Khoảng 16h15, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Thái Lan đã công bố kết quả kiểm đếm 95% phiếu bầu, qua đó quyết định 350 ghế tại hạ viện (tổng số 500 ghế) dựa theo khu vực bầu cử.
Đảng Pheu Thai, đảng chính trị có liên hệ với cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, hôm 25/3 cho biết họ đã bắt đầu đàm phán với các đảng chống chính quyền quân sự khác để thành lập chính phủ.
"Việc thành lập chính phủ này phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân và đưa đất nước tiến lên theo đường lối dân chủ hơn", Sudarat Keyuraphan, ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thái, nói trong cuộc họp báo, theo Reuters.
Những người ủng hộ đảng Palang Pracharat cầm poster in hình ông Prayut. Ảnh: AP. |
Không lâu sau đó, đảng Palang Pracharat, vốn mới được thành lập năm ngoái bởi các đồng minh quân đội của đương kim thủ tướng Prayut Chan-o-cha, cũng tuyên bố tương tự.
"Palang Pracharat sẽ nói chuyện với các đảng có cùng lý tưởng và quan điểm để đưa đất nước tiến lên, và việc này sẽ cần chút thời gian", người phát ngôn Kobsak Pootrakool nói.
Mỗi bên đều phải có được tối thiểu 376 ghế của cả hạ viện (500 ghế) và thượng viện (250 ghế do quân đội chỉ định) của Thái Lan để thành lập chính phủ. Do đó, cuộc chạy đua để tìm kiếm liên minh được dự đoán là rất gay cấn.
Đảng Future Forward, giành được sự ủng hộ của giới trẻ, cho biết họ sẽ tham gia liên minh nào cam kết sửa lại hiến pháp hiện nay, loại bỏ quyền lực của quân đội khỏi hiến pháp, theo Khaosod. Đảng cũng kêu gọi ủy ban bầu cử công khai mọi thông tin liên quan đến quy trình bỏ phiếu, bao gồm số phiếu giấy được in, bao nhiêu phiếu được phát và bao nhiêu người đi bỏ phiếu ở mỗi điểm.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính của quân đội năm 2014, đưa tướng Prayut lên lãnh đạo chính quyền quân sự.
Phumtham Wechayachai, tổng thư ký của đảng Pheu Thai, số phiếu bầu cho các đảng phái chống chính quyền quân sự cho thấy mong muốn quay lại chế độ dân chủ và điều đó phải được tôn trọng.
"Từ hôm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán với các đảng khác (để thành lập chính phủ)", ông nói trong cuộc họp báo.