Theo New York Times, tỷ phú Hứa Gia Ấn từng được xem là một trong những biểu tượng cho sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. Ông góp phần đưa những ngôi làng nghèo khó thành các đô thị cho tầng lớp trung lưu non trẻ của đất nước.
Tập đoàn của ông Hứa - China Evergrande - là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất đất nước 1,4 tỷ dân. Nhưng China Evergrande đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ.
Chiến lược vay nợ ồ ạt từng là động lực tăng trưởng của Trung Quốc, giờ trở thành mối đe dọa đối với nền kinh tế. Chính quyền Bắc Kinh đã phát đi những tín hiệu cho thấy họ không còn ủng hộ việc vay nợ để mở rộng kinh doanh. Ông Hứa và tập đoàn của ông trượt đến bờ vực sụp đổ.
Gần 800 dự án nằm tại 200 thành phố của China Evergrande vẫn chưa được hoàn thành. Ảnh: New York Times. |
Biểu tượng một thời
Khoản tiền phải trả của China Evergrande đã lên đến 305 tỷ USD. Hôm 23/9, tập đoàn không thể trả 84 triệu USD lãi trái phiếu coupon cho các trái chủ. Khoản lãi 47,5 triệu USD của một trái phiếu khác cũng sẽ đến hạn thanh toán vào tuần tới.
Các khách mua nhà, trái chủ, nhà đầu tư, nhà thầu và ngân hàng làm ăn với China Evergrande đều lao đao.
Nhiều nhà đầu tư cảnh báo về "khoảnh khắc Lehman Brothers" thứ hai. Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo New York Times, hố nợ của China Evergrande đã phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng của tập đoàn địa ốc khổng lồ cũng là phép thử cho các nỗ lực cải cách của giới chức Bắc Kinh.
Bắc Kinh buộc phải chọn giữa duy trì sự ổn định xã hội và tài chính, hoặc tiếp tục theo đuổi chiến dịch chấn chỉnh ngành bất động sản.
China Evergrande không chỉ bán một căn hộ nhỏ cho khách mua nhà. Khách hàng còn được sống trong một khu phức hợp khổng lồ với hàng chục tòa nhà giống hệt nhau.
China Evergrande tập trung xây dựng những căn hộ giá cả phải chăng, phục vụ bộ phận người mua đông đảo hơn. Ảnh: New York Times. |
Theo South China Morning Post, vào cuối những năm 1990, trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các doanh nghiệp quốc doanh thống trị ngành công nghiệp bất động sản. Bởi họ có khả năng tiếp cận những vị trí đắc địa nhất.
Ở thời điểm đó, các căn hộ thường lớn và đắt đỏ, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người tiêu dùng, trừ những người mua giàu có.
Trong khi đó, ông Hứa tập trung xây dựng những căn hộ giá cả phải chăng, phục vụ bộ phận người mua đông đảo hơn. Bởi ông cũng từng là một đứa trẻ nông thôn mơ về cuộc sống thành thị. Ông Hứa vay tiền để xây dựng với chi phí thấp, bán các căn hộ chưa hoàn thành và sử dụng dòng doanh thu cao đầu tư lại vào tập đoàn.
Với chiến lược vay tiền ồ ạt, tập đoàn của ông Hứa đã phát triển từ một công ty nhỏ, nhân viên chưa tới 10 người, thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc.
Ông Hứa đại diện cho một phần rất quan trọng của cải cách kinh tế Trung Quốc
Giáo sư Victor Shih tại Đại học California, San Diego
China Evergrande thường đầu tư mạnh tay vào các dự án ở tỉnh. Những dự án này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quan chức địa phương.
"Công ty của ông Hứa không thể trở nên lớn mạnh như thế nếu không có sự hợp tác của các ngân hàng lớn nhất đất nước", giáo sư Victor Shih tại Đại học California, San Diego, bình luận. "Đằng sau đó có thể là sự trợ giúp của những quan chức cấp cao với rất nhiều ảnh hưởng", ông nói thêm.
Để thúc đẩy sự phát triển của China Evergrande, ông Hứa thường vay 2 lần trên mỗi dự án mà ông phát triển. Trước tiên, ông vay từ các ngân hàng. Sau đó, ông vay của khách mua nhà. Nhiều người mua nhà thậm chí trả trước 100%.
Khi China Evergrande và các đối thủ cạnh tranh tích cực mở rộng, bất động sản đã đóng góp 1/3 vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. China Evergrande xây dựng hơn 1.000 dự án ở hàng trăm thành phố và tạo ra hơn 3,3 triệu việc làm mỗi năm.
"Ông Hứa đại diện cho một phần rất quan trọng của cải cách kinh tế Trung Quốc", ông Shih nhận định. "Ông ấy sử dụng trí thông minh và sự táo bạo của mình để mở rộng các hoạt động kinh doanh. Chúng rất quyết liệt, thậm chí nguy hiểm nếu nhìn từ góc độ kế toán tài chính", ông nói thêm.
