Khác biệt lớn nhất giữa phim chuyển thể và truyện tranh 'The sandman' - Xuất bản - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khác biệt lớn nhất giữa phim chuyển thể và truyện tranh 'The sandman'

Truyện tranh "The sandman" của Neil Gaiman mới được chuyển thể thành phim dài tập. Gaiman và nhà làm phim đã thống nhất thay đổi một số chi tiết giúp cho bản phim mạch lạc hơn.

Sau hơn 30 năm chờ đợi, cuối cùng bộ truyện tranh The Sandman cũng đã được chuyển thể lên màn ảnh thành công. Phần đầu tiên của loạt phim dựa trên bộ truyện tranh đã được phát hành vào tháng 8, với nội dung dàn trải thuộc 2 phần đầu tiên của bộ truyện tranh gốc: Preludes & NocturnesThe Doll's House. Đây là hai phần truyện quan trọng, kiến tạo nên thế giới kỳ thú trong The Sandman.

Bản phim chuyển thể được đánh giá cao vì mức độ trung thành với nguyên tác. Dù bản phim đã thuyết phục được phần đông fan hâm mộ của bộ truyện tranh, lẽ thường tình, đội ngũ sản xuất thay đổi những chi tiết nhất định để chuyển thể mượt mà hơn lên màn ảnh. Một số thay đổi là hoàn toàn nên làm, nhưng một số vẫn tùy thuộc vào quan điểm mỗi người.

The Sandman anh 1

Các nhân vật trong truyện tranh The Sandman. Ảnh: DC Comics.

Sự vắng bóng của mọi liên hệ tới vũ trụ DC

Phim The sandman tỏ ra khá cương quyết từ đầu rằng tác phẩm này không phải một phần thuộc vũ trụ DC. Một trong những chi tiết rõ ràng nhất là nhà làm phim loại bỏ Viện tâm thần Arkham ra khỏi phim. Arkham là nơi giam giữ nhân vật John Dee trong truyện tranh, đồng thời là một địa danh xuất hiện trong nhiều tập của bộ truyện Justice League (Tạm dịch: Liên minh công lý). Trên phim, John Dee bị đặt trong một bệnh viện tâm thần chung chung, quá sạch sẽ so với cách Arkham được miêu tả trong truyện.

Nhân vật thuộc vũ trụ DC duy nhất được đề cập là Constantine. Nhân vật này còn được hoán đổi giới tính trên bản phim.

Sự vắng bóng các nhân vật DC đồng nghĩa với việc nhân vật Lyta Hall cũng bị thay đổi ít nhiều. Dòng máu Amazon hoàn toàn không được đề cập đến, Lyta Hall trên phim chỉ là một người phàm.

Quạ Matthew có vai trò lớn hơn

Trong truyện, Matthew là đồng minh cũ của Swamp Thing nhưng tái sinh lại thành một con quạ biết nói. Mối liên hệ tới Swamp Thing không được đề cập đến trong bản chuyển thể, chỉ có cái chết của Swamp Thing là được nhắc đến thoáng qua.

Quạ Matthew trên phim cũng có vai trò lớn hơn, nhiều nhiệm vụ hơn so với bản truyện. Trong nguyên tác, Matthew xuất hiện lần đầu trong số 11, khi được Dream giao nhiệm vụ cho đi giám sát Cơn lốc Vortex.

Mạch truyện này vẫn xuất hiện trên series, tuy nhiên, quạ Matthew xuất hiện sớm hơn nhiều (trong tập 3) khi được nhân vật Lucienne cử đi phụ giúp Dream tìm lại những báu vật bị mất. Lúc đầu Dream từ chối sự giúp đỡ, quạ Matthew chứng tỏ là một người bạn đồng hành tốt xuyên suốt mùa 1 của loạt phim.

The Sandman anh 2

Cảnh Morpheus đi gặp Cain và Abel. Ảnh: Netflix.

Tái sắp xếp lại một số cảnh quan trọng

Người hâm mộ có thể nhận ra rằng một vài cảnh quan trọng không được sắp xếp theo thứ tự như trong truyện. Ví dụ khi Dream quay lại vương quốc của mình và thấy chỉ còn là một đống đổ nát; trên phim, tình tiết này diễn ra ở ngay tập 2. Tuy nhiên, trong truyện, mãi tới giữa số đầu tiên của tập Imperfect Host, cảnh này mới diễn ra. Sự thay đổi này đã dẫn tới việc hai nhân vật Cain và Abel cũng được giới thiệu sớm hơn trên phim.

