Cô nàng cửa hàng tiện ích là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Murata Sayaka được dịch sang tiếng Anh. Tác phẩm đã bán được hơn một triệu bản tại Nhật Bản và được dịch ra 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.
Tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Furukura Keiko đã ở độ tuổi 36 nhưng vẫn độc thân và làm công việc bán thời gian tại cửa hàng tiện ích suốt 18 năm liên tục.
Sách Cô nàng cửa hàng tiện ích, bản chuyển ngữ tiếng Việt xuất bản năm 2019. |
Ngay từ khi sinh ra Keiko đã bị những người xung quanh xem là quái dị. Cô luôn gặp vấn đề khi ứng xử với những sự việc xung quanh, như khi bắt gặp một con chim nhỏ bị chết, mọi người đau đớn và tìm cách chôn con chim, nhưng Keiko chỉ nghĩ đến món thịt chim ngon tuyệt. Hay khi ở trường, cô có thể dùng xẻng đập vào người bạn học để can ngăn sự vụ đánh nhau…
Suốt những năm đi học, cô sống lặng lẽ, ít giao tiếp với mọi người. Việc duy nhất cô làm, là cố gắng để trở thành một người bình thường, được là một mắt xích của xã hội theo lời khuyên răn của cha mẹ, nhưng đó là điều vô cùng khó khăn. Cho đến khi đang học đại học, cô trở thành nhân viên bán thời gian ở cửa hàng tiện ích 24 giờ, mọi việc mới bắt đầu khả quan. Ở đó, mọi người mặc đồng phục, hàng ngày lặp lại những câu “Kính chào quý khách”, “Cảm ơn quý khách”. Ở đó, Keiko có thể bắt chước cách nói năng, ăn mặc của những người đồng nghiệp, để “hóa trang” mình thành một người bình thường trong xã hội suốt 18 năm.
Cho đến khi đời Keiko va phải Shiraha, một kẻ tồi tệ, ăn bám, chuyên chửi rủa xã hội. Shiraha đã khiến Keiko phải đối diện với những quy ước thông thường của xã hội, buộc cô tin rằng, muốn trở thành người bình thường, cô phải kết hôn và trở thành nhân viên công sở toàn thời gian.
Trong xã hội hiện đại ấy, nếu bạn không yêu, không kết hôn, không phải nhân viên chính thức, bạn không thể bình thường. |
Cô quyết định sống thử với Shiraha, nghỉ việc ở cửa hàng tiện ích, nghe lời Shiraha tìm một công việc mới.
Nhưng đó có thật là điều sẽ khiến Keiko hòa nhập được với xã hội bình thường hay nó chỉ càng đẩy cô đi xa hơn, khiến cô chật vật với chính bản thân mình, để tìm kiếm “con người bình thường”, như cô khao khát.
Cuốn tiểu thuyết ngắn Cô nàng cửa hàng tiện ích của nhà văn Murata Sayaka, bằng lối viết hóm hỉnh, với đầy những chi tiết hài hước đã tạo nên những tiếng cười mỉa mai, mô tả bản chất sâu sắc của xã hội đương đại Nhật Bản.
Xã hội hiện đại, tiện nghi, công nghiệp, chỉ muốn sản sinh ra những sản phẩm hàng loạt, giống nhau. Trong xã hội hiện đại ấy, nếu bạn không yêu, không kết hôn, không phải nhân viên chính thức, bạn không thể bình thường. Bạn sẽ trở thành chủ đề bàn tán của cả xã hội, trở thành mối lo lắng cho những người thân trong gia đình. Bạn giống như một sinh vật quái dị, đáng thương và trở thành “hàng tồn”, chịu sự oán trách của xã hội.
Cuốn tiểu thuyết rất ngắn, cốt truyện đơn giản, nhưng lại mang trong mình nhiều ẩn dụ về con người đương đại. Những con người bị thất lạc trong chính đồng loại của mình, gồng mình lên đóng vai con người, nhưng luôn cô đơn phía sau chiếc mặt nạ con người của chính mình.
Đọc Cô nàng cửa hàng tiện ích, chứng kiến Keiko loay hoay để được con người chấp nhận, có thể độc giả sẽ bất chợt nhớ đến tiểu thuyết nổi tiếng Thất lạc cõi người của nhà văn Dazai Osamu. Dù thời đại và lối viết của hai tác giả hoàn toàn khác nhau, nhưng sợi dây kết nối giữa họ lại chính là những con người dị biệt trong xã hội, những con người không bao giờ được chấp nhận.
Tác giả Murata Sayaka, chủ nhân giải thưởng Akutagawa danh giá năm 2016. |
Nhưng hoàn toàn khác cảm giác tuyệt vọng cô đơn khi đọc Thất lạc cõi người, đọc Cô nàng cửa hàng tiện ích, độc giả sẽ cười liên tục, cho đến tận giây phút cuối cùng, phấn khởi mà reo vui, bởi Keiko sẽ không làm bạn thất vọng. Nếu bạn đang độc thân, bạn đang lang thang, bạn đang vô gia cư, hay bạn đang làm bán thời gian, bạn đang bị những người xung quanh gào thét… Ồ, đừng sợ, hãy theo dõi Keiko, để cô ấy cho bạn trải nghiệm: "Nếu ai đó bảo bạn không bình thường, chuyện đó cũng bình thường thôi". Bạn sẽ tìm ra cách của chính mình.
Cô nàng cửa hàng tiện ích là cuốn tiểu thuyết thứ mười của Murata Sayaka, giành được giải thưởng Akutagawa danh giá năm 2016. Nhà phê bình Atsushi Kotani đã ca ngợi: “Cô nàng cửa hàng tiện ích là cuốn tiểu thuyết thú vị nhất trong lịch sử Giải thưởng Akutagawa".
Murata Sayaka là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng của Nhật Bản. Cô sinh năm 1979 tại thành phố Inzai, tỉnh Chiba. Cô đã giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín như: Giải thưởng Gunzo cho nhà văn trẻ năm 2003, giải thưởng Mishima Yukio năm 2013. Năm 2016, cô được vinh danh “Người phụ nữ của năm” do tạp chí Vogue bình chọn, khiến cái tên Murata Sayaka tạo thành cơn sốt tìm kiếm trên mạng.