Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách hàng nói sẽ kiện Con Cưng ra tòa

Người tố Con Cưng thay mác sản phẩm nói sẽ kiện ra tòa và theo đuổi đến cùng sự việc. Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM nói rằng giải thích của DN những ngày qua chỉ là chữa cháy.

Trao đổi với Zing.vn sáng 25/7, ông Trương Đình Công Vĩnh (phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM), người mua 7 sản phẩm và tố thương hiệu Con Cưng thay nhãn mác sản phẩm có ghi “Made in Thailand”, cho biết không chấp nhận xin lỗi của doanh nghiệp (DN) này mà sẽ kiện ra tòa, vì công ty có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

"Tôi theo đuổi đến cùng vụ việc vì Con Cưng lừa dối khách hàng"

“Hiện nay, hồ sơ vụ việc tôi đã gửi đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương). Tôi đang chờ kết quả trả lời từ đơn vị này, để quyết định kiện Con Cưng ra tòa”, ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh cũng cho rằng hành động thay nhãn mác của thương hiệu mẹ bầu và bé này là không thể chấp nhận. Không chỉ vậy, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tại các cửa hàng Con Cưng ở TP.HCM còn phát hiện nhiều sai phạm khác, như không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Khách hàng này cho rằng đây là hành động lừa dối người tiêu dùng và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý phụ huynh, bởi các sản phẩm doanh nghiệp kinh doanh dành cho mẹ và bé. Ông nói chỉ những người làm cha mẹ mới thấy con cái và sức khỏe của con mình quan trọng thế nào.

“Đến nay tôi vẫn chưa nhận được lời giải thích thỏa đáng nào về nguồn gốc, xuất xứ thật sự của các sản phẩm đã mua, cũng như nhiều mặt hàng khác bán tại cửa hàng Con Cưng. Sau khi có kết quả từ cơ quan chức năng, tôi sẽ đi đến cùng sự việc”, ông Vĩnh nói thêm.

"Giải thích của Con Cưng chỉ là chữa cháy"

Trong khi đó, ngày 22/7, Con Cưng phát đi thông cáo báo chí khẳng định có đầy đủ chứng nhận do cơ quan chức năng Thái Lan cấp, xác nhận sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan với 100% nguyên liệu từ Thái Lan và các nước ASEAN.

Doanh nghiệp còn gửi kèm hình ảnh các chứng nhận sản phẩm được cấp bởi Sở Ngoại thương (Department of Foreign Trade) trực thuộc Bộ Thương mại (Ministry of Commerce) Thái Lan. 

Khach hang doi kien Con Cung ra toa vi nghi trao nhan mac anh 3
Con Cưng giải thích sản phẩm ông Vĩnh khiếu nại là do lỗi của nhà sản xuất Thái Lan. Ảnh: Lê Quân.

Tuy nhiên, theo Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, việc giải thích của Con Cưng trong trường hợp này chỉ mang tính chất “chữa cháy” khi xảy ra sự cố.

“Con Cưng đổ lỗi cho nhà sản xuất Thái Lan là hành động khó có thể chấp nhận, do giao dịch thương mại trong trường hợp này chỉ có Con Cưng và nhà sản xuất biết. Nếu đúng là lỗi của nhà sản xuất, Con Cưng phải khiếu kiện doanh nghiệp này ra tòa, chứ không thể chỉ giải thích thiếu cơ sở như vậy với người tiêu dùng”, bà Thu nói với Zing.vn sáng 25/7.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM nói thêm rằng để trả lời dư luận, Con Cưng cần minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ thực sự những sản phẩm mà công ty đang kinh doanh, đồng thời chấp nhận chế tài nếu có sai phạm. Tuy nhiên, bà lại cho rằng việc này là khó có thể xảy ra, đặc biệt với một doanh nghiệp đang vướng phải sự cố.

“Sau hai ngày kiểm tra của Chi cục QLTT TP.HCM và Cục QLTT, thương hiệu này còn bị phát hiện nhiều sai phạm khác nữa chứ không chỉ như người khách tố. Các lỗi điển hình như không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hơn 5.000 sản phẩm, nhãn chồng nhãn. Tôi cho rằng điều này khiến người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ về nguồn gốc của tất cả mặt hàng Con Cưng đang kinh doanh”, bà Thu đặt vấn đề.

Khach hang doi kien Con Cung ra toa vi nghi trao nhan mac anh 4
Chi cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra các cửa hàng kinh doanh và phát hiện nhiều sai phạm của Con Cưng. Ảnh: Lê Quân.

Theo bà Thu, việc ghi nguồn gốc, dán nhãn của hàng trôi nổi rất dễ thực hiện, và chưa chắc những sản phẩm này có nguồn gốc thực sự ở Việt Nam.

“Trước đây, Con Cưng là thương hiệu uy tín với rất nhiều cửa hàng ở TP.HCM và được nhiều phụ huynh lựa chọn. Tôi không nghĩ uy tín của nhãn hàng sẽ còn nữa sau vụ việc này. Đây là một bài học lớn dành cho Con Cưng cũng như những doanh nghiệp khác”, bà Thu khẳng định.

Doanh nghiệp luôn đặt quyền lợi của khách lên hàng đầu

Về kết quả kiểm tra 3 cửa hàng tại TP.HCM với nhiều sản phẩm bị tạm giữ, bà Nguyễn Hồng Liễu - Trưởng bộ phận pháp lý hành chính của Công ty cổ phần Con Cưng, khẳng định doanh nghiệp luôn cam kết kinh doanh tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu.

“QLTT thu giữ sản phẩm mỹ phẩm TiTiOne vì dán chồng nhãn, là do nhà sản xuất đổi tên. Chúng tôi đã có thông báo của nhà cung cấp gửi đến khách hàng và Con Cưng về việc thay đổi thông tin liên quan sản phẩm TiTiOne. Việc dán nhãn sản phẩm được thực hiện bởi nhà cung cấp, bao gồm cả trường hợp dán nhãn theo tên của pháp nhân mới (Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne) chèn lên nhãn theo tên của pháp nhân cũ (Công ty TNHH G&C)”, bà Liễu cho biết.

Kiểm tra của Zing.vn trên hệ thống của Tổng cục Thuế, Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne và Công ty TNHH G&C có cùng một mã số thuế.

Về bộ quần áo khách hàng Vĩnh ở Tân Bình mua và phát hiện lỗi, đại diện Con Cưng xác nhận có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion), nhưng đây là lỗi từ nhà sản xuất.

Con Cưng đã cung cấp thêm thư xác nhận từ nhà sản xuất Thái Lan WWW International Incorporated (Thailand) Co.

Bà Liễu nói doanh nghiệp đang phối hợp làm việc với các bên. Những hàng hóa bị cơ quan chức tạm giữ do sai quy định về việc ghi thông tin nhãn mác, công ty phối hợp với nhà cung cấp để giải trình với Chi cục QLTT và thông báo đến khách hàng.

Khach hang doi kien Con Cung ra toa vi nghi trao nhan mac anh 5

Quy mô của Con Cưng ra sao trước khi dính khủng hoảng?

Được sự hậu thuẫn tài chính từ các quỹ đầu tư lớn, hệ thống siêu thị Con Cưng đã phát triển thần tốc, vươn lên dẫn đầu về quy mô trên thị trường hàng tiêu dùng mẹ và bé.




Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm