Vào một ngày đầu năm 2017, ông Hứa Gia Ấn họp với các nhân viên ở Quảng Châu. Tại đây, ông đưa ra mục tiêu phát triển và đa dạng hóa táo bạo cho China Evergrande trong bài phát biểu dài 3 tiếng đồng hồ.
Tập đoàn bất động sản Trung Quốc muốn đạt doanh thu 1.000 tỷ NDT (tương đương 154,8 tỷ USD) trong năm 2020, gần gấp 5 lần doanh thu năm 2016.
Theo South China Morning Post, cùng lúc đó, một "cơn bão quy định" đang đổ bộ. Bắc Kinh đã tuyên bố bắt đầu cắt giảm đòn bẩy doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà chức trách Bắc Kinh tập trung vào các tập đoàn như Anbang Insurance Group, HNA Group Co. và một nhà phát triển bất động sản khác là Dalian Wanda Group Co.
Đó là những tập đoàn đang đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài, vốn bị coi là một cách rút tiền khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, China Evergrande vẫn tích cực mở rộng trong nước.
Giờ đây, tập đoàn của ông Hứa trở thành nhà phát triển bất động sản nợ nần nhất thế giới. Tổng khoản nợ phải trả lên đến 300 tỷ USD.
Tham vọng lớn
Ông Hứa - nhà sáng lập của China Evergrande - sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Gaoxian, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Ông lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà nội. Mẹ của ông Hứa qua đời vì căn bệnh ung thư khi ông chưa tròn 1 tuổi. Ông Hứa từng học luyện kim ở Viện Gang thép Vũ Hán, trước khi tìm việc làm tại nhà máy thép địa phương.
Năm 1987, một chính sách đã được ra đời theo yêu cầu cải cách của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Chính quyền Thâm Quyến lần đầu bán quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp quốc doanh, tạo tiền đề cho việc sử dụng đất công làm nhà ở.
Một năm sau động thái tiên phong của Thâm Quyến, Trung Quốc ban hành một luật quốc gia, chính thức xác định khái niệm nhà ở thuộc sở hữu tư nhân. Năm 1992, ông Hứa từ bỏ công việc tại nhà máy thép để đến miền nam Trung Quốc. Đây cũng là nơi ông bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên.
Thời gian đầu, ông phải ngủ ở hành lang hoặc gian bếp khi làm phụ trách một văn phòng công ty. Bốn năm sau, ông Hứa đặt dấu mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp khi thành lập China Evergrande tại Quảng Châu. Tập đoàn đã bắt đầu xây dựng các căn chung cư cao tầng và bán cho người mua.
Vào cuối những năm 1990, trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các doanh nghiệp quốc doanh thống trị ngành công nghiệp bất động sản. Bởi họ có khả năng tiếp cận những vị trí đắc địa nhất. Ở thời điểm đó, các căn hộ thường lớn và đắt đỏ, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người tiêu dùng, trừ những người mua giàu có.
Trong khi đó, ông Hứa tập trung xây dựng những căn hộ giá cả phải chăng, phục vụ bộ phận người mua đông đảo hơn. Bởi ông cũng từng là một đứa trẻ nông thôn mơ về cuộc sống thành thị. Ông Hứa vay tiền để xây dựng với chi phí thấp, bán các căn hộ chưa hoàn thành và sử dụng dòng doanh thu cao đầu tư lại vào tập đoàn.
"Các công ty như China Evergrande đã kiếm hàng tỷ USD dựa vào kế hoạch bán trước (bán những căn hộ hoàn thành trong tương lai) và đòn bẩy cao trong những ngày đầu của cải cách kinh tế Trung Quốc", giáo sư Gan Li tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam bình luận.
"Giờ đây, thời thế đã thay đổi. Những gì chính phủ cần không phải là các công ty hay tỷ phú sử dụng đòn bẩy tài chính cao, mà là lĩnh vực này trở lại mức tăng trưởng hợp lý", ông nói thêm.
Năm 2017, khi tròn 21 tuổi, China Evergrande trở thành tập đoàn bất động sản lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Ông Hứa là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ước tính khoảng 42,2 tỷ USD.
China Evergrande cũng mua một đội bóng và chi bộn tiền để chiêu mộ các cầu thủ quốc tế. Ông Hứa còn tham vọng đánh chiếm thị trường xe điện. Tháng 3/2019, ông thề sẽ đuổi kịp hãng xe của tỷ phú Elon Musk và trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong 3 đến 5 năm tới.
Từ nhà từ thiện lớn nhất đến chủ tập đoàn nợ nần nhất
Tỷ phú Hứa Gia Ấn cũng vay mượn tiền từ các mối quan hệ thân quen của mình để đầu tư vào hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản và startup xe điện. Hồi tháng 1, ông Hứa bán 26 tỷ HKD (tương đương 3,4 tỷ USD) cổ phần trong startup xe điện của Evergrande cho 6 nhà đầu tư. Giai đoạn lock-up (không rút được vốn đầu tư) kéo dài 12 tháng.
Nhóm 6 nhà đầu tư bao gồm ông Chen Hua, Chủ tịch Kingkey Group. Ông đã bỏ 5 tỷ HKD vào startup xe điện của ông Hứa thông qua một công ty con. Cá nhân ông Wong Kwong Miu, ông chủ Shenzhen Centralcon Investment Holding Co. (có trụ sở tại Trung Quốc đại lục), cũng đầu tư 5 tỷ HKD. Còn chủ tịch China Gas Holdings Ltd. Liu Ming Hui rót 3 tỷ HKD.
Shenzhen Greenwoods Investment Group của ông Wang Zhongming cũng đầu tư 5 tỷ USD. Bà Chan Hoi-wan - Giám đốc điều hành China Estates Holdings Ltd., vợ tỷ phú Hong Kong Joseph Lau - bỏ 3 tỷ HKD vào startup xe điện. Trong khi đó, ông Wang Kaiguo đầu tư 5 tỷ HKD thông qua Heyirong International Trade Co.
Một số nhà đầu tư lớn đến từ nhóm bạn chung sở thích chơi poker của ông Hứa. Được biết đến với cái tên Big Two Club, nhóm bao gồm ông Lau của Chinese Estates, ông Henry Cheng của New World Development Co. và ông Cheung Chung Kiu tại C C Land.
Họ đã thực hiện nhiều giao dịch trong những năm qua. Mối liên hệ lớn đến mức doanh nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu Evergrande vỡ nợ. Giờ, ông Hứa đang chạy đua với thời gian để thanh toán cho các nhà đầu tư. Trong quý IV/2021, công ty sẽ phải trả 1,8 tỷ USD sản phẩm đầu tư lãi suất cao.
Tuần trước, nhà sáng lập China Evergrande khẳng định sẽ hoàn trả các sản phẩm đầu tư của tập đoàn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, số tiền phải trả của tập đoàn đã lên tới 300 tỷ USD. Dòng tiền của China Evergrande cũng dần cạn kiệt. Không rõ tỷ phú Hứa sẽ thực hiện lời hứa bằng cách nào.
Hôm 23/9, tập đoàn không thể trả 84 triệu USD lãi trái phiếu coupon cho các trái chủ. Khoản lãi 47,5 triệu USD của một trái phiếu khác cũng sẽ đến hạn thanh toán vào tuần tới.
Các công ty như China Evergrande đã kiếm hàng tỷ USD dựa vào kế hoạch bán trước và đòn bẩy cao trong những ngày đầu của cải cách kinh tế Trung Quốc
Giáo sư Gan Li tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam
Ông Hứa, 62 tuổi, đã có 35 năm tuổi đảng. Từ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch "thịnh vượng chung", nhà sáng lập China Evergrande đã sử dụng thuật ngữ này.
Thuật ngữ này được hiểu là "sự giàu có vừa phải dành cho tất cả, thay vì chỉ một số ít người".
Năm 2020, với khoản quyên góp 3 tỷ NDT (465 triệu USD), ông là nhà từ thiện lớn nhất của Trung Quốc. Đó là năm thứ 4 liên tiếp nhà sáng lập Evergrande đạt danh hiệu này.
Ông cũng rất tích cực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Một ngày sau khi Vũ Hán - tâm chấn Covid-19 vào những ngày đầu của đại dịch - bị phong tỏa, ông Hứa đã trao tiền mặt và quyên góp hàng triệu USD cho nghiên cứu y tế.
Theo nhà báo Shuli Ren của Bloomberg, ông Hứa được lòng các nhà chức trách Trung Quốc. Họ rất hoan nghênh những dự án và đề xuất phát triển của ông. "Khi đó, ông ấy là một người ưu tú, một nhà hảo tâm. Nhưng giờ, mọi thứ đã trở nên đáng ngại", cây bút của Bloomberg viết.