Cuộc đương đầu giữa Dream và John Dee cũng diễn ra chóng vánh hơn, trong khi ở bản truyện tranh, tác giả dành cả một số cho cuộc chiến.

Cảnh phim được sắp xếp lại lớn nhất là cuộc gặp giữa Dream và Hob Gadling. Đoạn hồi tưởng về cuộc gặp gỡ của họ vào thế kỷ XIII trong phần Doll’s House của bộ truyện. Tuy nhiên, bản phim kết hợp chi tiết này vào phần The sound of her wings, Dream hồi tưởng lại cảnh ấy ngay sau khi đoàn tụ với Death.

Thay đổi lớn ở nhân vật John Dee và Ethel Cripps

Động cơ sử dụng viên Dreamstone của John trên phim có khác biệt lớn so với trong truyện. Gã không phải một tội phạm mắc chứng hoang tưởng tự đại, mà là một người đàn ông mang trong mình vết thương lòng, muốn sử dụng viên đá để xóa đi nỗi đau ấy. Tuy vậy, động cơ của gã vẫn mang tính ích kỷ, nên có lẽ gã vẫn là một kẻ tự đại.

Bên cạnh đó, ngoại hình của nhân vật này trên phim trông cũng bình thường hơn so với bản truyện - một kẻ suy sụp vì không thể ngủ hay mơ.

Thay đổi với nhân vật Ethel còn lớn hơn. Ethel vẫn là một thành viên của Hội Ancient Mysteries và đã trộm các báu vật từ Roderick Burgess như trong truyện, nhưng giờ đây, Ethel sử dụng Bùa hộ mệnh để lưu giữ tuổi trẻ, đồng thời sử dụng viên ruby để thành công trong sự nghiệp trộm cắp.

Cái chết của nhân vật này cũng khác với nguyên tác. Trong truyện, Ethel chết sau khi con trai bà trốn khỏi Arkham. Trên phim, bà hy sinh mạng sống của mình khi đưa Bùa hộ mệnh cho con trai, bà nhanh chóng già nua và chết gục trước mắt con.

The Sandman anh 3

Johanna Constantine trên phim và John Constantine trong truyện. Ảnh: CBR.

Mối quan hệ của Johanna và Rachel thay đổi

Thay đổi ở nhân vật Constantine không chỉ dừng ở mặt giới tính (Constantine trong truyện là nam). Mối quan hệ của Constantine với bạn gái cũng thay đổi. Trên phim, Johanna rời bỏ Rachel mà không nói một lời nào vì lo rằng Rachel sẽ bị ảnh hưởng bởi tính chất công việc của Constantine. Cho tới khi cô quay lại căn hộ Rachel để tìm túi cát cho Morpheus và tìm thấy Rachel hấp hối trên giường, bị túi cát của Morpheus làm cho mê mị.

Còn ở bản truyện, John Constantine đi “công tác” về và thấy căn hộ mình bị lục lọi, mọi đồ giá trị đều biến mất. Anh mô tả Rachel là một con nghiện ma túy và có lẽ đã đem cầm hết chỗ đồ cô ta trộm ở căn hộ anh. Tuy nhiên, kết cục của Rachel trong truyện cũng giống trên phim.

The Sandman anh 4

Ảnh cắt từ tập phim 24 Hours. Ảnh: Netflix.

Tập 24 Hours “nền nã” hơn

Số 5 của phần truyện Preludes & Nocturnes, 24 Hours được người hâm mộ đánh giá là một trong những số hay nhất của bộ truyện. Số truyện này đặt câu hỏi về giới hạn của ý chí tự do và con người có thể dễ dàng trở thành một loài vật tàn độc khi bản năng nguyên thủy không bị kiểm soát như thế nào.

Đây cũng là tập phim khiến người hâm mộ lo lắng nhất vì không biết nhà làm phim sẽ xử lý thế nào. Tập phim ra mắt cũng nhận nhiều lời khen nhưng không hoàn toàn giống truyện.

Tập phim có vẻ kiềm chế hơn, kém phần dữ dội so với bản gốc. Màn làm tình tập thể trong truyện được thay đổi thành những màn làm tình riêng rẽ trên phim.

Và vì tính cách của nhân vật John Dee trên phim khác trong truyện, gã không khiến cho những vị khách trong nhà hàng tôn sùng gã. Ngược lại, trên phim, họ kinh sợ và ghê tởm gã.

Những thay đổi này khiến cho tập phim 24 Hours có vẻ “nền nã” hơn so với bản truyện gốc hoang dại và man rợ.

Bài liên quan

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm