Khách hàng 'tố' Viettel vẫn thu cước khi đã chặn tài khoản
Đóng tiền cước đều đặn nhưng đến khi sử dụng, khách hàng mới biết điện thoại đã bị chặn cả 2 chiều. Lý do nhà mạng đưa ra là thuê bao không tiến hành chuyển đổi từ EVN Telecom sang Viettel.
Gần 8 tháng sau khi EVN-Telecom được Viettel tiếp quản (từ ngày 1/1/2012), chị Hương ở Hoàn Kiếm, Hà Nội mới dùng lại chiếc điện thoại cố định EVN đã lắp đặt gần 2 năm trước. Thế nhưng, dù máy hoạt động tốt, sim còn nằm yên trong điện thoại, chị vẫn không thể thực hiện được cuộc gọi. Dùng điện thoại di động nháy vào chiếc máy bàn này, chị càng bất ngờ hơn khi sim EVN Telecom của mình đã bị khóa cả 2 chiều.
“Tôi vẫn đóng cước phí đều đặn hàng tháng, thậm chí có tháng đóng chậm còn bị nhân viên thu cước của Viettel tìm đến nhà vài ba lần, cho đến khi thu xong thì thôi. Cước phí cũng khá rẻ nên mặc dù thường xuyên dùng điện thoại di động, tôi vẫn muốn duy trì số cố định này. Vậy mà suốt 8 tháng qua đóng phí đầy đủ, đổi lại là việc điện thoại đã bị chặn cả 2 chiều”.
Mang thắc mắc của mình gọi tới tổng đài của Viettel, chị Hương được nhân viên nhà mạng cho biết số thuê bao của chị vẫn chưa làm thủ tục chuyển sang mạng mới nên có tình trạng này. Nhân viên tổng đài cho biết, chị cần mang chứng minh thư ra đại lý của Viettel để làm thủ tục chuyển đổi thì mới mở lại máy được.
“Nhân viên thu cước không lần nào nói với tôi về việc chuyển đổi này, nhưng tiền thuê bao hàng tháng vẫn thu đều. Không hiểu số tiền ấy của tôi đi đâu nếu không phải dùng để duy trì dịch vụ điện thoại cố định?”, chị Hương bức xúc.
Khách hàng của EVN Teleom "quên" chuyển đổi sang Viettel nên vẫn bị tính cước dù không được dùng dịch vụ |
Nhớ lại sự việc tương tự cách đây vài tháng, chị Vân - nhân viên phòng kế toán của một công ty trên đường Phạm Hùng, Cầu Giấy - khi đó cũng khá bất ngờ nhận được khiếu nại của các phòng ban về việc điện thoại cố định EVN Telecom của công ty không sử dụng được. Kiểm tra lại hóa đơn, chị vẫn thấy mình đóng đủ tiền cước cho nhà mạng, nhưng chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi thuê bao từ EVN sang Viettel như được thông báo trước đó vài ngày.
“Nhân viên thu cước chỉ thông báo việc chuyển đổi mà không hề nói đến thời hạn. Chỉ được thông báo trước đó ít ngày, trên văn phòng đã tiến hành các bước theo yêu cầu nhưng ở dưới các xưởng trạm vẫn chưa kịp làm nên chúng tôi thấy rất bất ngờ về việc bị khóa máy như thế".
Trao đổi với đại diện của Viettel, vị này khẳng định việc chuyển đổi đã được công ty tổ chức rất nhiều đợt truyền thông để cung cấp thông tin cho khách hàng (từ tháng 1 đến tháng 5/2012) thông qua rất nhiều hình thức như nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên địa bàn xuống tận nơi nhiều lần để thuyết phục khách.
"Chúng tôi chỉ tạm dừng việc hỗ trợ trực tiếp này từ tháng 6/2012. Khách hàng có nhu cầu vẫn được công ty tư vấn quy trình thực hiện qua tổng đài. Đối với những khách hàng sử dụng máy cố định, có thể do thói quen không đọc tin nhắn trong hộp thư của máy nên không nắm được thông báo từ phía công ty. Toàn bộ quy trình hỗ trợ này được lưu trong hệ thống của Viettel nên không thể có chuyện khách hàng bị 'bỏ quên' như thế. Viettel khẳng định mọi khách hàng sử dụng dịch vụ của EVN đều đã được thông báo về nội dung chuyển đổi này trước khi thuê bao bị khóa dịch vụ", đại diện nhà mạng cho biết.
Về vấn đề vẫn thu cước dù thuê bao đã bị khóa cả 2 chiều, vị này cho biết do khách hàng không thông báo cắt dịch vụ nên vẫn phải chịu các chi phí này. "Đây là chi phí nằm trong hợp đồng cung cấp dịch vụ mà nhà mạng đã ký với khách hàng. Do đó, để quyền lợi được đảm bảo, các thuê bao của EVN nên nhanh chóng tới các đại lý của Viettel để được hỗ trợ chuyển đổi".
Hạ Minh
Theo Infonet