Với khả năng tiếp cận nguồn tiền rẻ và tham vọng lớn, ông Hứa đã mở rộng sang các lĩnh vực mà China Evergrande không có chuyên môn hay kinh nghiệm. Đó là nước đóng chai, xe điện, chăn nuôi lợn và thể thao chuyên nghiệp.
Biểu tượng sụp đổ
"Các công ty như China Evergrande đã kiếm hàng tỷ USD dựa vào kế hoạch bán trước (bán những căn hộ hoàn thành trong tương lai) và đòn bẩy cao trong những ngày đầu của cải cách kinh tế Trung Quốc", giáo sư Gan Li tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam bình luận.
"Giờ đây, thời thế đã thay đổi. Những gì chính phủ cần không phải là các công ty hay tỷ phú sử dụng đòn bẩy tài chính cao, mà là lĩnh vực này trở lại mức tăng trưởng hợp lý", ông nói thêm.
Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt, những thiệt hại do khoản nợ khổng lồ của China Evergrande đã trở nên khó có thể làm ngơ. Gần 800 dự án của tập đoàn vẫn chưa được hoàn thành, rải rác trên khắp 200 thành phố của Trung Quốc.
Các khách mua nhà, nhân viên và nhà thầu kéo đến văn phòng của tập đoàn để đòi lại tiền. Giới quan sát lo ngại họ sẽ vô tình trở thành nạn nhân của chiến dịch cắt giảm nợ của chính quyền Bắc Kinh.
Đó không phải là số tiền nhỏ đối với chúng tôi. Nó có thể khiến chúng tôi phá sản
Ông Yong Jushang, một nhà thầu của China Evergrande
Ông Yong Jushang - một nhà thầu của China Evergrande - vẫn chưa được thanh toán 460.000 USD vật liệu và tiền công dù đã hoàn thành từ tháng 5. Ông rơi vào tuyệt vọng vì có thể không còn tiền thuê công nhân và đánh mất các đối tác khác.
Ông Yong Jushang thậm chí đe dọa sẽ chặn các con đường xung quanh dự án của China Evergrande, cho đến khi tập đoàn chịu thanh toán tiền. "Đó không phải là số tiền nhỏ đối với chúng tôi. Nó có thể khiến chúng tôi phá sản", ông Yong than thở.
Anh Hu, 31 tuổi, một nhà đầu tư của China Evergrande, đã đi tàu suốt 20 giờ để tham gia biểu tình bên ngoài trụ sở của tập đoàn ở Thâm Quyến. Ban đầu, anh đầu tư 100.000 NDT sau khi nhân viên China Evergrande mời chào. Khi được trả 7%, anh Hu vay thêm tiền để tăng khoản đầu tư ban đầu lên 800.000 NDT. Giờ, anh sợ sẽ không thể nhận lại tiền.
Ông Yong, anh Hu, các nhà thầu, khách mua hàng và nhà đầu tư nhỏ lẻ khác là thách thức lớn nhất của chính quyền Bắc Kinh. Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi chiến dịch hạ đòn bẩy và để China Evergrande sụp đổ. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc gia tài của hàng triệu người bốc hơi theo đế chế của ông Hứa.
"Đáng nhẽ, Bắc Kinh phải làm việc này từ 10 năm trước. Họ chỉ bắt đầu cố gắng cải cách lĩnh vực bất động sản vì giá đã tăng quá nóng", giáo sư tài chính Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh nhận định.
Các khách mua nhà, nhân viên và nhà thầu kéo đến văn phòng của China Evergrande để đòi lại tiền. Ảnh: New York Times. |
"Họ càng để lâu, cái giá phải trả để sửa chữa càng đắt hơn", ông bình luận.
Tháng 8, các cơ quan quản lý Bắc Kinh đã triệu tập ban lãnh đạo của China Evergrande và thúc giục tập đoàn giải quyết vấn đề nợ. Khi mối lo ngại về tác động của bom nợ China Evergrande đối với nền kinh tế ngày càng lớn, Bắc Kinh đã đổ vốn vào hệ thống ngân hàng. Đó được coi là nỗ lực xoa dịu những xáo trộn trên thị trường.
"Vấn đề không chỉ dừng lại ở China Evergrande. Bắc Kinh đã và đang chống lại việc đầu cơ bất động sản. Chính quyền sẽ không muốn lùi bước trong cuộc chiến đó", ông Logan Wright - Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc của công ty tư vấn Rhodium Group - bình luận.
Tập đoàn của ông Hứa cũng đang tìm cách bán bớt tài sản để có thêm tiền mặt. Tuy nhiên, mới đây, China Evergrande thừa nhận rằng kế hoạch này không có nhiều tiến triển.