ tiết kiệm thế chấp, ông Nghị cũng giữ một sổ và hoàn toàn không biết gì về việc quyển sổ kia bị thế chấp. Do vậy sau khi cơ quan chức năng làm rõ sai phạm, nếu không phải sổ do ông Nghị thế chấp thì ông Nghị có quyền khởi kiện đòi ngân hàng bồi thường thiệt hại.

“Dù có phần thiệt thòi cho ông Nghị trong thời gian này, nhưng lỗi ban đầu là do ông khi ông chấp nhận ký khống. Vì vậy, tất cả phải đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng, vì không thể phủ nhận giả thiết ông Nghị và ông Quang có thông đồng hay không?”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

Dù phá sản vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi

Ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết: “Nguyên tắc của ngân hàng là khi có người gửi tiền vào thì phải bảo toàn số tiền của người dân, dù bất cứ trường hợp nào xảy ra, kể cả khi ngân hàng phá sản thì cũng có chính sách để bảo vệ và trả lại tiền cho người dân”.

Ông Kiêm cho rằng, nếu có gì uẩn khúc thì phải nhờ đến cơ quan chức năng chứng minh, làm rõ. Còn trên nguyên tắc, ngân hàng phải bảo toàn số tiền của người dân.

“Phải đưa ra cơ quan pháp luật giải quyết. Nếu ông Nghị không sai trái thì ngân hàng phải hoàn trả số tiền cho ông, tính luôn mức độ thiệt hại và lãi suất cho ông”, ông Kiêm cho hay.

Mở rộng thêm, ông Luật sư Bùi Quang Nghiêm nói, trường hợp các chữ kí trong hồ sơ được giám định không phải của ông Nghị thì ngân hàng buộc phải hoàn trả tiền cho ông ngay, kể cả khi vụ việc tham ô của Nguyễn Lê Kiều Quang chưa được làm rõ.

Luật sư Nghiêm cho biết: “Trong trường hợp đó, chỉ cần ông Nghị còn giữ sổ do ngân hàng phát, thì ngân hàng không viện lý do gì mà từ chối việc trả tiền. Tất cả là do quản lý chưa chặt chẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiết kiệm”.

Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, trường hợp này ông Nghị đã xác nhận tất cả chữ ký đều là của ông, nên cần phải điều tra thêm mới giải quyết thủ tục rút tiền cho ông Nghị được.

Luật sư Nghiêm cho rằng, nếu ngân hàng không có lời giải thích thỏa đáng thì việc ngân hàng từ chối giải quyết cho ông Nghị sẽ làm giảm uy tín của ngân hàng gấp nhiều lần.

Không bao giờ ký tên giao dịch trên giấy trắng

Đây là bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực giao dịch dân sự (nhà đất, ngân hàng,…). Trong giao dịch dân sự liên quan đến những tài sản lớn, người dân tuyệt đối không được ký khống, ký trên giấy trắng.

Thông thường, trong những giao dịch dân sự, ai cũng cần tiền nhanh để chuyển dịch, ngân hàng thì quá đông nên một số nhân viên ngân hàng sẽ đưa giấy để người dân ký khống, giao dịch nhanh. Tuy nhiên, trường hợp này rất dễ xảy ra lừa đảo chếm đoạt tài sản, và các hành vi vi phạm pháp luật cũng bắt đầu từ đây.

Mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình.


Gửi tiết kiệm nhưng không rút được tiền

Khách hàng gửi 400.000 euro, tương đương hàng chục tỷ đồng, tại ngân hàng, song sau đó không rút được tiền. Dưới đây là câu chuyện của khách hàng nói trên.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150316/can-bo-ngan-hang-sai-sao-nguoi-goi-tien-phai-doi/720842.html

Theo Đặng Tươi - Mạnh Khang/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm