Dự án Hệ thống tách nước phân lũ, phòng, chống ngập úng cho các xã phía nam thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 886 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Thời gian thi công từ năm 2009, thực hiện trong 180 ngày.
Mục tiêu của dự án là thoát nước cho gần 80 km2 diện tích lưu vực sườn phía đông dãy Hoành Sơn và tách lũ, hạn chế khả năng ngập lụt thuộc khu vực Dự án khu liên hợp luyện thép cảng Sơn Dương và các khu dân cư trên quốc lộ 1.
Vị trí dự án kênh thoát lũ trăm tỷ. |
Giai đoạn 1 của dự án từ phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) đến cầu Tây Yên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011. Giai đoạn 2 và 3 gồm hồ điều hòa 175ha và 4,2km kênh ngăn mặn và cống ngăn mặn (bara) Tây Yên đến đê Hòa Lộc dài hơn 2 km. Tuy nhiên, 15 năm qua dự án vẫn chưa hoàn thành, nhiều hạng mục thi công ì ạch, thậm chí đắp chiếu.
"Họ thu hồi đất trồng lúa, hồ nuôi tôm phục vụ dự án, nhưng đã rất lâu không thấy thi công gì nữa. Dự án chắn ngang đường đi làm đồng, gây khó khăn cho người dân. Nhiều hố sâu họ múc nham nhở rồi để vậy, rất nguy hiểm cho trẻ em", ông Nguyễn Văn Lệ (62 tuổi, trú phường Kỳ Trinh) cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, các hạng mục chính của dự án từ kênh dẫn nước chỉ mới đào bới lạch kênh, tạo nên nhiều vùng giống hồ nước. Một số đoạn mương dẫn thoát nước phục vụ tưới tiêu bỏ dở đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng.
Vật liệu dùng để thi công vứt khắp nơi, hư hỏng do bị phơi nắng phơi mưa. Dọc đoạn kênh mương có lán trại của công nhân đã hư hỏng, không còn người ở. Tại một số vị trí, người dân địa phương đã lấn chiếm, đào đắp nuôi tôm làm thay đổi hiện trạng công trình, nguy cơ thất thoát lãng phí đầu tư công.
Vật liệu thi công nằm ngổn ngang, một số đoạn của dự án bỏ hoang, bị người dân lấn chiếm nuôi tôm. |
Ông Nguyễn Hữu Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) cho biết, địa phương đã thu hồi hơn 49ha diện tích đất trồng hoa màu và trồng lúa của hàng trăm hộ dân để phục vụ dự án. Từ năm 2015 đến nay, các nhóm công nhân dừng triển khai thi công trên dự án. Nhiều năm qua, một số hộ dân thấy dự án bỏ hoang nên sử dụng diện tích để nuôi tôm.
“Địa phương đã thông báo và cử lực lượng ra ngăn chặn người dân lấn chiếm nuôi tôm, nhưng chưa xử lý dứt điểm. Phường cũng nhiều lần báo cáo, kiến nghị lên các ngành chức năng về hệ lụy do dự án dừng triển khai song không nhận phản hồi cụ thể”, vị lãnh đạo địa phương thông tin.
Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết quá trình làm tuyến kênh này gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vốn. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo, đơn vị đã thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá lại dự án và hoàn thiện điều chỉnh phương án thi công để sớm triển khai, hoàn thiện dự án.