Thông cáo của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 8/2015 cho biết, tính đến ngày 20/8/2015, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,31% so với cuối 2014.
Đó là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Dữ liệu công bố các năm trước đều ở mức thấp hơn nhiều, dù lệch về thời điểm thống kê trong tháng.
Cụ thể, tính đến 26/8/2014, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 4,5% so với cuối 2013; đến cuối tháng 8/2013 tăng trưởng tín dụng là 6,45% so với cuối 2012; tính đến 20/8/2012 tăng trưởng tín dụng là 1,4% so với cuối 2011.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015 các ngân hàng thương mại vừa công bố cho thấy, nhiều thành viên có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ 2014. |
Diễn biến tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2015 đã thể hiện hướng cải thiện rõ so với những năm trước, trải khá đều thay vì dồn vào những tháng cuối năm.
Và năm nay, với tốc độ đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng có thể đạt tới 17%.
Cùng với tín dụng tăng trưởng mạnh hơn, hệ số lãi biên (NIM) mà các ngân hàng thương mại có được có hướng nhích lên.
Cụ thể, theo tổng hợp của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố mới đây, NIM của các ngân hàng thương mại đã nhích lên 2,74% sau khi giảm từ mức 2,8% năm 2013 xuống 2,7% trong năm 2014.
“Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số NIM tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến khả năng sinh lời của khối ngân hàng thương mại giảm”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lý giải.
Trên thực tế, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015 mà các ngân hàng thương mại vừa công bố cũng cho thấy, nhiều thành viên có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ 2014, mà nguyên do là nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng.