Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao tín dụng 'chạy xồng xộc' vào cuối năm?

Giới chuyên gia tài chính cho rằng, đặc biệt tháng 12 thị trường còn chứng kiến bước nhảy ngoạn mục của tín dụng và sẽ cán đích mục tiêu tăng trưởng 12 - 14% đặt ra hồi đầu năm.

Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 27/11 đã tăng 10,22% so với cuối năm 2013. Nếu so với con số ngày 30/10 là 8,63% thì tín dụng đã có một bước nhảy vọt. Còn nếu so với con số ngày 24/10 là 7,85% thì tín dụng cũng đã có bước nhảy khá dài.

Tại sao tín dụng lại “chạy xồng xộc” ở những tháng cuối năm? Câu hỏi đặt ra từ nhiều năm nay dường như đã có câu trả lời, đó là để đạt chỉ tiêu tín dụng, nhiều ngân hàng đã dùng biện pháp tăng trưởng kỹ thuật. Cách làm này không rủi ro, không tăng khả năng sinh lời, nhưng các ngân hàng có thể đạt chỉ tiêu tín dụng để làm cơ sở trình xin “quota” tín dụng năm sau.

Tín dụng sẽ cán đích

Hồi đầu tháng 11, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến 31/10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,63% nhưng cơ quan này sẽ không điều chỉnh mục tiêu và tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% trong năm 2014.

Theo ông Đông, mức tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm chưa cao là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. 

“Với việc chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra của ngành ngân hàng, cũng như quy luật tín dụng thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, NHNN tin tưởng và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% trong năm 2014”, ông Đông nhấn mạnh. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cũng dự báo tín dụng sẽ cán đích mục tiêu 12 - 14%. Tuy nhiên, khi nói về động lực nào cho tăng trưởng tín dụng thì ông Ngân không đưa ra câu trả lời.

Trả lời vấn đề này, ông Đông cho biết cuối năm nhu cầu vay của các doanh nghiệp thường tăng cao vào cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường, tăng vào các dịp như tết dương lịch, tết nguyên đán... “Bản thân các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cũng đẩy mạnh hoạt động để hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm. Tín dụng cũng vì thế tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu là bình thường”, ông Đông chia sẻ.

Động lực nào cho tín dụng?

Tuy nhiên, thực tế của nền kinh tế thì sao? Liệu tăng trưởng tín dụng này có phải là tiếng nói của nền kinh tế, của khu vực sản xuất? Con số mà Tổng cục Thống kê vừa đưa ra về chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng chỉ là 2,6%, thấp hơn rất nhiều so với con số dự đoán của các chuyên gia trước đó. Con số này nói lên điều gì?

Một chuyên gia kinh tế bình luận, lạm phát là vấn đề có thể dự báo sớm. “Việc lạm phát đến nay chỉ 2,6% là điều có thể báo trước bởi nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Điều này đã được nói rất nhiều, thực tế là ngân hàng không cho vay được. Tín dụng mới chuyển dịch trong mấy tháng gần đây”, vị này bình luận.

Theo ông, CPI thấp là điều đáng lo ngại, đó là sức mua giảm xuống có nghĩa là sự luân chuyển hàng hóa chậm lại. Điều đó có nghĩa, lạm phát thấp sẽ tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết những thông tin bước đầu ghi nhận được là tình hình kinh tế, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. “Đó là sản lượng công nghiệp sản xuất tăng trưởng chậm, xuất khẩu ở một số lĩnh vực không tăng mà thậm chí còn giảm, số lượng công ăn việc làm được giải quyết ít hơn, thanh khoản thị trường bất động sản rất kém và các lĩnh vực liên quan như xi măng, sắt thép, xây lắp đang khó khăn”, ông Ngoạn phân tích.

Với tất cả các lĩnh vực trong thị trường đều đang gặp khó khăn như vậy thì động lực nào để tăng trưởng tín dụng? Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu trì trệ và cần có giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. 

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng với chu kỳ của nền kinh tế thì nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng lên. Nên việc tăng trưởng thêm 2% trong tháng cuối năm là không khó. Bởi thời điểm này, Chính phủ cũng có nhu cầu tín dụng, người dân cũng có nhu cầu tín dụng. 

Đặc biệt, với sự cổ động của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang ráo riết “chạy” chỉ tiêu tín dụng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cũng không loại trừ yếu tố kỹ thuật. Một chuyên gia ngân hàng cho biết, trong quá khứ, một số ngân hàng đã sử dụng biện pháp tăng trưởng kỹ thuật để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, hoặc ngân hàng B cho một doanh nghiệp A vay tiền và doanh nghiệp này lại đem khoản tiền này đến chính ngân hàng đó để gửi tiết kiệm, để thế chấp cho khoản vay mới. Hoặc doanh nghiệp có tiền mặt đem đến ngân hàng gửi tiền và ngân hàng dùng tiền này để cho chính doanh nghiệp đó vay. Trường hợp này chỉ xảy ra với những doanh nghiệp là sân sau, công ty con, công ty thành viên của ngân hàng. 

Theo vị chuyên gia này, các làm này không gây rủi ro cho ngân hàng và doanh nghiệp nhưng với một ngân hàng lành mạnh thì không được làm như vậy. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, ngân hàng không nên áp dụng cách này. 

“Quan trọng hơn, với việc tăng trưởng tín dụng theo chu kỳ như vậy liệu có ý nghĩa với tăng trưởng của nền kinh tế? Tín dụng nên tăng trưởng đều trong các quý của năm, chứ không phải đến quý IV mới “chạy xồng xộc” như vậy thì làm gì có ý nghĩa với tăng trưởng của nền kinh tế”, vị này bình luận.

Thực tế, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về việc tăng trưởng tín dụng không được giật cục, phải trải đều trong các quý. Nội dung này cũng có trong nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này cũng vẫn lặp lại. 

Câu hỏi đặt ra liệu bao nhiêu tín dụng mới đổ vào nền kinh tế, sản xuất, bao nhiêu tăng trưởng là kỹ thuật? 

Vì sao Ngân hàng Nhà nước thay 'biển báo tốc độ'?

Chuyện mát ga và “lãng mạn thi ca” trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là có thực, nhưng cũng đã có những rủi ro...

http://bizlive.vn/ngan-hang/tai-sao-tin-dung-chay-xong-xoc-vao-cuoi-nam-623864.html

Theo Trần Giang/ Bizlive

Bạn có thể quan tâm