Đám cưới không còn là giấc mơ của nhiều cô gái Nhật Bản. Ảnh: J.E. |
Ở đây tôi muốn hỏi, ngày hôm qua, bạn đã bao nhiêu lần đưa ra lựa chọn? Hãy chuẩn bị một tờ giấy rồi cố gắng nhớ lại xem từ lúc thức dậy vào buổi sáng cho đến lúc đi ngủ, bạn đã lựa chọn bao nhiêu lần, là những lựa chọn gì, sau đó viết tất cả ra giấy. Kể cả những việc đã trở thành thói quen rất tự nhiên như thức dậy vào cùng một giờ hay đánh răng rửa mặt, bạn cũng hãy tính hết vào nhé, bởi chúng đều là những lựa chọn bạn cần cân nhắc mà.
Được rồi, vậy tất cả có bao nhiêu lựa chọn? Đó là những lựa chọn gì?
Theo nghiên cứu, trung bình trong một ngày, chúng ta lựa chọn đến khoảng 70 lần!
Như vậy, nếu trong 70 cơ hội lựa chọn “nên làm thế nào” đó, bạn luôn luôn đưa ra những lựa chọn khác nhau thì sao? Giả sử rằng tất cả những lựa chọn đều có hai phương án và chúng ta luôn phải liên tục lựa chọn, thì đến cuối ngày chúng ta có đến 270 khả năng, tương đương với 1.180.591.620.717.411.303.424 cách thức khác nhau để sống cuộc đời của mình. (Trong trường hợp có hơn 3 lựa chọn thì số lượng những khả năng khác nhau ấy sẽ còn lớn hơn rất nhiều).
Nói cách khác, chỉ cần đưa ra lựa chọn khác với bình thường thôi thì đến cuối một ngày, ta sẽ sở hữu 24 giờ hoàn toàn khác biệt, chỉ là một khả năng trong số 1.180.591.620.717.411.303.424 khả năng có thể xảy ra, và cuối cùng dẫn đến một cuộc đời hoàn toàn khác biệt.
Trước thời kỳ hiện đại, phụ nữ hầu như không hề có cơ hội nào để lựa chọn cuộc đời của chính bản thân mình.
Ví dụ như hình tượng được miêu tả trong những bộ phim Taiga [1], người phụ nữ thời Chiến quốc thường bị biến thành con tin hay là đối tượng của những cuộc hôn nhân chính trị để phục vụ cho gia tộc. Số phận của họ là phải cống hiến bản thân vì sự phát triển của gia tộc mình.
Phụ nữ bị yêu cầu phải ở trong nhà và làm tròn nhiệm vụ sinh con đẻ cái, nuôi dưỡng chúng nên người. Họ dường như không bao giờ được lên tiếng nói ra điều mình mong muốn hay lựa chọn bất cứ thứ gì (bao gồm cả việc học tập và hoạt động ngoài xã hội).
Đến tận năm 1945, phụ nữ mới có quyền được đi bầu cử. Sau đó, về mặt giáo dục, những trường học dành cho cả nam lẫn nữ dần dần xuất hiện. Dù Đạo luật Bình đẳng giới trong công tác tuyển dụng đã được thông qua vào năm 1986, nhưng trên thực tế, tình hình vẫn còn khác xa với những gì người ta mong đợi.
Sau đó, vào năm 1991, Đạo luật về Chế độ nghỉ thai sản (được đổi tên thành Đạo luật về Chế độ nghỉ thai sản và chăm sóc con cái năm 1995) được ban hành, hỗ trợ người đi làm đạt được sự cân bằng giữa công việc gia đình và thúc đẩy sự bình đẳng giữa nam - nữ.
Cuốn sách Khéo lựa chọn để thêm hạnh phúc. Ảnh: T.H. |
Tiếp theo đó, vào tháng 4 năm 2016, Đạo luật Thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ được thi hành, nêu ra nhiệm vụ “phải tìm ra những sáng kiến mang tính bao quát để phụ nữ có khả năng làm việc dựa trên mong muốn của bản thân”.
Và nghe có vẻ thật lạ, nhưng phải đến tận những năm gần đây, phụ nữ mới có được nhiều cơ hội hơn để tự do lựa chọn trong cuộc đời của chính họ.
Ngay cả bản thân tôi khi bước ra ngoài xã hội vào thập niên những năm 90, phụ nữ lúc bấy giờ cũng chỉ thường đi làm công việc văn phòng ở các công ty (công việc văn phòng thời đó có nghĩa là “phục vụ trà nước”), sau đó sẽ nghỉ việc để kết hôn và sinh con. Đó được coi là con đường hoàng kim của người phụ nữ trong thời điểm ấy.
Nhìn chung, lúc đó cả nam giới và nữ giới đều có khuynh hướng suy nghĩ rằng, một khi đã kết hôn và sinh con, phụ nữ gần như bắt buộc phải từ bỏ công việc của mình. Tuy đây là một cách nói rất bất lịch sự, nhưng ấy là thời đại mà những người phụ nữ nếu qua 25 tuổi vẫn chưa kết hôn sẽ bị gọi là “bánh Giáng sinh bị ế”. [2]
[1] Phim Taiga là tên thể loại phim truyền hình hư cấu lịch sử được chiếu xuyên suốt năm trên đài NHK, trung bình mỗi năm một bộ, thường nói về cuộc đời của một nhân vật lịch sử nào đó.
[2] Bởi vì bánh Giáng sinh đến ngày 25 sẽ không còn bán được cho ai nữa.