Một báo cáo nghiên cứu thị trường năm 2015 của hãng Nielsen, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi cao nhất khu vực Đông Nam Á (12%) và gấp hơn hai lần mức trung bình toàn cầu là 5%. Hơn 19% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi so với mức 9% toàn cầu. Chính vì vậy Việt Nam cũng được xem là thị trường tiêu thụ tiềm năng với các mặt hàng mẹ và bé, dung lượng thị trường được nhận định khoảng 7 tỷ USD.
Với việc nắm bắt thị trường nhanh và được hỗ trợ rót vốn bởi các quỹ đầu tư lớn, hệ thống bán lẻ Con Cưng đang dẫn đầu thị trường về quy mô dù chỉ mới thành lập được 7 năm.
9 tháng mở 100 cửa hàng sau khi được rót vốn mạnh
Hệ thống siêu thị bán lẻ Con Cưng (Concung.com) ra đời năm 2011 và đến cuối năm 2016 đã cán mốc 100 siêu thị ở TP.HCM và khoảng 20 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống Concung.com cũng phát triển thêm chuỗi bán lẻ đồ chơi Toycity, và thương hiệu thời trang CF (Con Cưng Fashion).
Chuỗi cửa hàng Con Cưng có tốc độ phát triển 100% trong năm 2017. Ảnh: Lê Quân. |
Từ mức doanh thu 114 tỷ đồng năm 2015, đến năm 2017 doanh thu của Con Cưng đã tăng lên 921 tỷ đồng. Tuy vậy công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn 18 tỷ đồng trong năm 2017, trước đó năm 2015 công ty lỗ 98 triệu đồng.
Thuở mới gia nhập thị trường, Con Cưng từng được Seedcom rót vốn nhưng không mạnh tay vì thời điểm đó Con Cưng mới định hình, không đặt kỳ vọng đến doanh thu, lợi nhuận.
Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận được vốn rót từ Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II, do Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities – Nhật Bản) cùng quản lý. Không tiết lộ mức vốn được rót vào nhưng trong lịch sử đầu tư Daiwa- SSIAM II thường dành 4-6 triệu USD cho mỗi khoản.
Nhờ đó, số lượng cửa hàng mở ra rất nhanh. Cuối năm 2016, doanh nghiệp có 100 cửa hàng, thì chỉ 9 tháng sau khi được rót vốn, Con Cưng có 100 cửa hàng tiếp theo. Trong năm 2017, Con Cưng lập mới 130 cửa hàng, cao hơn số lượng mở trong 5 năm trước đó.
Trong thời gian ngắn, hệ thống này đã vượt số cửa hàng của Bibo Mart (thành lập năm 2017 và có 101 cửa hàng) và vượt trội so với số cửa hàng của Kids Plaza (72 cửa hàng).
Bất chấp việc “nam tiến” mạnh mẽ của đối thủ, hệ thống Con Cưng cũng đã chiếm lĩnh thị trường TP.HCM khi dồn lực đầu tư toàn diện cho thị trường này. Hiện doanh nghiệp có tới 105 cửa hàng tại TP.HCM.
Trên toàn quốc, doanh nghiệp đang có 346 cửa hàng (trong đó 313 cửa hàng Con Cưng và 33 cửa hàng ToyCity). Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ đạt con số 500 cửa hàng vào 2018. Tính trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp thành lập mới 1 cửa hàng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu tới năm 2020 có trong tay 1.000 cửa hàng ở cả hai chuỗi.
Nắm trong tay thị phần lớn và cũng nuôi tham vọng giữ vững vị thế này, chuỗi bán lẻ này mong muốn gia tăng quy mô lên nữa với nguồn tài chính lớn hơn. Những người đứng đầu ở Con Cưng đã quyết định mở cửa để Daiwa-SSIAM tham gia sở hữu cổ phần ở công ty. Chiến lược của Con Cưng còn là làm sao trước năm 2020 có thể tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Số lượng cửa hàng của Con Cưng tăng nhanh sau khi được rót vốn đầu năm 2017. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Ở thời điểm SSIAM rót vốn, tổ chức này cho rằng sẽ giúp Con Cưng không chỉ trong thương vụ hiện tại mà còn có những những cam kết hỗ trợ về quản trị, kết nối để tiếp cận được nhiều tổ chức quốc tế khác. Như vậy, về mặt tiềm lực, Con Cưng cơ bản đã được dọn đường và nhận được hậu thuẫn. Vấn đề còn lại là nhanh chóng đạt tới quy mô cửa hàng như mong đợi trong 1-2 năm tới.
Bất ngờ dính khủng hoảng
Đang trên đà tăng trưởng dẫn đầu thị trường mẹ và bé, Con Cưng bất ngờ gặp khủng hoảng liên quan đến nguồn gốc hàng hóa.
Con Cưng có tới 105 cửa hàng tại TP.HCM. |
Cụ thể, sự cố của Con Cưng bắt đầu từ việc ông Trương Đình Công Vĩnh (phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) tố cáo doanh nghiệp bán hàng không rõ nguồn gốc. Theo ông Vĩnh, ngày 22/5, ông có mua tổng cộng 7 sản phẩm dành cho bé ở một siêu thị thuộc hệ thống của Công ty cổ phần Con Cưng (Con Cưng) tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình).
Tuy nhiên khi về nhà, khách hàng này phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion), có ghi xuất xứ từ Thái Lan.
Khách hàng tố cáo vụ việc và hiện nay cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc.
Sự cố này có lẽ sẽ kéo dài khi Cơ quan quản lý thị trường thông tin sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng Con Cưng trên toàn quốc. Ghi nhận ở thời điểm kiểm tra mới đây tại TP.HCM cho thấy một số sản phẩm bị dán tem ghi tên công ty khác chồng lên tên công ty cũ in trên sản phẩm, từ đó gây nghi ngờ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Theo ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT - Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường sẽ ra quân kiểm tra đồng loạt hệ thống Con Cưng trên toàn quốc để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, từ đó sẽ có thông tin chính thức đến người tiêu dùng.
Cơ quan QLTT đã tiến hành kiểm tra hàng hóa trong hệ thống Con Cưng sau khi khách hàng tố cáo. Ảnh: Lê Quân. |
Sau khi vụ việc xảy ra, phía Con Cưng vừa có phản hồi rằng sản phẩm bị lỗi kỹ thuật, đồng thời đã thu hồi toàn bộ lô hàng này trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ khách hàng đã mua sản phẩm.
Hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi. Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được.
Ông Nguyễn Duy Hưng
Theo thống kê của công ty, hiện số lượng sản phẩm lỗi đã bán cho khách hàng là 3.942 sản phẩm. Ngay khi phát hiện, công ty đã thông báo cho khách hàng mua sản phẩm để tiến hành thu hồi và tặng phiếu mua hàng miễn phí qua tin nhắn. Tuy nhiên, đến nay, công ty chỉ mới thu hồi được 47 sản phẩm lỗi đã bán.
Đồng thời, công ty này cũng thu hồi 5.982 sản phẩm trên toàn hệ thống và làm việc, trả lại sản phẩm cho nhà sản xuất.
Con Cưng cũng đã có thông báo chính thức trên website và fanpage về vụ việc. Công ty cho rằng sau khi làm việc với nhà sản xuất, đơn vị này đã xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu thành phẩm, tuy nhiên hàng hóa vẫn đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thái Lan.
Thế như, như ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty SSI (đơn vị quản lý SSIAM là cổ đông của Con Cưng), chia sẻ trên Facebook cá nhân, hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi. Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được.
Thị trường hàng tiêu dùng cho mẹ và bé tương đối nhạy cảm nên sự cố của Con Cưng lại mở ra cơ hội cho đối thủ bứt phá. Với sự cố này, mục tiêu tăng trưởng sắp tới của Con Cưng sẽ gặp nhiều thách thức.Thị trường về hàng tiêu dùng mẹ và bé có thể một lần nữa xoay chuyển cục diện nếu các chuỗi khác nắm bắt được cơ hội sau cú “sẩy chân” của đối thủ.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |